Truyền cho con nghệ thuật từ chối

Từ chối là một kỹ năng không chỉ cha mẹ mà con cái cũng cần phải học. Kỹ năng này sẽ vô cùng quan trọng và theo con đến suốt cuộc đời như một hành xử của người khôn ngoan.

banner ads

Những trường hợp cần từ chối

Nhận của ai đó một món quà đôi lúc không dễ. Nhưng từ chối một món quà của ai đó lại luôn khó. Là trẻ con để phân biệt được khi nào cần nhận, khi nào nên từ chối lại còn khó hơn. Vậy đâu là những trường hợp cần dạy cho trẻ phải từ chối?

Món quà của người lạ

5022-day-con-tu-choi-4.jpg

Trẻ cần được dạy tuyệt đối từ chối những món quà của những người lạ.

Thông thường trẻ sẽ nhận được những món quà từ những người thân trong gia đình, những người bạn của ba mẹ hoặc từ những người bạn của mình vào một dịp nào đó. Họ có lý do cho những món quà đem tặng. Nhưng người lạ thì khác. Một lời đề nghị hay một đôi cái kẹo, cái bánh có thể ẩn chứa nhiều ý đồ không tốt. Vì thế, mẹ cần phải dạy con tuyệt đối chối từ nhận những vật phẩm từ người không quen biết để tránh những trường hợp xấu xảy đến với con. Mẹ cần giải thích cho con rõ vì sao nên làm như thế với người lạ để trẻ không tò mò và thử làm trái lời mẹ để có đáp án cho riêng mình. Điều này sẽ rất nguy hiểm.

Món quà xa xỉ

Những món quà xa xỉ không mang lại nhiều lợi ích cho trẻ. Nhưng ở tuổi quá bé, trẻ sẽ không thể nhận biết được đâu là món quà đắt tiền, đâu là món quà rẻ tiền để từ chối. Vì thế, thông qua những tình huống khác nhau của cuộc sống, cha mẹ có thể chỉ dạy cho con nhận biết giá trị của vật chất. Tất nhiên, việc làm này đòi hỏi trải qua nhiều thời gian, nhiều tình huống khác nhau của cuộc sống để con tự nhận thức được.

Việc thường xuyên nhận các món đồ vật có giá trị lớn sẽ khiến trẻ coi thường các giá trị của vật chất vốn được đổi bằng sức lao động, không biết trân quý những gì đang có và sử dụng một cách phí phạm. Đôi khi, thói quen này lại trở thành một đòi hỏi vô lý nào đó từ sự nhầm lẫn giữa cái nên và không nên.

Những món quà chưa được sự cho phép của ba mẹ

Khi con chưa tự phân biệt được những tình huống của cuộc sống, cha mẹ hãy là người giúp con. Bạn nên dạy con hình thành thói quen xin phép trước khi nhận từ ai đó món đồ vật nào hay lời đề nghị gì. Và khi bạn không cho phép, đừng quên giải thích vì sao cho trẻ hiểu. Làm như thế, bạn có thể an tâm hơn về con trước những lời dụ dỗ của người lạ. Nhưng trên hết, đó là cách bạn giáo dục con tiệm tiến đến việc nhận thức về cái nên nhận và cái không nên nhận.

Nghệ thuật từ chối căn bản cần dạy cho con trẻ

Lời cảm ơn trên cửa miệng

5024-day-con-tu-choi.jpg

Từ chối muốn người khác không phật lòng nên kèm theo lời cảm ơn.

Từ chối muốn người khác không phật lòng nên kèm theo lời cảm ơn. Phải dạy trẻ biết rằng đó không chỉ là một bài học xã giao mà là lời cảm ơn từ lòng biết ơn, sự ghi nhận lòng tốt của ai đó. Sau lời cảm ơn sẽ là lý do bé cần phải giải thích. Điều này luôn gắn liền với từ “nhưng”, “vì”… Nhưng không phải lúc nào bé cũng cần giải thích một cách rập khuôn để người đối diện cảm thấy sáo rỗng.

Nụ cười trên môi

Cùng với lời cảm ơn, mẹ nên dạy trẻ cách mỉm cười. Đôi khi, chỉ một cử chỉ nhỏ đáng yêu này của trẻ cũng đủ làm người đối diện cảm thấy trẻ biết ơn với những gì họ làm cho chúng. Không cần quá nhiều những lời giải thích gượng ép, họ cũng hiểu trẻ có lý do để từ chối món quà của họ. Và như thế, họ cũng sẽ không ép trẻ phải nhận món quà mà nó không muốn hoặc không được phép nhận.

Không bình phẩm về món quà

Nhiều cha mẹ phải sững người vì con từ chối nhận quà của ai đó kèm theo câu bình phẩm như “món này nhà con chả ai thèm chơi”, “cái này không bằng cái bố con mua”, “cái này xấu xí như gì ấy”…Rơi vào tình huống này có thể không chỉ riêng cha mẹ mà người tặng quà cũng sẽ cảm thấy chưng hửng. Thế nên, bé cần phải học cách từ chối khéo. Nói cách khác đó là phép lịch sự trẻ cần được giáo dục. Dù bé có thích món quà nhưng không được phép nhận, hay không muốn nhận vì không thích cũng không bao giờ dùng những từ ngữ chê bai, bình phẩm tiêu cực để làm người khác buồn lòng.

Hãy cho bé một vài ví dụ về lý do đưa ra để từ chối, chẳng hạn “Bố mẹ con chưa cho phép ạ”. Đây sẽ là một lý do chính đáng mang tính nghiêm túc mà trẻ cung cấp để người đối diện tiếp nhận thông tin và không ép buộc trẻ phải nhận quà.

Bạn cũng nên dạy trẻ về những trường hợp khi con đã chối từ với một lý do chính đáng như trên mà vẫn bị nài ép thì phải đặt nghi ngờ về người cho quà (hoặc đưa ra một lời đề nghị gì khác).

Một khi đã từ chối phải dứt khoát

5023-day-con-tu-choi-3.jpg

Phải dạy trẻ sau khi đã đưa ra nhiều lý do từ chối thì không nên do dự.

Trẻ con rất dễ bị dụ. Vì thế quan trọng phải dạy trẻ biết sau khi đã đưa ra nhiều lý do từ chối thì không nên do dự để người khác lợi dụng. Hơn nữa, sự do dự khiến trẻ sinh ra tính “cả nể”, làm việc gì cũng không dứt khoát. Nên dạy cho trẻ hiểu sự dứt khoát ấy có thể là vũ khí lợi hại khiến người lạ không thể lợi dụng để làm hại con.

Từ chối không chỉ là kỹ năng giúp con tự bảo vệ mình mà còn hỗ trợ rất nhiều trong việc hình thành nhân cách của con. Trẻ có thể tự nhận thức việc nên làm và không nên làm trong những tình huống từ chối, học cách dứt khoát trong lời nói và hành động, học cách làm người trong từng lời nói nhân bản nhất.

Yeutre.vn (Tổng hợp)

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI