Ngày 30/10/2014, bé Mai Bảo Anh cất tiếng khóc chào đời, nặng 2 kg. Bé được chẩn đoán bị dị tật hở thành bụng, toàn bộ ruột non và đại tràng nằm ngoài ổ bụng. Ruột ngắn chỉ có 60 cm, trong khi đứa trẻ bình thường là 2,2 m.
Bé còn bị chứng teo ruột khiến ruột bị chia thành hai đoạn không liên thông với nhau. Ruột già bị teo chỉ bằng ruột của chiếc bút bi, dị tật ruột xoay bất toàn nên từ khi chào đời, mẹ con chưa được gặp nhau, bé Bảo Anh phải nằm trong phòng cách ly.
Bảo Anh bị dị tật hở thành bụng, toàn bộ ruột non và đại tràng nằm ngoài ổ bụng. Bệnh nhi đã trải qua 2 cuộc đại phẫu.
Anh Thiện, bố của Bảo Anh, cho biết: "Lúc đó em buồn quá, không nghĩ được gì, cứ nhìn con là khóc, phải quay mặt đi chỗ khác".
Bác sĩ Vũ Công Tầm, Trưởng khoa phẫu thuật gây mê hồi sức, bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, kể: “Bệnh nhi nhẹ cân, các dị tật đi kèm quá nhiều, hơn nữa dị tật chính thuộc loại dị tật nặng. Chúng tôi nghĩ rằng bé khó qua khỏi. Trong 20 năm hành nghề, tôi chưa từng gặp dị tật nào như vậy”.
Là trường hợp hy hữu trong y học Việt Nam, đây là một ca khó nhưng với tấm lòng của những người hành nghề y, không đành lòng đứng nhìn một thiên thần nhỏ từ giã cõi đời, đội ngũ y bác sĩ đã có cuộc hội chẩn khẩn cấp giữa các chuyên gia đầu ngành.
Sau bao ngày mang nặng đẻ đau, mong ngóng được ôm con vào lòng nhưng lại là quá khó với chị Trịnh Thị Kim Tươi - mẹ bé Bảo Anh. Chị vẫn chưa được ôm con ngủ trọn một đêm. Sự sống của con vẫn chưa có câu trả lời. Với chị, mỗi ngày trôi qua dài như một thế kỷ, mẹ con xa cách nhau.
Chị Tươi cho biết: "Lúc đó bác sĩ nói còn 20%, không còn nhiều hy vọng vì bệnh quá nặng. Em muốn đi gặp mặt con nhưng gia đình không cho, biết con ở trong phòng cách ly, em đau khổ lắm”.
14 ngày kể từ khi lâm bồn, lần đầu tiên mẹ con được chạm mặt nhau. Những nhịp thở yếu ớt, đôi mắt cứ nhắm nghiền khiến cho tim người mẹ cứ bị bóp nghẹt. Còn nỗi đau nào sâu hơn nỗi đau của người mẹ trẻ, chị nói: “Ước gì được vô ôm con một cái”.
Mỗi ngày qua là một ngày nặng nề với toàn bộ đội ngũ y bác sĩ khoa phẫu thuật gây mê hồi sức của bệnh viên Nhi đồng Đồng Nai. Lần mổ thứ nhất đưa 60 cm ruột vào trong ổ bụng đã xong nhưng sự sống vẫn chưa thể bắt đầu. Theo bác sĩ Tầm, ruột của bé rất kinh khủng, sưng phù và rất dơ, cơ hội sống khó khăn.
Từ ngày con chào đời, chưa ngày nào chị sống trong bình yên bởi sự sống của con đang còn treo lơ lửng.
Sau khi mổ, em bé vẫn chưa ăn được, hai mắt nhắm nghiền, không phản ứng gì. Còn nước là còn tát, phòng mổ đã chuẩn bị sẵn cho cuộc đại phẫu thuật lần thứ hai. Với sức khỏe của em bé quá yếu, ngày tuổi quá nhỏ, tình trạng bệnh quá nặng.
Để chạy đua với sức khỏe của bé sơ sinh đòi hỏi đội ngũ y bác sĩ trong bệnh viện phải thực hiện ca mổ nhanh, chính xác. Với quá nhiều dị tật ở ruột non cũng như ruột già, không có hậu môn, ruột xoắn cũng như thể trạng trẻ sơ sinh không cho phép ca phẫu thuật kéo dài hơn một tiếng đồng hồ. Cuộc chạy đua đầy thử thách để giành sự sống cho em bắt đầu.
Sau mổ là thời gian hồi sức rất vất vả. Hằng ngày, hàng giờ phải theo dõi áp lực ổ bụng. Áp lực ổ bụng rất quan trọng trong phẫu thuật này, nếu sơ sảy sẽ rất nguy hiểm.
Một ngày sau ca đại phẫu thuật lần hai, mẹ con được gặp nhau. Ai từng làm mẹ sẽ hiểu cảm xúc của người mẹ trẻ này, từ ngày con chào đời, chưa ngày nào chị sống trong bình yên bởi sự sống của con đang còn treo lơ lửng. Biết rằng rất mong manh nhưng người mẹ trẻ này vẫn quyết tâm cùng con giành lấy sự sống dù rất mong manh.
Tiếng cười đã trở lại ngôi nhà của chị Tươi anh Thiện khi bé Bảo Anh vượt qua 2 cuộc đại phẫu thuật sinh tử.
Tưởng rằng không qua khỏi bởi thể trạng quá yếu, ruột chỉ dài 60 cm, kèm theo rất nhiều dị tật nhưng quyết tâm của các bác sĩ và bố mẹ bé, Bảo Anh đã vượt qua được ranh giới sự sống và cái chết. Hiện ruột bé đã dài ra gấp 3 lần. Tiếng cười đã trở lại ngôi nhà của chị Tươi anh Thiện. "Em chỉ có mơ ước cho con sau này được học hành giống người ta, mong cho con trở thành bác sĩ để tiếp tục cứu người", người mẹ nói.
Câu chuyện của bé Bảo Anh nằm trong serie "Khoảnh khắc sinh tử" phát sóng trên HTV7 chủ nhật tuần.
Theo ngoisao