1. Ho có phải là bệnh?
Ho là triệu chứng không phải bệnh
Ho là một phản xạ tự nhiên của cơ thể để tống vi khuẩn, virus ra ngoài. Đôi khi ho còn có lợi, giúp bảo vệ cơ thể trước những vi khuẩn xâm nhập. Tùy vào tình trạng bệnh nặng hay nhẹ mà ho nặng hoặc nhẹ. Ho không phải là bệnh, nó là triệu chứng của nhiều bệnh.
2. Có bao nhiêu loại ho?
Mỗi bệnh khác nhau, ho sẽ có những tên khác nhau. Trong đó, phổ biến là những loại ho sau:
- Ho khan, ho gió: Mẹ sẽ nhận thấy trẻ ho giống như khạc nhổ, ho không thấy có đờm, càng ho càng thấy đau rát cổ họng, tức ngực. Đôi khi trẻ ho do đau ngang rốn (cơ hoành bị co thắt, đẩy lên đẩy xuống nhiều lần). Ho khan thường xẩy ra trong tình trạng trẻ bị cảm cúm, cảm lạnh, ngửi mùi rơm rạ, khói bếp. Đối với người lớn, ho khan còn xảy ra ở người nghiện thuốc lá, thuốc lào.
- Ho có đờm: Đây là triệu chứng phổ biến diễn ra ở nhiều trẻ. Đặc biệt khi thời tiết thay đổi, trẻ thường ho kèm theo đờm, chảy nước mũi. Đờm là chất nhày được tiết ra ở niêm mạc đường hô hấp khi bị viêm. Chất nhày này khiến cổ họng trẻ lúc nào cũng cảm thấy ngứa và muốn ho, khạc nhổ đờm. Trong trường hợp này, mẹ cần phải tìm cách long đờm cho trẻ để trị viêm đường hô hấp.
Ngoài ra, ho có đờm còn là biểu hiện của bệnh viêm phế quản, bệnh hen, sởi, thủy đậu. Vì vậy, ngay sau khi trẻ có biểu hiện ho có đờm, mẹ cần phải điều trị ngay.
- Ho ra máu: Trong một số trường hợp, mẹ sẽ thấy trẻ ho ra máu. Đây có thể là biểu hiện của bệnh lao phổi, viêm phế quản, giãn phế quản.
- Ho khan theo cơn và chảy kèm nước mắt nước mũi, đây là triệu chứng của bệnh ho gà. Sau cơn ho trẻ sẽ thường cảm thấy đuối sức, mệt mỏi, lờ đờ.
3. Khi ho nên kiêng hải sản, thịt bò, thịt gà?
Rất nhiều người quan niệm, khi trẻ bị ho nên kiêng hải sản vì các chất trong hải sản như tôm, cua, cá sẽ khiến trẻ ho nhiều hơn, tiết nhiều đờm hơn. Tuy nhiên, thực tế, theo các bác sĩ khi trẻ ho cha mẹ không cần kiêng hải sản.
Ngược lại, cần cho trẻ ăn thêm hải sản để tăng sức đề kháng và canxi cho trẻ.
Đối với các loại thịt bò, thịt gà cũng tương tự, các loại thịt này không hề có tác dụng khiến trẻ bị ho khó dứt như nhiều mẹ nghĩ. Trong thịt bò, thịt gà rất nhiều dinh dưỡng và tốt cho trẻ khi bị ốm.
Tuy nhiên, khi cho trẻ ăn các loại hải sản cần loại bỏ vỏ và khử mùi tanh để không gây ngứa rát cổ họng, gây buồn nôn, kích thích ho.
4. Khi ho nên kiêng gì?
Kiêng các thực phẩm cay khi ho
Khi trẻ bị ho, mẹ nên kiêng các loại thực phẩm cứng, khó nuốt và cay. Vì chúng dễ gây kích thích cổ họng và tạo nên các cơn ho. Đặc biệt thực phẩm cay sẽ khiến trẻ ho sặc sụa, ho chảy nước mắt.
5. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị ho
- Khi trẻ bị ho, nghĩa là cơ thể đang bị nhiễm khuẩn hoặc virus, cụ thể là hệ hô hấp đang gặp vấn đề như viêm nhiễm chẳng hạn. Do đó, trẻ sẽ ít cảm giác thèm ăn, ăn không ngon. Trong trường hợp này, mẹ cần phải chế biến thực phẩm dạng lỏng, mềm cho bé dễ ăn, dễ tiêu hóa.
- Cần xây dựng chế độ ăn uống khoa học, đủ chất.
- Cho trẻ uống nhiều nước để làm loãng dịch đờm, giảm ho.
6. Có nên cho trẻ uống siro ho?
Siro ho được rất nhiều mẹ tin tưởng và cho trẻ sử dụng với mục đích giúp giảm ngứa họng, giảm ho và long đờm. Tuy nhiên, việc lạm dụng siro có thể ức chế cơn ho, dịch đờm không được tống ra ngoài và gây nguy hiểm cho trẻ, chưa kể một số siro ho chứa codein có thể gây ảnh hưởng tới thần kinh.
Ngoài ra, không phải cứ bị ho lại cho trẻ uống siro ho. Việc uống siro ho còn phụ thuộc vào tình trạng ho của trẻ. Nếu ho do dị ứng thời tiết thì không cần.
7. Khi nào đưa trẻ đi khám bác sĩ?
Với các cơn ho kéo dài, dai dẳng lâu ngày không hết dù mẹ đã áp dụng một số cách trị ho tại nhà hoặc dùng thuốc thì cần đưa trẻ đi gặp bác sĩ. Có thể trẻ đã bị các bệnh liên quan tới phổi, phế quản, thanh quản và cần phải được điều trị đúng bệnh.
Yeutre.vn (Tổng hợp)