Phát hiện tài năng của con bằng cách nào?

Mỗi người được sinh ra với một năng lực khác biệt để làm nên cuộc đời của chính họ. Có thể con bạn cũng tiềm ẩn một tài năng nào đó mà bạn chưa kịp nhận ra để giúp con phát triển nó. Vậy, làm cách nào để phát hiện điều đó?

banner ads

Người nào biết được mình sinh ra để làm gì chắc chắn người đó sẽ thành công. Đôi khi những tài năng đó bộc lộ một cách kỳ diệu ngay từ nhỏ (các trường hợp này thông thường tỏ ra rất kém các lĩnh vực khác). Cũng có khi nó chỉ biểu hiện mơ hồ bằng những sở thích, biểu hiện khác thường, thậm chí là kỳ dị.

Khi nào phát hiện được tài năng?

Theo các nhà tâm lý, tài năng của mỗi người đòi hỏi điều kiện và có tính chất tạm thời. Sở dĩ nói tài năng có điều kiện là vì nó phát triển được hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào môi trường sống và môi trường giáo dục. Riêng tính chất tạm thời được hiểu là thời điểm bộc lộ tài năng. Nhiều nhân tài bộc lộ năng khiếu từ rất sớm và được coi là những thần đồng. Trong khi đó cũng có nhiều người chỉ trở thành những nhân tài khi đã lớn khôn.

Phân biệt trí tuệ phân tích, trí tuệ tổng quát và các loại trí tuệ khác

Mặc dù có nhiều tranh luận về khái niệm tài năng trong giới tâm lý và sư phạm nhưng nhìn chung việc đánh giá tài năng của một đứa trẻ đều căn cứ vào sự kiên nhẫn của nó đối với một lĩnh vực nào đó.

Trí tuệ phân tích

8678-tai-nang4.jpg

Trẻ có năng khiếu trí tuệ đặc biệt có thể dành hết thời gian cho vấn đề nó quan tâm.

Đối với trẻ có năng khiếu trí tuệ đặc biệt, thành tích học tập ở lứa phổ thông không nói lên điều gì về tài năng của chúng. Trường hợp này thường tư duy rất logic các vấn đề mà chúng quan tâm ở mức độ cao. Chúng có thể chuyên tâm và dành hết thời gian cho việc đó dù cứ lẹt đẹt ở vị trí cuối lớp trong các lĩnh vực khác. Và cũng những tài năng này đã làm thay đổi thế giới bằng những phát minh của mình.

Trí tuệ tổng quát

8677-tai-nang-3.jpg

Trẻ có trí tuệ tổng quát thường tỏ ra nổi trội với những thành tích học tập vượt bậc.

Một số trẻ khác lại tỏ ra nổi trội với những thành tích học tập vượt bậc. Chúng có thể vượt qua một cách dễ dàng các bài tập thuộc tất cả các lĩnh vực mà không hề cảm thấy vất vả. Những trẻ này tất nhiên luôn đứng đầu danh sách khen thưởng của trường.

Các loại trí tuệ, năng khiếu khác

Trên thế giới hiện nay, phát triển một con người toàn diện thường hướng đến 8 loại hình trí tuệ bao gồm: ngôn ngữ; tư duy - suy luận; không gian – thị giác; thính giác – âm nhạc; xúc giác – vận động; tương tác; tự nhiên và nội tâm.

8676-tai-nang-2.jpg

Trẻ dễ dàng bộc lộ năng khiếu về nghệ thuật, chẳng hạn như âm nhạc.

Trong đó, năng khiếu về nghệ thuật có thể dễ dàng dự đoán. Trẻ có thể bộc lộ nó thông qua các hoạt động vượt trội trong các lĩnh vực âm nhạc, hội họa, điêu khắc, sân khấu, điện ảnh, vũ kịch…

Một dạng năng khiếu khác có cách bộc lộ khác thường đó là sáng tạo. Dường như những đứa trẻ này đều muốn đi theo con đường của riêng chúng, đôi khi chúng gây ra xung đột, tỏ sự ương bướng và phớt lờ những gì mang tính nguyên tắc. Thông thường, những trẻ này bộc lộ trước hết bằng những khuyết điểm, trước khi có một cú hích để chúng bộc lộ sự sáng tạo. Chẳng hạn, khi có một đề tài mở để tạo nên một cái hoàn toàn mới, trẻ có tài năng sáng tạo sẽ tận dụng để khẳng định mình.

8680-tai-nang7.jpg

Thiên hướng lãnh đạo rất khó được chấp nhận khi trẻ còn nhỏ.

Một kiểu năng khiếu rất khó được chấp nhận dù không khó để nhận ra đó là thiên hướng lãnh đạo. Đặc trưng của các tài năng này là khả năng thấu hiểu nhu cầu và phát hiện xu hướng của người khác cũng như các sự việc. Để tài năng này chín mùi đòi hỏi phải có một nền tảng kiến thức đủ sâu rộng tương xứng với tiềm năng mà họ có được. Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, những học sinh kiểu này đã trở thành “đầu têu” của mọi hoạt động và thường có những quyết định chuẩn mực, quyết đoán những lúc cần thiết.

8679-tai-nang6.jpg

Năng lực trí tuệ của trẻ có năng khiếu thể thao không thấp như nhiều người nghĩ.

Sau cùng, một dạng năng khiếu đặc biệt thuộc về vận động đó chính là thể thao. Theo các nghiên cứu trên các vận động viên nổi tiếng thế giới, các nhà tâm lý đã nhận ra một điều rằng họ không hề có mức năng lực trí tuệ thấp như nhiều người vẫn lầm tưởng. Ngược lại, năng lực trí tuệ của họ khá cao. Đó là kết quả của mối liên hệ trực tiếp giữa sự phát triển của động cơ, tâm lý và trí tuệ. Những trẻ theo đuổi thể thao và chuyên tâm vào đó thường không có kết quả học tập tốt đơn giản chỉ vì chúng có quá ít thời gian để học hành tử tế.

Khi đã tìm hiểu về các loại tài năng khác nhau, câu hỏi tiếp theo của bạn sẽ là làm thế nào để phát hiện tài năng của con? Các phương pháp dưới đây sẽ giúp bạn sáng tỏ về thắc mắc này.

Các phương pháp phát hiện tài năng

1. Phương pháp thử nghiệm

8747-phat-hien-tai-nang2.jpg

Bài tập IQ cho biết chỉ số thông mình của trí tuệ.

Mặc dù chưa hoàn thiện do còn phụ thuộc quá nhiều vào chỉ số IQ nhưng phương pháp thử nghiệm lại được dùng khá phổ biến hiện nay. Nó cho phép nhận định một tài năng thông qua việc so sánh độ tuổi của trẻ với năng lực trí tuệ dựa trên các bài tập IQ. Theo đó, nếu trẻ làm đúng hết những bài tập phù hợp với tuổi thì IQ của nó tương đương với con số 100. Nhưng khi tăng mức độ khó của các bài tập, chẳng hạn bài của trẻ 14 tuổi mà trẻ 10 tuổi vẫn giải đúng được hết thì nó được đánh giá với số điểm 140. Và đứa trẻ đó được gọi là tài năng. Dựa trên những con số thống kê cho thấy, trẻ thông minh hơn thường là “con nhà nòi”. Nghĩa là ở những gia đình có tri thức cao, số trẻ có chỉ số IQ cũng thường cao hơn.

2. Xác định kiểu năng khiếu

Có những đứa trẻ bộc lộ sớm năng khiếu thiên phú của mình ở những lĩnh vực nghệ thuật. Vì thế, bố mẹ có thể dễ dàng nhận biết tài năng của con thông qua các hoạt động âm nhạc, hội họa, vũ kịch… để giúp bé có định hướng nghiêm túc và phát triển đúng hướng tiềm năng của mình ở hiện tại và tương lai. Một điều cần nhớ là với một đứa trẻ có năng khiếu nghệ thuật không có nghĩa là bỏ qua những tiềm năng khác của bé.

3. Nghiên cứu khả năng tập trung

8746-phat-hien-tai-nang-1.jpg

Kiểm tra khả năng tập trung của trẻ.

Cách đơn giản nhất để thực hiện phương pháp nghiên cứu khả năng tập trung là "mẫu hiệu chỉnh". Trẻ sẽ được nhận một tờ giấy mẫu, trong đó có rất nhiều chữ cái khác nhau - 40 hàng x 40 chữ cái/hàng. Trong vòng 5 phút, trẻ phải gạch chân tất cả những chữ đã xuất hiện ở hàng đầu tiên. Yêu cầu trung bình ở cấp tiểu học là 550 chữ cái, ở cấp trung học là 700 và cấp phổ thông là 850. Cách khác, người ta có thể cho trẻ một văn bản có các chữ cái, trong đó có nhiều từ khác nhau lẫn lộn. Người làm bài kiểm tra phải tìm và gạch chân những từ này trong khoảng thời gian 2 phút.

4. Kiểm tra trí nhớ

Ngoài ra, công nghệ cũng hỗ trợ trong việc tìm kiếm tài năng. Trong đó, có một phép thử gọi là “trí nhớ thao tác”. Các chuyên gia sẽ đọc một lúc 50 con số. Các số này được sắp thành 10 hàng ngang và mỗi hàng ngang có 5 con số. Người tham gia chỉ cần ghi nhớ 5 số trong hàng mà chuyên gia vừa đọc. Sau đó, phải tính nhẩm tổng số thứ nhất với số thứ hai, số thứ hai với số thứ ba và cứ tiếp tục cộng dồn như vậy cho đến hết 5 số. Khi kết thúc một dãy số hàng ngang, chuyên gia sẽ dừng khoảng 15 giây. Yêu cầu trung bình dành cho cấp tiểu học là 20 số (40 đáp số), ở cấp trung học là 25 số và cấp phổ thông là 30 số. Vượt qua mức này, xác nhận người tham dự là một tài năng toán học.

5. Đánh giá tư duy logic

8748-tai-nang8.jpg

Đánh giá khả năng tư duy thông qua những bài tập logic.

Dựa trên quan hệ về số lượng, người ta đưa ra bài thử nghiệm cho tư duy logic. Người tham gia sẽ có 2 tiền đề logic trong mỗi một bài tập của tổng số 18 bài để thiết lập mối liên hệ giữa các chữ cái có gạch chân. Chẳng hạn, bài tập như sau: A lớn hơn B 9 lần, B nhỏ hơn C 4 lần. Xác lập liên hệ giữa A và C.

Hiện nay, đối với những trẻ chưa đủ tuổi đến trường, các chuyên gia thường dùng tranh ảnh và đồ chơi để kiểm tra. Chẳng hạn, họ đưa cho trẻ hai trái bóng y hệt nhau. Sau khi trẻ quan sát kỹ lưỡng, họ lại tiếp tục bóp xẹp đi một trái bóng. Câu hỏi họ đặt ra cho trẻ là cả hai có nặng như nhau không? Thông qua câu trả lời của trẻ, họ có thể đi đến kết luận về khả năng tư duy của chúng. Với những trẻ càng lớn mức độ phức tạp của những cách thức trắc nghiệm này càng cao.

Đánh giá mức độ sai lệch của các phương pháp

Các bài tập mang tính trắc nghiệm này có thể được tìm thấy rất nhiều trên phương tiện truyền thông hiện đại. Kết quả của những bài tập này đều có sẵn các thang điểm. Do đó, sai số của các phép thử này là tương đối lớn. Mặc dù vậy, chúng vẫn có giá trị tham khảo nhất định, không nên bỏ qua nếu các phụ huynh muốn biết được tài năng của con ở các mức độ khác nhau. Điều này vô cùng quan trọng để giúp trẻ đi đến chỗ hoàn thiện dần các năng khiếu.

Kết quả của những phép thử này được bổ sung vào các nghiên cứu chuyên môn về tiềm năng, năng lực đặc biệt của con người.

Yeutre.vn (Tổng hợp)

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI