Trẻ bị sốt vào mùa lạnh - khi bào bạn cần lo lắng

Trẻ bị sốt vào mùa lạnh có lẽ là tình trạng rất dễ khiến cha mẹ lo lắng. Vì đây là dấu hiệu báo cho bạn biết có thể trẻ đang bị ốm hoặc bị nhiễm trùng ở khu vực nào đó. Mặc dù vậy, sốt ở trẻ dù trong mùa thời tiết lạnh không phải lúc nào cũng đáng lo ngại, trừ khi nó kèm theo những triệu chứng bất thường khác. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu cụ thể hơn về vấn đề này nhé. 

banner ads

Trẻ sốt vào mùa lạnh
Trẻ bị sốt vào mùa lạnh dễ khiến cha mẹ lo lắng hơn bình thường. Ảnh Internet 

1. Tại sao trẻ bị sốt 

Hầu hết cơ thể chúng ta có nhiệt độ dao động trong khoảng 37 độ C (98.6 độ F), và tùy người hoặc tùy thời điểm trong ngày mà mức nhiệt độ này có thể cao hơn hoặc thấp hơn một chút.

Đối với trẻ em thì nhiệt độ cơ thể thường khá ổn định ngày qua ngày, trừ khi virus hay vi khuẩn xuất hiện và tấn công trẻ.

Khi cơ thể trẻ bị vi khuẩn hay virus xâm nhập gây nhiễm trùng ở một vị trí hay bộ phận nào đó, thì sốt chính là phản ứng của cơ thể để chống lại virus hay vi khuẩn. Lúc này cơ thể tăng huy động số lượng bạch cầu, tăng chất hủy diệt các yếu tố ngoại lai, tăng khả năng chuyển hóa cơ thể dẫn đến nhiệt độ cơ thể tăng, và làm cho môi trường sống của vi khuẩn, virus không còn được thuận lợi nữa.

Ngoài ra, sốt là một dấu hiệu dễ nhận biết giúp báo cho bạn hay bác sỹ là trẻ đang bị ốm. 

Trẻ bị ốm
Sốt là dấu hiệu báo cho bạn biết có thể trẻ đang bị ốm. Ảnh Internet 

2. Tại sao trẻ thường bị sốt vào mùa lạnh hơn

Mùa lạnh là khoảng thời gian mà các loại virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển mạnh, đặc biệt là các bệnh liên quan đến đường hô hấp như viêm họng, cảm cúm, viêm phế quản, bệnh viêm phổi . Và một trong những triệu chứng chung của các loại bệnh này chính là sốt ở nhiều mức độ khác nhau tùy vào căn bệnh vì vậy chúng ta thấy trẻ thường bị sốt vào mùa lạnh. 

Trẻ lau mũi
Mùa lạnh trẻ dễ bị mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Ảnh Internet 

3. Những triệu chứng cho thấy trẻ đang bị sốt

Một đứa trẻ bị sốt có thể có những biểu hiện sau:

  • Quấy khóc
  • Khó chịu
  • Đầu ấm, nóng (bạn sẽ nhận biết được khi chạm vào trẻ)
  • Đổ mồ hôi
  • Mặt đỏ 
Trẻ quấy khóc
Bé bị sốt thường khó chịu và quấy khóc. Ảnh Internet 

4. Bạn nên làm gì khi trẻ bị sốt vào mùa lạnh

Đối với phần lớn trẻ thì sốt không phải là vấn đề nghiêm trọng. Nhiều bác sỹ đồng ý rằng tình trạng sốt ở trẻ không cần phải điều trị bằng bất kỳ loại thuốc đặc biệt nào, trừ khi nó khiến trẻ thấy khó chịu.

Nếu trẻ bị sốt cao (trên 38 độ C hay 100.4 độ F) và cảm thấy khó chịu, bác sỹ có thể chỉ định cho trẻ dùng thuốc hạ sốt . Hai loại thuốc phổ biến thường được dùng cho trẻ đó là acetaminophen hoặc ibuprofen. Những loại thuốc này sẽ ngăn các các hóa chất “yêu cầu” cơ thể tăng nhiệt độ nhờ đó giúp trẻ hạ sốt. 

Trẻ uống thuốc
Nếu trẻ bị sốt cao trên 38 độ C và cảm thấy khó chịu, bác sỹ có thể chỉ định cho trẻ dùng thuốc hạ sốt. Ảnh Internet 

Ngoài ra bạn nên thực hiện những việc sau trong quá trình chăm sóc trẻ sốt, đặc biệt vào mùa lạnh:

  • Cho trẻ uống nhiều chất lỏng để tránh mất nước. Dù trong thời tiết lạnh, việc yêu cầu trẻ uống nhiều nước hay nước trái cây có thể không dễ dàng, nhưng không nên vì thế mà bạn lơ là vấn đề này với trẻ. Bên cạnh các loại nước uống, bạn có thể chế biến các món súp cho trẻ dùng, chúng vừa bổ dưỡng, giúp bù nước cho trẻ mà còn là món ăn rất thích hợp trong thời tiết lạnh.
  • Cho trẻ mặc đồ thoải mái cũng như đắp các loại chăn mỏng và thoáng. Nếu bạn lo lắng vuệc trẻ có thể bị lạnh nếu mặc đồ thoải mái hay đắp chăn mỏng, hãy cho con mặc vài lớp đồ mỏng thay vì một lớp dày, kết hợp với việc điều chỉnh nhiệt độ trong phòng trẻ ở mức dễ chịu. Bạn hãy kiểm tra trẻ thường xuyên để có thể cởi bớt quần áo cho trẻ khi cần thiết (lúc này bạn sẽ thấy sự hữu ích của việc mặc nhiều lớp đồ cho trẻ).
  • Cho trẻ uống dung dịch bù điện giải (bạn cần hỏi ý kiến bác sỹ nếu muốn cho con uống loại dung dịch này) khi con bị nôn mửa hay tiêu chảy.
  • Cho trẻ nghỉ ngơi thật nhiều.
  • Giữ không khí trong phòng trẻ được thông thoáng. Bạn có thể mở cửa sổ 1-2 lần trong ngày để không khí được lưu thông. 
Cho trẻ ăn cháo
Cho trẻ dùng những món ăn bổ dưỡng dễ tiêu hóa. Ảnh Internet 

5. Những việc bạn cần tránh khi chăm sóc trẻ sốt trong mùa lạnh

Ngoài những việc nên thực hiện khi chăm sóc trẻ sốt trong mùa lạnh, bạn cũng cần lưu ý một số việc cần tránh sau:

  • Cho trẻ uống aspirin : vì aspirin có thể gây ra nhiều nguy cơ cho sức khỏe của trẻ như rối loạn cân bằng đông máu, viêm loét dạ dày, tăng huyết áp, hại thận, dị ứng và bệnh hô hấp. Đặc biệt là nguy cơ mắc họi chứng Reye – một căn bệnh hiếm gặp nhưng nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến não và gan của trẻ.
  • Dùng rượu cồn xoa lên người để hạ sốt cho trẻ . Vì rượu cồn có thể gây co mạch khiến cơ thể không thải được nhiệt, và khả năng bị ngộ độc nếu là cồn công nghiệp có chứa methanol (methanol có thể ngấm qua da hoặc trẻ hít phải – gây ngộ độc từ nhẹ đến nặng nếu không được xử lý kịp thời)
  • Tắm nước lạnh cho trẻ : vì tắm nước lạnh chỉ làm mát bên ngoài da trẻ chứ không có tác dụng hạ nhiệt trong cơ thể. Ngoài ra nếu nước quá lạnh, cơ thể trẻ bị lạnh đột ngột khi đang sốt có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp , hay trụy tim mạch. 
Mẹ tắm cho bé
Không tắm nước lạnh cho trẻ. Ảnh Internet 
  • Ép trẻ ăn, uống khi trẻ không muốn : vì trẻ cũng như người lớn chúng ta, thường bị giảm cảm giác ngon miệng khi bị ốm. Nếu bạn vì sợ trẻ bị mất sức mà ép con ăn thì có thể phản tác dụng, khiến trẻ mệt mỏi và khó chịu hơn.
  • Cho trẻ uống quá nhiều thuốc hạ sốt : vì dùng nhiều thuốc hạ sốt sẽ ảnh hưởng đến gan và thận của bé, đồng thời sẽ khiến các triệu chứng bệnh khác dễ bị bỏ qua khi tình trạng sốt đã giảm. Bạn lưu ý chỉ cho trẻ dùng thuốc hạ sốt khi con sốt cao trên 38 độ C (100.4 độ F) và ngưng ngay khi trẻ không còn triệu chứng. Đây chỉ là biện pháp tạm thời trong thời gian chờ đợi để bé được đưa đến thăm khám tại cơ sở y tế.
  • Mặc quá nhiều đồ ấm cho trẻ : dù trời lạnh, nhưng khi sốt cơ thẻ trẻ cần sự thoải mái, thoáng mát và dễ chịu. Nên việc vẫn mặc cho con nhiều đồ ấm có thể khiến tình trạng sốt của con trở nên nghiêm trọng hơn. 
Bé choàng khăn
Không ủ ấm cho trẻ quá mức. Ảnh Internet 

6. Khi nào bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sỹ

Mặc dù hầu hết tình trạng sốt ở trẻ là phản ứng thông thường của cơ thể và ít khi gây nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, nếu nhận thấy trẻ có những biểu hiện sau, bạn nên đưa con đến gặp bác sỹ hoặc cơ sở y tế để được thăm khám:

Trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi sốt 38 độ C (100.4 độ F) hoặc cao hơn.

Trẻ lớn hơn bị sốt kèm theo:

  • Mệt mỏi
  • Phát ban
  • Bị tiêu chảy kéo dài hoặc nôn mửa nhiều lần
  • Có biểu hiện mất nước thể hiện qua việc: đi tiểu ít hơn bình thường, không chảy nước mắt khi khóc, kém tỉnh táo và ít hoạt động hơn bình thường
  • Bị sốt kéo dài (có thể đến 5 ngày)
  • Cơ thể trẻ ở trong một tình trạng mãn tính như mắc bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh tim, ung thư hay lupus (một căn bệnh tự miễn khi hệ miễn dịch chống lại chính những cơ quan trong cơ thể trẻ.)
Đo thân nhiệt cho trẻ
Nếu con sốt kèm theo các biểu hiện bất thường thì nên đưa con đi bác sỹ. Ảnh Internet 

Trẻ bị sốt vào mùa lạnh vẫn có thể dẫn đến tình trạng cơ thể bị mất nước. Bên cạnh đó là cảm giác mệt mỏi, mất sức và như đã nói ở trên, có thể là dấu hiệu của một căn bệnh về hô hấp phổ biến vào mùa lạnh nào đó như cảm cúm, viêm phổi, viêm họng hay viêm tiểu phế quản. Vì vậy bạn cần theo dõi khi trẻ sốt nhẹ nhưng kéo dài hoặc sốt cao và không cải thiện. Đối với các trường hợp này, sau khi áp dụng các biện pháp giúp giảm sốt tại nhà, bạn nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám, xác định nguyên nhân gây sốt để được đưa ra phương án xử trí, điều trị kịp thời.

Theo Kid's Health

Lily Nguyễn lược dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI