Cà tím, dưa leo, mướp đắng, rau mồng tơi hay lá lốt đều là những loại rau củ khiến mẹ bầu phân vân trước khi chọn dùng.
Bà bầu có nên ăn cà tím?
Cà tím được dùng như một loại thực phẩm chức năng có tác dụng an thai rất hiệu quả
Các loại cà thường có chứa nhiều ancaloit độc như solanin gây “đau mình, nhức mẩy”. Đó là lý do vì sao trong dân gian thường có câu “Một trái cà bằng ba thang thuốc”. Tuy nhiên, riêng cà tím, theo các chuyên gia, cà tím không độc như mọi người vẫn nghĩ. Theo đó:
- Cà tím được dùng như một loại thực phẩm chức năng có tác dụng an thai rất hiệu quả.
- Trong cà tím, lượng axit folic khá cao. Vì thế có thể dùng cà tím trong thai kỳ để ngăn ngừa những dị tật bẩm sinh liên quan đến ống thần kinh ở thai nhi, đồng thời giúp giảm lượng homocysteine trong máu, nguyên nhân dẫn tình trạng cao huyết áp và tim mạch ở mẹ bầu.
- Đối với những thai phụ mắc tiểu đường, cà tím cũng là thực phẩm rất phù hợp với tình trạng bệnh của mẹ.
- Chất solanine trong cà tím có tác dụng ngăn chặn quá trình oxy hóa và ngừa ung thư rất tốt.
- Ngoài ra, nhờ chỉ số glycemic trong cà tím rất thấp nên nó có tác dụng chống lão hóa và hỗ trợ tiêu hóa rất tốt.
Tuy nhiên, khi ăn cà tím bà bầu nên lưu ý:
- Chất solanine trong cà tím lại có thể gây ngộ độc nếu dùng quá nhiều. Một khi bị ngộ độc, nó có thể kích thích mạnh mẽ đến hệ hô hấp và gây hôn mê. Ngoài ra, nếu ăn nhiều cà tím cũng sẽ gây đầy bụng hoặc tiêu chảy. Vì thế, một bữa ăn chỉ đủ 250g cà tím sẽ an toàn cho mẹ bầu.
- Có thể dùng cà tím để xào hoặc nấu đều được vì solanine trong cà tím không hòa tan trong nước và không chịu tác động bởi nhiệt. Muốn thúc đẩy solanine phân hủy trong quá trình chế biến, nên thêm vào ít giấm ăn.
- Mẹ bầu đang mệt, có thể trạng kém hoặc mắc bệnh thận, hen suyễn nên hạn chế ăn cà.
- Do cà tím chứa một protein và một số chất chuyển hóa có hàm lượng cao hoạt động như một loại histamin nên có thể gây dị ứng ngứa ngáy miệng và toàn thân.
Bà bầu có nên ăn củ đậu?
Chất xơ trong củ đậu khá cao nên nó có tác dụng nhuận tràng và cải thiện chứng táo bón rất tốt.
Củ đậu rất rẻ và tưởng chừng rất nghèo dinh dưỡng. Chính vì vậy, nhiều người băn khoăn không biết bà bầu có nên ăn củ đậu không. Tuy nhiên đây là loại củ rất có lợi cho các bà bầu đấy!
- Trong 100g củ đậu có 92g nước; 1g protit; 6g glucit; 0,7g xenluloza; 0,3g tro; 2,4 g tinh bột; 8mg canxi, 16mg photpho, 6mg vitamin C, 29kcalo… và đặc biệt không chứa chất béo. Do đó, đây là một thực phẩm dinh dưỡng rất phù hợp cho những mẹ bầu cần ổn định cân nặng.
- Trong của đậu có đến 90% thành phần là nước. Thêm vào đó chất xơ trong củ đậu khá cao nên nó có tác dụng nhuận tràng và cải thiện chứng táo bón ở mẹ bầu rất tốt.
- Nếu muốn cải thiện tình trạng nóng trong, mẹ bầu có thể dùng củ đậu để thanh nhiệt, sinh tân, chỉ khát và giải độc.
- Trong củ đậu có 4,51% thành phần là đường glucoza, 2,4% là tinh bột nên đây sẽ là loại củ rất tốt đối với những mẹ bầu đang ốm nghén bị thiếu hụt dinh dưỡng.
- Ngoài ra, một số mẹ bầu còn dùng củ đậu đắp mặt để tránh hiện tượng da nứt nẻ trong mùa đông và giữ ẩm hàng ngày.
Với những công dụng trên, không có lý do gì để mẹ bầu loại củ đậu khỏi khẩu phần dinh dưỡng của mình trong thai kỳ phải không nào?
Bà bầu có nên ăn mướp đắng?
Nếu ăn quá nhiều mướp đắng sẽ dẫn đến đầy hơi, đau bụng, ợ nóng…
Mướp đắng rất tốt cho người bình thưởng nhưng với các bà bầu nó có thực sự tốt hoàn toàn?
Mướp đắng được biết đến với rất nhiều công dụng khác nhau. Với mẹ bầu nó cũng mang lại những tác dụng rất hữu ích như: ngăn ngừa táo bón và bệnh trĩ (nhờ lượng chất xơ dồi dào), hạn chế tiểu đường thai kỳ và ổn định đường huyết (nhờ có chứa charatin), giúp ngăn ngừa nguy cơ thai nhi bị dị tật ống thần kinh (có chứa lượng folate khá cao, chiếm khoảng chiếm 25% nhu cầu folate của mẹ bầu trong ngày), hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch và chống viêm nhiễm (vitamin C trong mướp đắng đáp ứng 50% nhu cầu vitamin C của mẹ bầu trong ngày). Ngoài ra, mướp đắng còn là nguồn bổ sung kẽm, mangan, kali và chất sắt rất tốt cho mẹ trong thai kỳ.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích trên, các “tác dụng phụ” của mướp đắng cũng rất đáng để mẹ lưu tâm khi dùng loại quả này trong thai kỳ. Cụ thể:
- Nếu ăn quá nhiều mướp đắng sẽ dẫn đến đầy hơi, đau bụng, ợ nóng… và ảnh hưởng đến việc tiêu hóa cũng như hấp thu dinh dưỡng.
- Thành phần quinine, saponic glycosides và morodicine trong mướp đắng có thể gây ngộ độc dẫn đến các triệu chứng nôn ói, tiêu chảy, mờ mắt, nổi mẩn đỏ, … Nếu ngộ độc do vicine trong hạt mướp đắng có thể gây nhức đầu, đau thắt bụng, thậm chí dẫn gây hôn mê nếu cơ địa mẹ bầu quá nhạy cảm.
- Mướp đắng cũng làm tăng các cơn co thắt tử cung dẫn đến sinh non.
Do đó, nếu muốn dùng mướp đắng và dùng với liều lượng thế nào, mẹ bầu phải thực hiểu cơ thể mình.
Bà bầu có nên ăn rau mồng tơi?
Mồng tơi có tác dụng thanh nhiệt, hạ cholesterol trong cơ thể rất hiệu quả
Rau mồng tơi khá phổ biến ở nước ta và là loại rau xuất hiện khá nhiều trong bữa cơm hàng ngày của nhiều gia đình vì nó rất mát và có tác dụng thanh nhiệt rất tốt. Với riêng mẹ bầu, mồng tơi mang lại nhiều lợi ích to lớn cho sức khỏe:
- Mồng tơi có tác dụng thanh nhiệt, hạ cholesterol trong cơ thể rất hiệu quả nên rất phù hợp cho mẹ bầu cần ổn định cân nặng.
- Với những mẹ bầu thường xuyên bị táo bón, mồng tơi sẽ giúp mẹ cải thiện tình trạng này rất tốt vì nó có tác dụng nhuận trường nhờ lượng chất xơ, chất nhầy và khoáng chất khá cao.
- Các sắc tố carotenoid, beta carotene, lutein và zeaxanthin trong rau mồng tơi khá dồi dào giúp chống lại các gốc tự do gây hại và phòng ngừa ung thư rất hiệu quả.
- Vitamin A và flavonoid trong rau mồng tơi không chỉ giúp da khỏe đẹp, mắt sáng mà còn có tác dụng chống ung thư rất hiệu quả.
- Hàm lượng vitamin C trong rau mồng tơi sẽ giúp cơ thể mẹ bầu tăng cường sức đề kháng và chống viêm nhiễm.
- Ngoài ra, rau mồng tơi còn là nguồn bổ sung chất sắt và folate rất lý tưởng cho mẹ bầu.
Bà bầu có nên ăn dưa chuột?
Nếu ăn quá nhiều dưa chuột sẽ dẫn đến chứng đầy hơi, khó tiêu, ợ hơi, tiểu rắt...
Dưa chuột mang lại những lợi ích nhất định cho mẹ bầu. Chẳng hạn: giúp phòng tránh nguy cơ thiếu nước, ổn định thai kỳ (lương kali trong dưa chuột khá dồi dào); giúp xương thai nhi chắc khỏe (nhờ lượng vitamin K cao), ngừa táo bón (vỏ dưa chuột rất giàu chất xơ); ngăn ngừa viêm nhiễm và cải thiện hệ miễn dịch (hàm lượng vitamin C cao)…
Tuy nhiên, dưa chuột cũng có những tác hại nhất định đối với bà bầu. Cụ thể:
- Các độc tố như cucurbitacins trong dưa chuột hoạt động như một chất lợi tiểu, gây bất tiện cho sinh hoạt của mẹ bầu.
- Nếu ăn quá nhiều dưa chuột sẽ dẫn đến chứng đầy hơi, khó tiêu, ợ hơi, tiểu rắt...
- Một số mẹ bầu có thể bị dị ứng và xuất hiện các triệu chứng như nổi mẩn, ngứa, sưng miệng...
- Dưa chuột có đến 90% thành phần là nước. Nếu dư nước sẽ làm tăng sức ép lên các mạch máu và tim, dẫn đến nhức đầu và khó thở.
Chính vì vậy, bà bầu chỉ nên dùng dưa chuột với lượng vừa phải để hạn chế hấp thu độc tố và những “tác dụng phụ” khác.
Bà bầu có nên ăn lá lốt?
Lá lốt được xem như cây thuốc quý giúp giải độc rất tốt
Lá lốt được xem như cây thuốc quý giúp giải độc, chống viêm và chữa các bệnh liên quan đến thấp khớp, phong thấp. Tuy nhiên, có nhiều thông tin cho rằng lá lốt chính là tác nhân gây mất sữa.
Theo xác nhận của các bác sĩ Đông y, đây là thông tin thiếu cơ sở. Chính vì vậy, trong thời gian mang thai và sau sinh, điều mẹ bầu cần làm là cân bằng chế độ dinh dưỡng của mình, không nên thiên về một dạng thực phẩm nhất định hoặc quá kiêng khem để tránh những tác hại làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Mong rằng với những thông tin mà yeutre.vn tổng hợp trên đây, bạn đã biết loại rau bà bầu không nên ăn và nên ăn bao gồm những gì. Chúc bạn thai kỳ thành công!
Yeutre.vn (Tổng hợp)