Những vị khách tết không mời nhưng vẫn cứ đến

Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, phòng cấp cứu tại bệnh viện (BV) lại tấp nập hơn ngày thường. Phần lớn các ca cấp cứu liên quan đến say rượu, tai nạn giao thông, và ngộ độc thực phẩm.

banner ads

13073-sayegxzitcez.jpg

Ảnh minh họa

Quắc cần câu về chầu Diêm Vương

Trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014, tại Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai, số ca cấp cứu do ngộ độc rượu chiếm bội phần. Phần lớn nhập viện trong tình trạng hôn mê, tụt huyết áp, suy hô hấp do uống rượu quá nhiều, gây ngộ độc cấp. Thậm chí có một bệnh nhân tử vong .

banner ads

Một bệnh nhân nam (Hà Nội) bị ngộ độc rượu trong tình trạng mê man, huyết áp giảm, mạch chậm. Theo người nhà bệnh nhân, trong bữa tiệc tất niên với rất nhiều rượu, tiệc tàn, anh ta gục xuống mê man, bất tỉnh.

Tuy bị ngộ độc rượu thể nhẹ, không nguy hiểm đến tính mạng, ma men ấy vẫn phải ăn Tết trong bệnh viện.

Một đàn ông 32 tuổi (Hà Nội) nhập viện trong tình trạng say rượu, vật vã, kích thích, rối loạn tri giác, tổn thương não, huyết áp tụt sâu, tổn thương gan thận.

Theo người nhà, từ ngày 30 Tết, bệnh nhân bắt đầu uống rượu với bạn bè. Trong ba ngày tết liên tiếp, bệnh nhân uống nhiều loại rượu khác nhau. Sau hơn một ngày điều trị tích cực tình trạng bệnh nhân vẫn xấu, gia đình đã xin bệnh viện cho ma men về nhà lo hậu sự vào chiều mùng bốn Tết.

Tiết canh lợn, say mãi không tỉnh

Còn tại Khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, sáng mùng một Tết, một bệnh nhân nam, 48 tuổi (Thái Bình), nhập viện trong tình trạng tụt huyết áp, sốc. Bệnh nhân sau đó tử vong do nhiễm liên cầu lợn.

Hỏi chuyện được biết, ngày 28 Tết, bệnh nhân ăn món tiết canh tất niên với gia đình. Một ngày sau ăn tiết canh, anh ta có biểu hiện sốt cao, lạnh run, rối loạn tiêu hóa nhưng không đến BV khám. Sau một ngày sốt, thấy bệnh nhân mệt lả, tụt huyết áp người nhà mới đưa đến BV cấp cứu nhưng đã quá muộn.

Nếu trót uống quá chén, cần nằm ngủ với tư thế nghiêng đầu và vai cao hơn. Tuyệt đối không ngủ li bì suốt đêm bởi có thể hạ đường huyết, hạ nhiệt độ.

Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng Khoa Cấp cứu - BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết, bệnh nhân đưa vào trong tình trạng tụt huyết áp, sốc, mặc dù đã dùng thuốc vận mạch nhưng huyết áp không hồi phục nên đã tử vong.

Ca bệnh này diễn tiến rất nhanh và được chẩn đoán ở thể tối cấp. Ngoài trường hợp trên, còn một số trường hợp khác phải ăn Tết ở phòng hồi sức cấp cứu do nghi ngờ nhiễm liên cầu lợn từ tiết canh.

Mũ bảo hiểm đội làm gì cho nặng

Dịp năm mới, Khoa Cấp cứu - BV Việt Ðức cũng ghi nhận nhiều trường hợp bị tai nạn rất nặng, trong đó chủ yếu do tai nạn giao thông.

Ngày mồng bốn Tết năm qua, BV đã tiếp nhận và cấp cứu cho bệnh nhân M., 20 tuổi (Nghệ An) trong tình trạng hôn mê, đa chấn thương vì tai nạn giao thông. Chiều mồng ba Tết M. đang đi xe máy ở đường làng thì bất ngờ bị một tốp thanh niên say rượu lạng lách đâm vào gây tai nạn.

Cú va chạm mạnh khiến M ngã đập đầu xuống đường. Trong tình trạng không có mũ bảo hiểm, M bị chấn thương sọ não nặng, vỡ xương hàm. Sau khi được sơ cứu, M. được chuyển đến Bệnh viện Việt Ðức điều trị.

Năm nào cũng vậy, say rượu, ngộ độc rượu, tại nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm là bốn đối tượng bệnh nhân ruột của phòng cấp cứu bệnh viện ngày Tết.

Ðừng quên rau củ trái cây

Ðể những ngày Tết trọn vẹn, giữ được sức khỏe, mọi người cần tự nâng cao ý thức trong việc đảm bảo sức khỏe như ăn phải đảm bảo vệ sinh, có nguồn gốc rõ ràng. Ăn đủ năm chất dinh dưỡng (chất đạm, chất béo, chất đường bột, vitamin và chất khoáng), không ăn quá nhiều đạm, chất béo mà quên các chất dinh dưỡng khác như rau củ, trái cây tươi. Một số loại thức ăn nên dùng hạn chế vì chứa quá nhiều đường (bánh mứt), quá nhiều chất béo (thức ăn chiên, xào).

Các loại nước giải khát, nước tăng lực, syrup (xi rô) cũng không nên dùng quá nhiều, nhất là với người cao tuổi, người tiểu đường. Bên cạnh đó, không ăn tiết canh sống, không ăn các sản phẩm thịt lợn nấu tái. Khi có dấu hiệu sốt cao sau ăn tiết canh và các sản phẩm chưa được nấu chín từ lợn, nên chủ động đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị sớm.

Không bỏ món thể dục

Về chế độ sinh hoạt, mọi người thường có thói quen đi ngủ muộn và ngủ nướng vào những ngày nghỉ lễ. Thói quen này không tốt vì có thể làm rối loạn đồng hồ sinh học.

Nên tập luyện thể thao khoảng 15 phút mỗi ngày với những động tác vận động toàn thân nhằm giúp cho cơ thể tiêu hao lượng calorie thừa. Ngoài ra cần bố trí thời gian sinh hoạt hợp lý, điều độ. Không nên thức quá khuya, nhất là những người già, có bệnh mãn tính như cao huyết áp, đau dạ dày, bệnh tim mạch.

Trót say, không để ngủ li bì

Dịp Tết, mọi người gặp gỡ nhau hay chúc tụng bằng chén rượu. Ðầu xuân lễ hội nhiều, liên hoan tân niên tụ tập ăn uống cũng liên quan đến ngộ độc rượu gia tăng. Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê với các biến chứng như khó thở, suy hô hấp, hạ đường huyết.

Nếu uống rượu, phải lựa chọn những loại rượu có nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác rõ ràng. Nếu uống rượu, trước, trong và ngay sau khi uống, cần giữ ấm, tránh để cơ thể lạnh đồng thời không lái xe sau khi uống rượu.

Nếu trót uống quá chén, cần nằm ngủ với tư thế nghiêng đầu và vai cao hơn. Tuyệt đối không nên để nạn nhân ngủ li bì suốt đêm bởi có thể hạ đường huyết, hạ nhiệt độ.

Nếu có những biểu hiện như gọi hỏi không trả lời, co giật, thở yếu, khò khè, tím tái, nôn nhiều, cần gọi cấp cứu và đưa ngay đến bệnh viện.

Ngày Tết cũng cần chú ý đến an toàn giao thông. Nên đi xe với tốc độ vừa phải. Luôn đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn. Tránh chở nhau kẹp ba kẹp bốn và, nếu đã uống rượu bia, không nên lái xe.

Theo TPO

(*) Tít bài viết đã được yeutre.vn đặt lại. Tít cũ "Những vị khách tết bât đắc dĩ"

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI