Để giúp mẹ Minh Trang cũng như nhiều phụ huynh có con nhút nhát tháo gỡ lo lắng này, yeutre.vn có một số “tuyệt chiêu” dưới đây. Tham khảo và áp dụng thử các mẹ nhé!
Ba mẹ bao bọc quá mức có thể khiến trẻ nhút nhát
Đừng bao bọc con quá mức
Đây là một trong những nguyên nhân khiến bé thu mình lại, sợ hãi, nhút nhát, chỉ bám theo ba mẹ. Để khắc phục tình trạng này, ba mẹ hãy cho con “va chạm” nhiều hơn: vui chơi với những đứa trẻ, anh chị cùng xóm, dẫn đi chơi công viên, cho bé tiếp xúc với thế giới bên ngoài, khám phá, học hỏi những người xung quanh…
Không so sánh, chê bai, la mắng, thất vọng về trẻ
Đây là một trong những điều cấm kỵ với trẻ nhút nhát. Ba mẹ không nên nói những câu như “ Sao con không tự tin như bạn A, B, C. Sao cái gì con cũng sợ. Con trai mà không mạnh dạn tí nào, còn thua cả con gái. Ba mẹ thất vọng về con quá” . Càng chê bai, so sánh, trẻ càng bị tổn thương, sợ hãi mà thu mình, không muốn tiếp xúc với những người xung quanh.
Chê bai cũng khiến trẻ nhút nhát, tự ti
Cho con tham gia các hoạt động tập thể
Hoạt động, vui chơi ở nơi đông người sẽ giúp bé dần cởi mở, hòa nhập, trở nên mạnh dạn hơn. Ba mẹ nên tạo điều kiện cho bé tham gia bằng cách đăng ký các khóa học vẽ, nhảy aerobic, học kỹ năng sống, hoạt động dã ngoại, từ thiện…
Ban đầu trẻ sẽ hơi nhút nhát, thậm chí đòi về nhưng nếu ba mẹ kiên trì động viên, bé sẽ hòa nhập rất vui vẻ.
Dạy bé kỹ năng giao tiếp qua trò chơi
Để giúp bé trở nên tự tin, mạnh dạn khi giao tiếp, làm quen với những người xung quanh, ba mẹ nên hướng dẫn bé những kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xã hội cơ bản. Vừa học vừa chơi là cách hữu hiệu nhất.
Thường xuyên chơi cùng con sẽ giúp con hoạt bát, tự tin hơn
Theo đó, ba mẹ có thể cùng bé chơi trò bán hàng, ba mẹ nhập vai làm người đi mua hàng, còn bé là người bán hàng. Qua trò chơi, ba mẹ hướng dẫn bé cách mỉm cười, trò chuyện, chào hỏi, giao lưu bằng mắt, cám ơn…
Hoặc ba mẹ cùng con chơi trò nhập vai: tham gia tình huống dự tiệc sinh nhật, trò tham gia bữa tiệc cùng bạn bè… Ba mẹ sẽ hướng dẫn bé giới thiệu tên, sở thích của mình với bạn bè, cách kết bạn với bạn mới.
Ba mẹ không nên thể hiện sự tự ti trước mặt trẻ
Trẻ nhút nhát có thể do ảnh hưởng từ sự tự ti của ba mẹ. Có thể trẻ thường xuyên được nghe ba mẹ nói những câu đại loại như: “Nhà mình nghèo khổ, thiếu thốn nhiều thứ, không có quyền thế gì hết. Con đừng chơi với mấy bạn nhà giàu vì nhà mình nghèo. Nhà bạn A có điều kiện nên bạn giỏi, con theo không kịp bạn đâu”…
Những câu nói này sẽ làm bé nghĩ mình không bằng người khác, trẻ tự ti, mặc cảm, dần dần trở thành nhút nhát, sợ sệt.
Hãy luôn khen ngợi, động viên trẻ
Khen ngợi, động viên trẻ
Khi trẻ trở nên cởi mở, mạnh dạn, tự tin khi chơi cùng bạn bè, khi đến chỗ đông người, khi nhà có khách đến chơi… ba mẹ đừng quên khen ngợi bé đã tiến bộ nhé. Được ba mẹ khen, bé càng có động lực cố gắng.
Yeutre.vn (Tổng hợp)
Khi nào nên đưa bé đến bệnh viện?Nếu ba mẹ đã cố gắng áp dụng nhiều biện pháp nhưng trẻ vẫn nhút nhát, không cải thiện thì nên đưa bé đến bệnh viện, gặp chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ. Bởi có thể bé nhút nhát vì yếu tố tâm lý như đang phải gánh chịu những cú sốc, biến động nào đó.