Nước mắt người con sau hơn 40 năm bị nhầm ở bệnh viện

Sốc, giận là cảm xúc trào dâng trong chị Tạ Thị Thu Trang khi nghe mẹ tiết lộ không phải con đẻ của bà.

banner ads

Câu chuyện của một gia đình ở Hà Nội nuôi nhầm con suốt hơn bốn thập kỷ đang gây xôn xao trên mạng. Thông tin bắt nguồn từ Facebook Nguyễn Linh kể về trường hợp bà Nguyễn Thị Mai Hạnh ở Quán Thánh, quận Ba Đình, thất lạc đứa con gái sơ sinh. Sau vài giờ vượt cạn, bà nhận lại con và thấy số đánh 32 trên đùi bé không trùng với số 33 trên tay mẹ.

45694-00-2668-1457436235.jpg
Bà Hạnh và hai con gái, chị Thu Trang (trái) và chị Thu Vân.

Bà được nhân viên ở nhà hộ sinh giải thích số 33 bị mờ, mất móc, lúc bé được đưa đi tắm. Mấy hôm sau, bà Hạnh bế con quay lại nhà hộ sinh để hỏi thăm nhưng cũng không có thông tin gì. Vợ chồng bà Hạnh mang bé gái về nuôi và đặt tên Tạ Thị Thu Trang. Mẩu tin này sau đó được người nhà bà Hạnh xác nhận do con trai chị Trang hiện ở nước ngoài đưa lên mạng.

Hơn 40 năm qua, chị Trang sống trong tình yêu thương của bố mẹ, sự đùm bọc, sẻ chia của các chị em trong gia đình. Hiện chị đã có gia đình và là mẹ của ba đứa con. Chị chưa từng có suy nghĩ mình khác huyết thống với những người vẫn hàng ngày xem nhau là ruột thịt. Một ngày kia, bà Hạnh (65 tuổi) gọi con gái tới rồi hỏi suốt mấy câu khiến chị Trang hơi giật mình. Chị bịt tai không tin những gì bà nói. Sự thật chị không phải con ruột của bà Hạnh. Chị là đứa trẻ bị trao nhầm ở nhà hộ sinh Ba Đình vào đúng ngày chào đời, 10/10/1974.

"Tôi sốc khi nghe mẹ nói không phải là con ruột. Bà bảo 'con phải chấp nhận vì đó là sự thật. Ông trời đã se duyên để con đến bên mẹ, làm con của mẹ. Dù là con đẻ hay không, mẹ vẫn luôn yêu con. Bố mẹ đẻ của con không có lỗi, bản thân họ cũng không biết sự nhầm lẫn này'", chị Trang kể.

banner ads

Sau khi biết sự thật, chị Trang khóc nhiều và phải mất vài tháng mới cân bằng lại cuộc sống. Chị không muốn chồng, con mất đi tình cảm vốn có với người thân mà luôn mong sự gắn kết. Biết chuyện, ai nấy trong gia đình nhỏ của chị đều bất ngờ. Bà Hạnh động viên con gái nếu may mắn tìm được, chị Trang sẽ có hai gia đình, hai bố mẹ. Tình yêu thương của bà dành cho chị luôn vẹn nguyên.

Lúc đầu chị Trang "giận mẹ lắm vì sao bà lại nói ra sự thật". Sau đó được chồng, con và các chị em chia sẻ, chị suy nghĩ lại. Nhìn về quá khứ những việc mẹ làm cho mình từ nhỏ tới giờ, chị thấy thương bà thật nhiều. Hơn 40 năm qua, bà đã hy sinh vì người con không cùng huyết thống. Nhìn chị, bà nghĩ tới đứa con gái giờ vẫn chưa rõ nơi nào.

Thấy Trang không giống với chị em khác trong nhà, nhiều lời xì xào nói bà Hạnh qua lại với người đàn ông khác. Trong mắt chị, mẹ không phải người đàn bà lăng nhăng như đồn thổi. Bà là một người mẹ tuyệt vời, chịu nhiều thiệt thòi và điều tiếng.

"Ngày còn nhỏ, tôi hay bị bạn bè trêu trọc, hàng xóm bàn tán nhưng chẳng bao giờ tin vì bố mẹ và anh chị quá yêu thương mình. Mẹ luôn bao bọc và bảo vệ tôi. Tôi sợ ngày nào đấy bà kể sự thật. Chỉ mẹ nói tôi mới tin", chị Trang tâm sự.

Chị xúc động khi đã hơn 40 tuổi vẫn được mẹ lo từng miếng ăn, giấc ngủ. Trang cùng ba chị em khác lớn lên trong thời thơ ấu nghèo khó mà hạnh phúc. Chị được bố mẹ chiều và ít khi phải làm việc nhà. Tốt nghiệp cấp ba, không thi đại học rồi lập gia đình, chị Trang được mẹ cho nhờ cậy cửa hàng để kiếm sống. Mẹ Hạnh yêu thương và quan tâm cô con gái thứ ba nhiều tới mức đi nước ngoài với con út nhưng vẫn đều đặn facetime về hỏi han, dặn dò.

Theo chị Tạ Thị Thu Vân (con gái cả của bà Hạnh), ngay từ đầu, bố mẹ chị tự biết với nhau rằng có thể đã nhầm con. "Ông khuyên bà 'tìm hiểu làm gì, nhầm rồi thì nuôi. Mình nuôi con người tốt thế nào, họ cũng nuôi con mình tốt như vậy'. Bố mẹ tôi quyết định không tìm nữa", chị Vân cho hay.

Bố chị Vân mất cách đây hơn chục năm. Sống một mình nên bà Hạnh hay suy nghĩ. Khao khát được gặp lại người con dứt ruột đẻ ra trước khi nhắm mắt xuôi tay và cũng để lòng thanh thản, bà âm thầm làm xét nghiệm ADN. Giờ đã có tuổi, bà muốn biết đứa con thất lạc năm xưa còn sống hay đã chết. Bà cũng muốn cô con gái nhầm lẫn có cơ hội tìm lại nguồn cội của mình. Bà giữ kín nỗi lòng bao năm và gần đây mới tiết lộ vì "sợ mất con". Đêm nào cũng mơ tiếng trẻ con khóc khiến bà Hạnh áy náy.

Cầm kết quả ADN trên tay, bà bật khóc và khi ấy mới chắc chắn. Từ trước tới nay, bà chỉ nghĩ có thể nhầm hoặc không. Ngoại hình Trang không giống với ba đứa con khác của bà nhưng có thể hao hao những người trong họ hàng. Có kết quả nhưng bà Hạnh không dám cho chị Trang biết vì "mắt không thấy, tim sẽ không đau". Bà bàn bạc và cân nhắc kỹ càng với các con vì không biết điều gì sẽ xảy ra nếu sự thật được tiết lộ.

"Dù thế nào, tình cảm của chúng tôi dành cho nhau cũng không đổi. Có chăng khi biết Trang không phải em ruột, tôi càng thương hơn. Như mọi khi có gì không bằng lòng sẽ nói nhưng giờ tôi giữ lời hơn", chị Vân nói.

45693-000-4093-1457436236.jpg

Chị Trang thương mẹ vì hơn 40 năm qua bà đã hy sinh nhiều vì đứa con không cùng huyết thống.

Lúc câu chuyện về người mẹ bị trao nhầm con lan truyền trên mạng, bà Hạnh đang ở nước ngoài thăm con gái. Tâm nguyện lớn nhất của gia đình bà là mong thông tin đến được với nhà cũng bị nhầm con năm xưa để mọi người sớm đoàn tụ. Còn chị Trang hy vọng người con gái đẻ cùng ngày với mình ở nhà hộ sinh Ba Đình (nay là 12 Lê Trực) sớm tìm về với bố mẹ.

"Cuộc sống của tôi giờ quá mãn nguyện rồi nhưng ai cũng có nguồn gốc. Dù bố mẹ đẻ là ai hay ở đâu, tôi cũng phải tìm để không ân hận. Có chết tôi cũng phải tìm", chị Trang nói.

Theo ngoisao

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI