Lễ ăn hỏi. Ảnh minh họa
Với những gia đình có điều kiện thường tổ chức lễ ăn hỏi và lễ cưới tách rời, thường cách nhau ít nhất 1 tháng. Tuy nhiên, hiện nay nhiều cặp đôi quyết định gộp chung lễ ăn hỏi và lễ cưới để thuận lợi cho việc đi lại của cả hai bên gia đình cũng như tiết kiệm chi phi đãi tiệc, trang trí... đến mức tối đa.
Trong ngày quan trọng này, gia đình chú rể sẽ chuẩn bị cả mâm tráp với lễ vật để làm lễ ăn hỏi và khay trầu cau để làm thủ tục xin dâu. Tùy theo phong tục của từng vùng miền mà mỗi gia đình chú rể có sự chuẩn bị lễ vật khác nhau. Đối với lễ cưới miền Bắc sẽ là 5 - 7 tráp, miền Nam từ 6 - 8 tráp.
Thông thường, khi quyết định gộp chung lễ ăn hỏi và lễ cưới, nhiều gia đình sẽ sắp xếp thời gian để cả hai lễ cùng diễn ra trong buổi sáng nhằm tiết kiệm thời gian. Như thế gia đình hai bên cũng như cô dâu, chú rể có thời gian nghỉ ngơi, chuẩn bị cho buổi tiệc cưới vào buổi chiều.
Dưới đây là thứ tự các bước tiến hành tổ chức lễ ăn hỏi gộp chung với lễ cưới trong một ngày các cặp đôi có thể tham khảo.
Lễ ăn hỏi tiến hành trước
Nhà trai mang mâm tráp và lễ vật cùng đại diện sang nhà gái để thưa chuyện, xin phép được tổ chức đám cưới, xin phép cho chú rể được đưa cô dâu ra mắt hai bên họ họ hàng. Lúc này cô dâu mặc áo dài truyền thống, chú rể mặc lễ phục.
Tiếp đến đôi uyên ương sẽ thắp hương trước bàn thờ gia tiên nhà gái, trao nhẫn ăn hỏi, mời rượu hai bên gia đình. Và sau nghi lễ ăn hỏi kết thúc, đại diện họ nhà trai sẽ rời khỏi nhà gái, chờ giờ tốt để quay lại chuẩn bị nghi lễ đón dâu.
Sau lễ, nhà gái vẫn chia đồ lại quả cho nhà trai như đám hỏi bình thường, nhưng số lượng tăng lên nhiều hơn. Việc chia lễ này cần diễn ra nhanh chóng vì thời gian gấp rút, nên cô dâu cần phân công việc cho những người thân từ trước để mọi việc diễn ra suôn sẻ nhất.
Lễ đón dâu. Ảnh minh họa
Lễ đón dâu
Sau khi kết thúc lễ ăn hỏi, nhà trai rời khỏi nhà gái, chờ giờ đẹp để bắt đầu lễ đón dâu. Lễ đón dâu được tiến hành như sau: Tới giờ tốt, nhà trai cử đại diện – là ba hoặc mẹ chú rể và người mai mối có thể một người họ hàng lớn tuổi thân thiết mang khay trầu đến nhà gái để làm thủ tục đón dâu.
Trong nghi lễ này đại diện hai bên sẽ trò chuyện, tuyên bố lý do buổi lễ. Lúc này cô dâu sẽ thay trang phục là áo dài cưới (hoặc có thể mặc lại áo dài đã sử dụng trong lễ ăn hỏi trước đó, điều này phụ thuộc vào khả năng tài chính của cặp đôi) ra mắt. Cũng như nghi lễ ăn hỏi, nhà trai sẽ xin phép cho chú rể được đưa cô dâu ra mắt hai bên họ hàng. Tiếp đến cô dâu chú rể thắp hương lần 2 tại bàn thờ gia tiên nhà gái, trao nhẫn cưới và mời rượu ba mẹ hai bên. Sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết, nhà trai xin phép được đón dâu về nhà, hoàn thành nghi thức đón dâu.
Lưu ý: Những thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vì tùy theo tập tục từng vùng miền sẽ có những biến thể khác nhau. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn tùy thuộc vào các cặp đôi và gia đình.
Yeutre.vn