Chính E. Chu (Chính Chu) sinh năm 1966 ở Việt Nam. Năm 1975, cha mẹ ông cùng 6 người con di cư sang đất Mỹ với vốn liếng chỉ vài trăm USD. Cuộc sống vô cùng khó khăn đã khiến Chính Chu có thêm quyết tâm và nỗ lực để thành công.
Sau khi nhận bằng Cử nhân Tài chính Đại học Buffalo và 15 lần xin việc thất bại, ông được nhận vào làm tại bộ phận mua bán và sáp nhập của công ty Salomon Brothers năm 1988. Năm 1990, cơ hội đã đưa Chính Chu đến với lĩnh vực tài chính, ông “đầu quân” cho tập đoàn tài chính Blackstone. Với khả năng phân tích sâu sắc và nhạy bén, sau hơn 2 thập kỷ làm việc tại Blackstone, Chính Chu không chỉ là một trong những người Việt có thành công nổi bật nhất tại Mỹ mà còn khiến phố Wall phải “kiêng dè”.
Hiện tại, Chính Chu là giám đốc cấp cao của Tập đoàn Đầu tư Tài chính Blackstone. Ông sở hữu khối tài sản lên tới 1,1 tỷ USD. Là “viên tướng” chỉ huy của tập đoàn Blackstone, biệt tài mà mọi người nhớ đến ông chính là là năng “đạo diễn” hàng loạt các vụ thương thuyết. Thậm chí nhiều người còn cho rằng “không có thương vụ nào tuột khỏi tay Chính E. Chu”.
Tỷ phú Chính Chu (giữa). Ảnh bornrich.com
Bùi Tiến Dũng
Dzung T. Bùi (Bùi Tiến Dũng) sinh ra tại Tiền Hải, Thái Bình. 17 tuổi sang Mỹ du học với hành trang vỏn vẹn một chiếc va li nhỏ và 150 USD, giờ đây ông đã trở thành người con đất Việt thành công nhất tại IBM - tập đoàn công nghệ máy tính máy tính đa quốc gia lớn nhất thế giới.
Với suy nghĩ người Việt mình không kém ai, ông không ngại dấn thân trong mọi lĩnh vực. Để trang trải tiền ăn học, ông kiếm việc làm thêm từ bưng bê, dọn dẹp cho tới làm phát thanh viên cho một chương trình truyền thanh tiếng Việt.
Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ loại xuất sắc chuyên ngành kỹ thuật điện – điện tử tại Trường Đại học Minnesota (bang Minnesota), Bùi Tiến Dũng nộp đơn xin việc và được nhận vào làm tập đoàn IBM. Ông làm tại phòng thí nghiệm Rochester.
Sau hơn 1 năm làm việc tại phòng thí nghiệm, nhận thấy mình có năng lực trong lĩnh vực bán hàng ông xin chuyển qua phụ trách mảng sales (marketing và tiêu thụ sản phẩm). Từ đó, ông liên tục được đề bạt và đảm nhiệm những trọng trách trong mảng kinh danh sản phẩm của tập đoàn IBM, từ Phó Chủ tịch phụ trách thị trường Mỹ Latinh, Tổng giám đốc Sales và Marketing châu Âu, Giám đốc điều hành phụ trách chuỗi cung ứng, Tổng giám đốc phụ trách giải pháp IT. Hiện ông là Phó chủ tịch – phụ trách nhóm điều hành kinh doanh toàn cầu của IBM.
Ành theeconomicnews.com
Trung Dũng
Sinh năm 1967 tại Việt Nam, đến Mỹ từ năm 17 tuổi với “vốn liếng dắt lưng” vỏn vẹn 2 USD và vốn tiếng Anh ít ỏi, Trung Dũng đã khiến cho cả nước Mỹ phải e dè và nể phục vì khả năng vươn lên của mình.
Những ngày đầu sang Mỹ là khoảng thời gian khó khăn của Trung Dũng. Lúc đầu anh và người chị của mình xin được lưu trú ở Louisiana, sau đó chuyển sang Boston. Một năm sau, anh may mắn vượt qua được kỳ thi tương đương trung học và ghi tên học hai môn Toán và Tin học ở Trường Đại học Massachusetts ở Boston.
Trung Dũng tiếp tục vừa học vừa làm đủ thứ công việc, từ rửa chén bát trong nhà hàng đến kỹ thuật viên trong các phòng máy tính để nuôi sống bản thân và gia đình. Mặc dù vạy, chàng thanh niên nghèo năm nào vẫn hoàn thành chương trình tiến sĩ và bắt đầu làm việc khởi điểm tại Công ty phần mềm thương mại điện tử OpenMarket.
Nhậ ra rằng đây chính là thời điểm bùng nổ Internet, Trung Dũng quyết định rời OpenMarket để thành lập công ty OnDisplay vào năm 1996. Dưới sự điều hành của Trung Dũng, OnDisplay trở thành một trong những công ty nhanh chóng thành công tại Mỹ.
Năm 1999, OnDisplay là một trong 10 công ty lần đầu lên sàn chứng khóan thành đạt nhất ở Mỹ trong năm 1999. Năm 2000, Trung Dũng đã khiến cho cả nước Mỹ e dè và nể phục khi chuyển nhượng công ty OnDisplay cùng thương hiệu của nó cho hãng Vignette Corp với giá gần 1,8 tỷ USD.
Sau thành công với OnDisplay, Trung Dũng tiếp tục thực hiện một số dự án kinh doanh và đạt được không ít thành công. Trung Dũng hiện nay cũng đang là Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc của Mobivi – công ty cung cấp dịch vụ hỗ trơ thanh toán tại Việt Nam. Nhìn lại quá trình khởi nghiệp, Trung Dũng thấy tự hào vì đóng góp nhất định vào sự nghiệp phát triển Internet và ông hy vọng 20 năm sau, có thể nhìn lại và nói rằng, mình có đóng góp cho sự phát triển thanh toán điện tử ở Việt Nam.
Ảnh: sfgate.com
Hoàng Kiều
Ông Hoàng Kiều sinh ra tại làng Bích Khê, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, trong một gia đình có truyền thống Nho giáo. Ông đã từng trải qua tuổi thơ nghèo khó vì mồ côi cả cha lẫn mẹ. Năm 1975, ông tay trắng ra nước ngoài kiếm sống khi đã có vợ và 5 người con.
Vì gánh nặng gia đình, lối thoát duy nhất của Hoàng Kiều đó là buộc phải lăn xả kiếm tiền. Giỏi tiếng Anh và cũng nhờ có nhiều mối quan hệ, ông “chen” được vào phòng thí nghiệm của hãng Abbott trong lĩnh vực điều trị bệnh viêm gan. 5 năm sau, từ một nhân viên, ông đã bước lên vị trí giám đốc của bộ phận thử nghiệm và sản xuất sản phẩm làm từ huyết tương.
Năm 1980, Hoàng Kiều đã mua lại một phần cơ sở thí nghiệm của Abbott và thành lập RAAS.
Ban đầu, RAAS chỉ tập trung thu gom huyết thanh chuyên dụng cung cấp cho ngành công nghiệp phân tách mà chưa ra sản phẩm cuối cùng. Sau khi đi vào hoạt động, RAAS đã xây dựng được hàng loạt trung tâm tách hồng huyết cầu ra khỏi dịch tương ở khắp vùng phía Tây của Hoa Kỳ.
Những năm cuối thập kỷ 80, khi nguồn nguyên liệu huyết tương trở lên khan hiếm, ông nghĩ ngay đến việc chuyển công ty đến Trung Quốc. Năm 1988, công ty của ông đặt tại Thượng Hải và lấy tên Shanghai RAAS. Năm 2014, Shanghai RAAS thực hiện IPO, và Hoàng Kiều ngay lập tức lọt vào danh sách tỷ phú thế giới của Forbes.
Ảnh: mnorthbaybusinessjournal.co
Theo Khám phá