Trẻ bị tinh hoàn ẩn nên phẫu thuật lúc một tuổi

Nam giới bị tinh hoàn ẩn ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng sinh tinh, nguy cơ ung thư và vô sinh cao. Các bác sĩ khuyên nên phẫu thuật điều trị sớm ngay khi trẻ được một tuổi.

banner ads

Bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học Bệnh viện Bình Dân, cho biết, tinh hoàn là cơ quan sản xuất tinh trùng ở nam giới. Nơi xuất phát nguyên thủy của tinh hoàn là ổ bụng của thai nhi nam rồi di chuyển dần dần xuống bìu hình thành nên cơ quan sinh dục hoàn thiện ở trẻ trai.

37332-h1-1412255886673-6676-1446780209.jpg
Quá trình di chuyển của tinh hoàn xuống bìu ở thai nhi nam có thể bị ngưng trệ do nhiều yếu tố, gây nên hiện tượng tinh hoàn ẩn. Ảnh: Wordpress.

Theo y văn, quá trình di chuyển tự nhiên của tinh hoàn chịu sự tác động của nhiều yếu tố, chỉ cần rối loạn một trong các yếu tố này sẽ làm tinh hoàn lơ lửng ở trên cao mà không xuống được tới bìu, gây ra chứng tinh hoàn ẩn. Chẳng hạn như tình trạng suy tuyến yên làm thiếu gonadotropin gây hiện tượng tinh hoàn ẩn và dương vật nhỏ, sai lệch thành phần trong hormone testosteron làm cho tinh hoàn không phát triển bình thường, sự phát triển bất thường của dây chằng tinh hoàn - bìu giữ tinh hoàn nằm lơ lửng trên cao, cuống mạch tinh hoàn ngắn, xơ hoá vùng ống bẹn…

Siêu âm thai kỳ không thể thấy rõ vị trí của tinh hoàn nằm ở trên bìu hay chưa. Vì thế khi đứa trẻ sinh ra, bố mẹ và hộ sinh thường là người phát hiện sớm nhất những bất thường ở cơ quan sinh dục của bé, từ đó có những can thiệp kịp thời. Theo bác sĩ Dũng, bệnh tinh hoàn ẩn càng để lâu càng ảnh hưởng đến khả năng sinh tinh, nguy cơ ung thư hóa gấp 10 lần người bình thường. Nam giới bị tinh hoàn ẩn một bên thì bên còn lại cũng có nguy cơ ung thư đến 25%. Bệnh cũng có thể gây ra bất thường về cấu trúc cơ quan sinh dục, hiện tượng xoắn tinh hoàn, nguy cơ vô sinh cao.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo bệnh nhân tinh hoàn ẩn nên được phẫu thuật sớm, tốt nhất khi trẻ được 6 tháng tuổi. Nếu để muộn sau 15 tuổi, tỷ lệ có con tự nhiên chỉ còn 15%. Điều trị trong khoảng từ 9-12 tuổi, tỷ lệ này tăng lên là 30%. Từ 5-8 tuổi là 40%. Từ 2-3 tuổi 50%. Từ 1-2 tuổi 90%.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, quyền trưởng khoa Ngoại Niệu Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết khoảng 10 năm trước, ở nước ta do còn nhiều khó khăn ở khâu gây mê trẻ em nên các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhi bị tinh hoàn ẩn nên được phẫu thuật từ sau 2 tuổi. Gần đây các nghiên cứu cho thấy tinh hoàn càng ẩn càng để lâu càng ảnh hưởng đến khả năng sinh tinh, trong khi từ tháng thứ 6 sau khi đứa trẻ sinh ra, tinh hoàn không còn tự dịch chuyển xuống dưới nhiều. Vì thế WHO khuyến cáo nên phẫu thuật điều trị bệnh này khi trẻ trai được 6 tháng tuổi. Hiện nay, tại Việt Nam chỉ định thường quy đối với phẫu thuật tinh hoàn ẩn được thực hiện khi trẻ trai được một tuổi. Trong tương lai, mục tiêu hướng đến là phẫu thuật từ 6 tháng tuổi theo đúng khuyến cáo của WHO.

Theo bác sĩ Thạch, phẫu thuật tinh hoàn ẩn là loại phẫu thuật phức tạp nhằm di chuyển một hoặc hai tinh hoàn bị ẩn xuống đúng vị trí bìu của trẻ. Bác sĩ có thể chỉ định mổ hở hoặc nội soi tùy vào vị trí tinh hoàn ẩn tại thời điểm điều trị. Hiệu quả của phẫu thuật phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Tính chất bệnh lý, vị tinh hoàn ẩn cao hay thấp, tay nghề của bác sĩ, các thiết bị y tế hỗ trợ... Bệnh nhân sau khi phẫu thuật cần được theo dõi đánh giá tiếp. Một số trường hợp có thể cần phẫu thuật lại lần hai để đưa tinh hoàn xuống bìu vì sau một thời gian trẻ cao lớn thêm, tinh hoàn có thể bị tuột lên trên trở lại.

Theo VNE

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI