Dưới đây là những cách bảo vệ đôi tai của trẻ để bố mẹ có thể áp dụng:
1. Làm sạch tai cho trẻ đúng cách
Dùng bông sạch lau ngoài tai mỗi ngày cho trẻ
Đôi tai thường xuyên thải ra một chất màu vàng khô hoặc ướt (chủ yếu là khô) gọi là ráy tai. Trẻ nhỏ rất khó chịu khi ráy tai sinh ra quá nhiều. Tuy nhiên, không nên vì vậy mà bạn có thể tùy tiện dùng tăm bông hoặc bộ dụng cụ làm sạch ráy tai như khi dùng cho người lớn. Các tai nạn có thể xảy ra bất thình lình vì trẻ nhỏ không thể kiểm soát được hành động của mình. Nếu lỡ tay đưa tăm bông hoặc dụng cụ ráy vào sâu trong ống tai khi trẻ vùng vằng, bé có thể sẽ gặp nguy hiểm.
Nhưng nếu không lấy ráy tai, bé sẽ càng khó chịu hơn, thậm chí nếu ráy làm bít lỗ tai sẽ rất khó để lấy. Một số bà mẹ dùng sáp để lấy ráy tai cho con vì phương pháp này được xem là an toàn đối với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, đây cũng không phải là cách vệ sinh an toàn và hiệu quả như nhiều người vẫn lầm tưởng.
Thay vào đó, hàng ngày hoặc cách ngày một, bạn có thể dùng một miếng vải mềm tẩm ít nước sôi để nguội và lau sạch bên ngoài tai bé.
Nên cho trẻ lấy ráy tai tại các trung tâm y tế
Để loại bỏ ráy dư thừa còn lại trong tai trẻ, đặc biệt là trẻ từ 36 tháng tuổi trở lên, bên cạnh việc thường xuyên vệ sinh bằng khăn mềm, bố mẹ có thể đưa trẻ đến các phòng khám hoặc bệnh viện chuyên khoa Tai - Mũi - Họng để các bác sĩ làm sạch tai bé theo cách thức chuyên nghiệp và an toàn hơn.
Nếu bé khó chịu, thường xuyên gãi đầu hoặc gãi tai, có thể ráy tai đã làm bít lỗ tai của trẻ. Trong trường hợp này, mẹ không nên tự ý lấy ráy tai mà phải cần đến chuyên môn của bác sĩ để xử lý.
2. Tránh cho trẻ tiếp xúc với tiếng ồn lớn
Các khung giờ quảng cáo trên ti vi thường có âm lượng rất lớn. Ngoài ra, âm thanh náo động với tiếng ồn lớn liên tục từ máy khoan hay máy cắt cỏ đều không tốt cho đôi tai của trẻ.
Một số nhà ở và trường học được xây dựng gần khu vực có nhiều âm thanh lớn liên tục như điểm nút giao thông đông đúc, nhà ga, sát sân bay… sẽ là nguyên nhân gây mất thính lực ở trẻ nhỏ. Vì vậy, trong các trường hợp này, bố mẹ nên xem xét:
- Lắp lớp tường cách âm cho ngôi nhà
- Xử lý âm thanh thông qua các bức tường hoặc trần nhà
- Tránh để cửa chính và cửa sổ có quá nhiều khe hở
- Hệ thống thông gió và điều hòa tốt, không gây tiếng ồn
Sau cùng, nếu có thể, bạn nên chuyển nhà hoặc bánh để bảo vệ đôi tai của bé.
3. Sử dụng tai nghe thông thường thay vì tai nghe điện thoại
Cho trẻ dùng tai nghe thông thường thay vì tai nghe điện thoại nếu muốn nghe nhạc
Nếu trẻ muốn nghe nhạc, nên cho trẻ sử dụng tai nghe để ngăn chặn tiếng ồn từ bên ngoài và tránh phải tập trung quá nhiều để lắng nghe. Tuy nhiên tai nghe chèn trực tiếp vào tai lại không hiệu quả trong việc giảm bớt tiếng ồn xung quanh. Do đó, nó sẽ càng khiến trẻ phải mở âm lượng lớn hơn để nghe. Và chắc chắn đây là một mối nguy cơ tiềm ẩn khiến trẻ bị mất dần thính lực.
4. Dạy cho trẻ cách tự bảo vệ đôi tai của mình
Bạn không thể ở bên trẻ suốt 24/24h, đặc biệt là trẻ đã đến tuổi đi học. Do đó, cách để bảo vệ trẻ tốt nhất là dạy cho trẻ biết cách tự bảo vệ chính mình. Đối với đôi tai, bé cần phải biết tránh xa các loa phóng thanh âm lượng lớn, không nhét các vật nhỏ và nhọn vào tai, tránh xa khu vực bắn pháo hoa…
Sau cùng, dù không thể cứu chữa tình trạng mất thính lực, các bậc cha mẹ hoàn toàn có thể ngăn chặn tình trạng suy giảm thính lực. Do đó, các biện pháp bảo vệ đôi tai cho trẻ cần phải được bố mẹ hết sức lưu ý.
Yeutre.vn
Nguồn: HC