Tiếng khóc quan trọng thế nào đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ?

Tiếng khóc không chỉ là ngôn ngữ chuyển tải nhu cầu sinh lý của trẻ nhỏ mà còn là điều cần thiết cho tiến trình hình thành và phát triển tâm lý bình thường của bé. Bên cạnh đó, tiếng khóc còn mang lại những lợi ích sức khỏe đối với những đứa trẻ đang trong lứa tuổi phát triển mạnh mẽ.

banner ads

Lần đầu làm bố mẹ không ít người luôn xem tiếng khóc của con như một biểu hiện bất thường và cần can thiệp. Thực tế không phải lúc nào tiếng khóc của trẻ cũng là một trường hợp cấp bách.

Khóc là dấu hiệu của sự sống

Tiếng khóc của trẻ sơ sinh được cất lên như một dấu hiệu của sự sống.

Từ khi lọt lòng, tiếng khóc của trẻ sơ sinh được cất lên như một dấu hiệu của sự sống. Đó là lúc bé bắt đầu dùng phổi để hít thở không khí từ môi trường bên ngoài. Tiếng khóc của trẻ càng lớn càng chứng tỏ bé khỏe mạnh, sẵn sàng thích nghi và phản ứng với các tác nhân từ bên ngoài. Từ chỗ toàn thân tím ngắt, qua tiếng khóc và động tác hô hấp bằng phổi bé trở nên hồng hào hơn. Trong một số trường hợp trẻ chào đời không có tiếng khóc, các bác sĩ buộc phải dùng các biện pháp y khoa hoặc thủ thuật dùng tay vỗ vào mông, vào lòng bàn chân bé để giúp trẻ cất tiếng khóc chào đời.

Khóc là ngôn ngữ giao tiếp của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Tiếng khóc là một dạng ngôn ngữ đặc biệt để trẻ bộc lộ các nhu cầu sinh lý của bản thân.

Khi chưa thể dùng ngôn ngữ để biểu đạt ước muốn cá nhân thì tiếng khóc là một dạng ngôn ngữ đặc biệt để trẻ bộc lộ các nhu cầu sinh lý của bản thân như ăn, uống, thay tã,… Tùy theo cường độ của tiếng khóc mà người mẹ có thể nhận biết được nhu cầu thực sực của con mình là gì. Chẳng hạn, khi đói, tiếng khóc của trẻ nhỏ và kéo dài kèm theo động tác cựa mình hoặc mút tay. Trong khi đó, nếu trẻ khó chịu vì ẩm ướt hoặc vì nóng sốt, tiếng khóc của trẻ thường lớn và ngắt theo từng đợt kèm theo những cơn giãy giụa.

Khóc là điều cần thiết cho tiến trình phát triển tâm lý

Khóc là một trong những biểu hiện cảm xúc rất cần thiết đối với quá trình hình thành và phát triển tâm lý của trẻ nhỏ.

Cũng với những biểu cảm gương mặt như cười, mếu, ngoảnh mặt, phụng phịu…, khóc là một trong những biểu hiện cảm xúc rất cần thiết đối với quá trình hình thành và phát triển tâm lý của trẻ nhỏ. Không gì hạnh phúc hơn được cười khi vui, được cau có khi giận hờn và được khóc khi buồn. Nếu một đứa trẻ không thể khóc khi gặp chuyện buồn mà chỉ biết nhìn trân trân và một điểm, đánh ánh nhìn vô định về xa xăm hoặc có những hành động quá khích khác… có thể trẻ đang mắc phải những vấn đề đáng ngại về tâm lý hoặc não bộ phát triển bất thường. Do đó, khi thấy trẻ có những biểu hiện cảm xúc bất thường, bố mẹ cần quan tâm, theo dõi để kịp thời phát hiện những diễn biến tiêu cực này nhằm có biện pháp can thiệp đúng mực.

Khóc giúp trẻ “tập thể dục” các cơ

Trẻ nhỏ không chỉ khóc to bằng miệng mỗi lúc chịu tác động cảm xúc mạnh mẽ mà còn kết hợp cả những động tác khua khoắng tay chân.

Cũng giống như cười, khóc là lúc các cơ mặt căng ra và hoạt động nhiều hơn. Thực tế, trẻ nhỏ không chỉ khóc to bằng miệng mỗi lúc chịu tác động cảm xúc mạnh mẽ mà còn kết hợp cả những động tác khua khoắng tay chân, hoặc thậm chí nhiều bé còn oặn mình, vận động cả toàn thân. Đây có thể xem như một bài tập thể dục nhẹ nhàng cho bé phải không nào?

Tiếng khóc của trẻ giúp bố mẹ nắm bắt được tâm lý con

Tiếng khóc của trẻ giúp bố mẹ nắm bắt được tâm lý con

Trẻ con biểu hiện cảm xúc qua tiếng khóc, cười một cách chân thực nhất. Các bé không biết lường gạt bố mẹ bằng những tiếng khóc giả tạo hay cười một cách vô hồn. Do đó, bố mẹ có thể tin tưởng để đoán biết được cảm xúc thật bé đang trải qua nếu muốn hiểu con nhiều hơn. Tất nhiên, khi trẻ khôn lớn, đôi lúc bạn sẽ bắt đầu nếm mùi được tiếng khóc giả và nụ cười thiếu hồn của bé nhưng suy cho cùng đó cũng chỉ là những trò đùa ngây thơ và trong sáng mà bé muốn dành cho bố mẹ.

Sau cùng, cần phải nói thêm rằng mặc dầu tiếng khóc là một phần không thể thiếu trong tiến trình phát triển tâm sinh lý của trẻ nhỏ nhưng bố mẹ cũng không nên để mặc trẻ khóc quá lâu mà không có bất cứ động thái an ủi nào nhé! Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của bé đấy!

Yeutre.vn (Tổng hợp)

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI