Trào lưu "tự thẩm mỹ": Lợi bất cập hại

Với áp lực phải trở nên xinh đẹp, nhưng không có đủ tiền thực hiện các ca thẩm mỹ đắt đỏ như nâng mí mắt, mũi và gọt hàm có giá tới hàng chục đến cả trăm triệu đồng, hiện rất nhiều các bạn trẻ làm theo trào lưu “tự thẩm mỹ”. Họ truyền nhau thông tin, tìm mua các công cụ giúp định hình dáng mặt giá rẻ ở các siêu thị hay trên mạng. Giá rẻ và những lời đồn thổi công dụng đã khiến mặt hàng này gần đây rất sôi động, bất chấp những lời cảnh báo có khả năng gây hại cho vẻ ngoài của các bạn thanh thiếu niên.

banner ads

“Mắt lươn thành mắt nai” trong... vài phút

Hiện phổ biến nhất là các dụng cụ như kẹp mũi, kẹp mí mắt, mặt nạ định hình, miếng dán đốt tan mỡ thừa chỉnh xương mặt hay mặt nạ thon gọn tạo dáng theo trào lưu “V-line” (cằm chữ V) được bán với mức giá rất rẻ, chỉ từ chưa tới 20.000 - 300.000 đồng/sản phẩm.

Hầu hết các sản phẩm trên đều được bán “online” trên các trang mạng khắp toàn quốc. Mỗi sản phẩm đều có kèm theo lời giới thiệu công dụng và cách sử dụng rất bài bản. Chiếu theo những lời có cánh này thì quả thật người ta chẳng phải mất công đến thẩm mỹ viện mà làm gì cho vừa tốn tiền vừa đau đớn.

6039-cac-dung-cu-tu-tham-my-dang-duoc-ban-soi-dong-tren-mang-1416152817688.jpg

Các dụng cụ tự thẩm mỹ đang được bán sôi động trên mạng.

Như trên một trang web bán dụng cụ thẩm mỹ kèm theo mỹ phẩm, dụng cụ kẹp tạo mắt 2 mí được cho là có thể biến mắt ti hí thành bồ câu trong vòng chưa đến vài phút ngắn ngủi. Với thiết kế bằng nhựa mềm dạng cong, người dùng chỉ việc kẹp lên phần sát mí mắt và giữ nguyên trong ít phút, sau đó gỡ xuống là đã có ngay đôi mắt 2 mí to tròn. Nhân viên bán hàng cũng cho biết, “mắt bồ câu” sẽ có tác dụng trong cả một ngày rồi sau đó “hiện nguyên hình”, khi nào muốn có mắt to thì lại kẹp vài phút.

Một loại dụng cụ thẩm mỹ khác cũng bán chạy như tôm tươi, đó là mặt nạ tạo mặt chữ V-line. Sản phẩm này có giá dao động từ 60.000 - 170.000 đồng, tùy theo xuất xứ của sản phẩm từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan hay Nhật Bản. Theo như lời quảng cáo thì mặt nạ này có khả năng làm thay đổi khuôn mặt, khiến khuôn mặt nhỏ gọn hơn, tạo được chữ V cân xứng. Nó có khả năng đánh tan phần mỡ dưới cằm và hai bên má, làm săn chắc cơ mặt, giảm bọng nước, se khít lỗ chân lông… Cam kết sau 1 tháng, người sử dụng sẽ có được khuôn mặt như mong muốn.

Trên trang mua bán “enbac”, chiếc kẹp nâng mũi có 30.000 đồng được quảng cáo rằng có thể thay đổi kích cỡ cũng như độ cao của chiếc mũi như mong muốn, chỉ cần mỗi ngày 20 phút ngồi kẹp là thay đổi kinh ngạc. Cấu trúc một chiếc kẹp nâng mũi đơn giản na ná cái kẹp quần áo nhưng có thêm 2 thanh nhỏ bên trong, người dùng chỉ cần đặt hai đầu nhỏ trong hai lỗ mũi, hai đầu to kẹp ngoài hai cánh mũi, lực kẹp sẽ ép mũi thẳng hơn và làm cho mũi thon hơn.

Một loại kẹp mũi khác được chạy bằng pin điện tử. Nhờ đó, khi sử dụng, kẹp mũi sẽ rung và tác động nhanh hơn tới mũi so với các loại kẹp thông thường khác. Chất liệu làm các loại kẹp này thường bằng nhựa polypropylene, silicon…

Hầu hết sản phẩm chỉ có tiếng nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, lời giới thiệu do người bán tự viết ra, người mua chủ yếu xem hình vẽ và làm theo.

Công dụng có “thần kỳ”?

Trên nhiều diễn đàn phụ nữ và làm đẹp, một số thiếu nữ cho biết họ thử nhưng kẹp mí chỉ tạo ra “mắt nai” trong vài giờ mà thôi. Thành viên H.H ở Hà Nội cho biết, ban đầu, kẹp mí cũng bình thường, nhưng các lần sau có lúc gây nhức, hơi sưng nên chị sợ không dám tiếp tục dùng.

Một số người sử dụng “mặt nạ” làm cằm chữ V thì sau khi kiên nhẫn sử dụng không thấy cằm thon lại, mà chỉ thấy da có cảm giác bí, khó chịu.

Một thành viên là chị B.B.Q (TP.HCM) cho biết, sử dụng kẹp mũi thì ban đầu cũng có vẻ “cao cao” lên được vài phút, nhưng làm nhiều lần thì mũi bị phồng nhức, thở có cảm giác đau.

Bác sĩ thẩm mỹ Đức Huy cho biết: “Việc đeo băng đai để chỉnh khuôn mặt thon gọn chỉ có tác động trực tiếp đến phần mềm chứ không thể tác động đến phần xương bên trong. Cơ chế là khiến mạch máu bị đè ép, làm cho quy trình phát triển của mỡ kém đi. Kết hợp với các thành phần thẩm mỹ có tác dụng làm săn lỗ chân lông nên sau khi dùng, người ta sẽ có cảm giác mặt thon gọn. Tuy nhiên, chẳng lâu sau, lớp mỡ, tế bào dưới da sẽ lại phát triển và khuôn mặt trở về như cũ, không thay đổi".

Bác sĩ phẫu thuật Quang Anh cũng cho biết: “Thực chất, các dụng cụ “tự thẩm mỹ” này là dụng cụ hỗ trợ trong quá trình điều trị ở các thẩm mỹ viện. Vì một khi muốn thay đổi hình dạng khuôn mặt với cấu trúc xương cứng thì phải sử dụng đến các phương pháp phẫu thuật bằng dao kéo, laser... chứ không thể chỉ tác động bên ngoài được. Chưa kể dùng không đúng cách, dụng cụ không vệ sinh còn gây nhiễm trùng, nhất là tác động đến đôi mắt, da, thậm chí còn gây hại cho chức năng của bộ phận bị chèn ép”.

Có thể thông cảm được sự sốt sắng trong việc làm đẹp của các chị em và các em nữ lứa tuổi thiếu niên, nhưng nếu không đẹp lên mà còn gây “tật” thì có lẽ người sử dụng cần phải hết sức cân nhắc, tham khảo kỹ lưỡng.

Theo SKĐS

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI