Tất nhiên là các bác sĩ thì chẳng ai rảnh rỗi để trả lời những câu hỏi phong long trên mạng, còn lại thì đều là người bình thường cả, kiến thức chỉ thu thập quanh quanh mấy tờ báo mạng, làm sao dám mạo hiểm trả lời tư vấn cho ai. Nhất là khi chuyện này có liên quan đến đứa con trong bụng quý báu của nhà người ta.
Virus zika, nỗi ám ảnh của nhiều bà bầu
Và rất nhanh, những tin đồn, hoang mang lan rộng. Hầu như những bà bầu mà mình biết đều đang rối hết cả lên và đứa em họ mới gọi điện hỏi mai rỗi không đưa em ấy đi xét nghiệm. Em ấy ở quận 9, gần với quận 2 - nơi có người phát hiện nhiễm virus Zika mới được công bố lúc trưa nên cực kỳ lo lắng.
Mình trộm nghĩ, nếu tất cả các bà bầu đều đi xét nghiệm vào thời điểm này thì các cơ sở y tế quá tải là cái chắc, chưa kể nguy cơ lây nhiễm cao hơn vì tất cả những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao đều dồn vào một chỗ. Cho nên, mình mới lục lọi trên mạng và tư vấn thêm một số chuyên gia y tế mà mình quen biết để nắm rõ chuyện này. Giờ thì cô em mình và các cô bạn đang mang thai của mình chẳng ai đủ bình tĩnh và niềm tin để đọc hay phân tích, chọn lọc thông tin cả đâu. Mình cũng từng mang thai nên hiểu, lúc này chỉ mong có kết luận và lời khuyên trực tiếp của bác sĩ thì mới an lòng được.
Vì vậy, những thông tin này mình chia sẻ cả lên đây cho các mẹ bầu cùng đọc và bớt hoang mang, lo lắng, chuyên tâm vào việc chăm sóc cho cả mẹ và con nhé.
Trước hết là khuyến cáo của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: "Chỉ phụ nữ mang thai 3 tháng đầu, virus mới có khả năng gây đầu nhỏ. Vì thế, người dân không nên quá lo lắng, không phải cứ phụ nữ mang thai mắc Zika là có thể dẫn đến hội chứng đầu nhỏ. Chỉ những phụ nữ mang thai 3 tháng đầu, ở vùng có dịch (bán kính 200m so với điểm dịch), có biểu hiện sốt, viêm kết mạc, nổi ban thì mới đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm. Không phải tất cả phụ nữ mang thai đều cần đến bệnh viện để xét nghiệm."
Mình có tìm hiểu sơ qua về chuyên môn của vị thứ trưởng này và lượm được trên wiki những thông tin hết sức ấn tượng: Tốt nghiệp Thạc sỹ Y khoa chuyên ngành Truyền nhiễm, Trường Đại học Y Hà Nội năm 1995; Tiến sĩ Y khoa năm 2003; Phó Giáo sư y học năm 2009, Phó Giáo sư kiêm nhiệm Trường Đại học Griffith, Úc năm 2011; Giáo sư y học năm 2013.
Vậy là các mẹ hoàn toàn yên tâm nhé, không nhất thiết phải đi xét nghiệm ngay và nhớ theo dõi chặt chẽ những biểu hiện của cơ thể đồng thời phòng chống muỗi đốt cũng như đảm bảo quan hệ tình dục an toàn là được.
Về thông tin phụ nữ mang thai mà nhiễm virus Zika phải bỏ thai vì con đã bị dị tật đầu nhỏ, TS Trần Danh Cường- Phó GĐ Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết không cần phải bỏ thai vì hệ thống y tế có thể giám sát được. Nếu mẹ bầu bị nhiễm Zika, cần siêu âm thêm 2 tuần/lần bên cạnh việc siêu âm thai kỳ bình thường. Đến khi nào khẳng định chắc chắn thai nhi mắc hội chứng đầu bé thì mới có kế hoạch xử trí.
Vậy việc cần làm bây giờ là phòng bệnh các mẹ ạ. Muỗi truyền virus Zika hoạt động vào ban ngày nhé, nên mọi người đừng nghĩ tối ngủ mắc màn là xong đâu. Ngủ trưa cũng nên mắc màn và nên dùng thuốc chống muỗi, cái này dùng thứ gì tự nhiên vẫn tốt hơn, chủ quan mình nghĩ vậy. Mà để cho chắc ăn nên tư vấn bác sĩ mà mình khám thai đó các mẹ, như vậy sẽ chọn được loại thuốc an toàn cho bà bầu. Giờ bệnh tật nhiều nên mình mất niềm tin với các loại thuốc lắm, chả dám khuyên nhủ gì ai loại thuốc gì.
Nhân tiện, thấy các mẹ đang hoang mang vụ virus Zika làm teo não, gây dị tật đầu nhỏ cho trẻ, mình muốn nhắc là có đến 3 nguyên nhân gây dị tật đầu nhỏ cho thai, chứ không chỉ riêng gì Zika, cho nên các mẹ đã phòng chống thì phòng chống cho trót luôn nhé. Đó là do nhiễm trùng CMV, ký sinh trùng và rubella, ngoài ra còn do di truyền tổn thương gene, nhiễm sắc thể và nhiễm độc- chiếu xạ, một số hóa chất.
Các mẹ ai có thêm thông tin gì nữa thì chia sẻ nhé, để mình cập nhật thêm cho em và bạn bè của mình. Hiện tại mình mới lượm lặt được nhiêu đây thông tin à.
Theo webtretho