Thịt lợn thiu thối được phù phép thành thịt bò, những con tôm cũng bị tiêm hoá chất trước khi đi bán.
1. Khi người tiêu dùng thông thái khóc
Mấy hôm trước, một nữ điều dưỡng Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã bị cách chức tổ trưởng vì lỡ mắng bệnh nhân ngu.
Khi biết cô gái này tự ý đi hút thai thêm một lần nữa tại cơ sở khác mà không gọi điện thoại đến hỏi bác sĩ, bà tổ trưởng đã mắng: “Ngu thì chết chứ bệnh tật gì”.
Tôi đã được nghe tận tai lời mắng y hệt như thế từ một vị giáo sư già, khi ông lắc đầu chê người dân không biết cách “trở thành những người tiêu dùng thông thái”.
“Ngu thì chết chứ bệnh tật gì. Đọc báo đài biết rõ thực phẩm bẩn mà vẫn nhắm mắt, lao đầu vào mua. Nói mãi rồi, không nghe, chết lại bảo tại số” – vị GS nói.
Sự thật, có nhiều người rất cẩu thả trong ăn uống, nhưng cách nhìn ấy của vị GS là quá tàn nhẫn đối với đại bộ phận cần lao.
Hàng triệu người chỉ mong có cái đưa vào mồm ba bữa, túi tiền bé mọn đâu cho phép họ mơ giấc mơ thực phẩm sạch.
Hàng triệu người khác cũng đã cố cựa quậy bằng mọi cách để con đường đi qua dạ dày không trở thành con đường ra nghĩa địa.
Đó là những chuyến về quê dày hơn để khi trở ra phố thị tay xách nách mang nào gạo đỗ lạc khoai sắn, nào gà vịt ngan ngỗng.
Đó là một khoảng sân thượng, một góc ban công chung cư, một vạt đê, một dẻo đất giữa dải phân cách đường phố… đều có thể trở thành mảnh vườn trồng rau sạch của người thành thị.
Nhưng số người có nguồn cung cấp thực phẩm ở quê, những người chiếm được khoảnh đất ở phố thị, chỉ bé bằng móng tay khi so với cả chục triệu người không thể cựa quậy.
Ngay cả những người có tiền, thì cũng không dễ trở thành người tiêu dùng thông thái, bởi bẫy thực phẩm bẩn giăng mắc khắp nơi.
Đầu năm 2015, nhiều thượng đế thông minh đã ngã bổ chửng khi hàng loạt siêu thị lớn như Metro, BigC, Lottemart đột ngột ngừng bán “rau an toàn” thương hiệu Rau Ba Chữ.
Công ty TNHH Sản xuất và chế biến rau an toàn Ba Chữ, đã tạo ra một lượng không nhỏ rau an toàn bằng cách đến… chợ Minh Khai, gom rau trôi nổi và đóng dấu an toàn.
Điều đáng nói là cú bê bối ấy không được phát hiện bởi hệ thống kiểm định chất lượng được coi là hùng hậu của các siêu thị lớn.
Nó cũng không được khui ra bởi các cơ quan quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm. Nó được hé lộ nhờ một nhóm phóng viên bí mật điều tra.
Nếu không có những phóng viên ấy, rau “an toàn” Ba Chữ vẫn áp đảo trên các kệ rau sạch và thượng đế vẫn tin tưởng mua rau “an toàn” với một cái giá cắt cổ - giá được trả bằng sức khỏe, tuổi thọ.
Đóng mác sạch, bày trên kệ sạch, trong siêu thị sạch sẽ uy tín, mà còn bẩn, thì người tiêu dùng có thông thái đến mấy cũng phải khóc chào thua.
Những vụ thực phẩm bẩn dán nhãn chất lượng cao này, khiến người ta nhớ đến câu nói của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trong một hội nghị về vệ sinh an toàn thực phẩm:
“Tôi không biết uống rượu nên không phân biệt được, nhưng bạn tôi nói rượu càng đắt thì rượu giả càng nhiều. Nhiều người khuyên giờ đi đâu uống rượu thì uống rượu rẻ tiền thôi”.
2. “Thế là cháu sống ở trên đời được 2 năm, 6 tháng, 12 ngày”
Hơn chục năm trước, mẹ tôi mất vì ung thư phổi khi bà 68 tuổi. Trong đám tang, mọi người đều xót xa vì mẹ tôi qua đời khi còn trẻ, con cái chưa báo đáp được nhiều.
Hơn chục năm sau, xung quanh tôi, những người chết vì ung thư ở độ tuổi 40, 50 nhiều đến nỗi không còn là chuyện gây xôn xao.
Chị gái tôi ở cạnh nhà một đôi vợ chồng trẻ. Đứa bé con của đôi vợ chồng ấy mới 2 tuổi, có cặp mắt xanh như đại dương.
Chiều nào chị tôi cũng sang bế nó, hôn hít thật lâu lên đôi má phấn hồng căng mọng và nhìn sâu vào cái hai “cái mảnh đại dương” tuyệt đẹp ấy.
Một ngày, chị tôi thấy một bên mắt đứa bé, xuất hiện một màu xanh hơi đậm hơn bình thường. Qua vài ngày, màu xanh ấy trở nên dại hơn.
Gia đình đứa bé đưa con lên viện Nhi. Hai ngày sau, người mẹ ngã quỵ ở hành lang bệnh viện, khi nhận được tin con mình bị ung thư mắt (ung thư nhãn cầu).
Hai tuần sau, chị tôi vào thăm, bế nó lên, chị đã khóc nức nở khi chỉ còn nhìn thấy một bên đại dương xanh thẳm. Hố mắt bên kia đã trở thành “biển chết”. Bác sĩ đã khoét của nó con mắt bên phải để ngăn ung thư lan rộng.
Hai tháng sau, thì ngay cả đại dương xanh thẳm bên trái ấy, cũng bị khoét nốt. Hơn 2 tuổi nó đã trở thành người mù, tay đeo đầy băng gạc, rờ rẫm bước đi trong phòng bệnh.
6 tháng sau, thiên thần khốn khổ ấy đã trốn vĩnh viễn khỏi những cơn đau hành hạ, để đi về một thế giới xa lạ, không có bố mẹ ở bên.
Người mẹ đờ đẫn ngồi ngắm di ảnh đứa con, nói với chị tôi rằng: “Thế là cháu bác sống ở trên đời tròn 2 năm, 6 tháng, 12 ngày bác ạ”.
Khi đồng tổ chức mở Lớp học Hy Vọng (tại Bệnh viện Nhi TƯ) và Lớp học Nhân ái (tại Bệnh viện Huyết học và Truyền máu TƯ), chúng tôi đã thấy nhiều hoa hậu, ca sĩ, nhà báo đã bật khóc khi nhìn những cái đầu trẻ thơ trọc lóc vì xạ trị ung thư.
Lần ấy, lớp học tổ chức được 10 ngày, thì người phụ trách thấy thiếu một học viên. Hỏi ra mới biết bé gái 6 tuổi không đến lớp ấy rất muốn học thêm buổi học thứ 11,12,13… nhưng em đã phải trở về quê trên chiếc xe chở xác của bệnh viện.
Ngày học thứ 15, một phóng viên, đồng thời là thiện nguyện viên của chúng tôi, khi đang hát karaoke mừng sinh nhật bạn, đã khóc tu tu giữa phòng, khi nghe tin cậu bé 3 tuổi mà cô vẫn hay thăm hỏi ở lớp, vừa qua đời.
Cứ thế, buổi học thứ 20, 45, 47, 50…, lớp học Hy vọng ấy lại nhận thêm một thông tin tuyệt vọng: Nhiều học viên không bao giờ trở lại.
Mẹ tôi đã đi được 68 năm trên cuộc đời, nhưng bà ra đi khi vẫn còn quá nhiều thứ chưa trọn vẹn. Rất nhiều đứa trẻ hôm nay đã dừng cuộc chơi trần thế khi còn chưa kịp tới trường, chưa kịp học xong một nốt nhạc.
Tại sao bây giờ nhiều trẻ em bị ung thư đến như vậy? Có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những cú đánh chí mạng nhất chính là vệ sinh an toàn thực phẩm.
Khô bò làm bằng măng. Người mua sẽ không thể biết họ phải ăn sau ruồi nhặng. Thực phẩm bẩn đang ung thư hoá người Việt và đe dọa giống nòi Việt
3. Ai khử độc cho gạo?
Một câu hỏi lớn đặt ra hiện nay là người Việt ăn gì cho khỏi chết?
Hãy cùng điểm lại những thứ mà người ta có thể làm giả, có thể đầu độc.
Gạo giả có không? Có. Chúng ta đã run lên khi xem clip quay quá trình làm gạo giả.
Mực giả có không? Có. Người ta đã đốt cháy con mực như đốt một tấm cao su.
Trứng giả có không? Có. Quả trứng giả khi luộc cứng như cao su.
Ruốc giả, thịt giả. Quá dễ. Khô bò giả làm từ măng hoặc thịt heo thối. Quá dễ. Gà vịt bơm phóc môn để thành gà leo đồi. Quá dễ. Cua gạch bơm phóc môn và bơm gạch giả. Không hề khó.
Ngay cả rau bắp cải mà người ta còn có thể làm giả từ bột, thì còn có cái gì không thể làm giả?
Trước khi viết bài này, tôi đã được biết một thông tin có thể khiến tất cả các bà nội trợ rùng mình.
Tôi có một cậu em cùng quê làm đại lý gạo, đỗ, ngô. Sau khi giải nghệ, cậu em đã tiết lộ một sự thật kinh hoàng: Gạo, đỗ, lạc, ngô cũng đẫm hóa chất bảo quản.
Vì sao vậy?
Những đại lý ngũ cốc thường phải mua cùng lúc cả chục tấn, trăm tấn gạo, ngô, đỗ, lạc. Nếu bán ngay trong mùa thu hoạch, thì lời lãi không cao.
Vì vậy, nhiều đại lý chọn cách tích trữ một lượng lớn để bán trái mùa.
Gạo, ngô, đỗ, lạc là thứ rất dễ bị mốc (nhất là để lâu hoặc thời tiết nồm ẩm) và rất dễ bị mọt (tích trữ số lượng lớn).
Để ngũ cốc sạch bóng nấm mốc và mối mọt, chủ nhiều đại lý trải gạo, ngô, đỗ, lạc ra sàn nhà và phun lên đó một loại thuốc đến từ bên kia biên giới, rồi cho quạt hong khô.
Loại thuốc ấy độc đến nỗi, để ngũ cốc 5-8 tháng mà nấm mốc và mối mọt không dám bén mảng. Ruồi muỗi lỡ sa vào, cũng chỉ có nước lăn ra mà chết.
Hàng ngày, gạo mới là thứ được đưa vào cơ thể chúng ta nhiều nhất, nhưng người ta chỉ sục ozone cho thịt cá, rau quả, chứ có ai nghĩ đến phải khử độc cho gạo?
4. “Căn bệnh thế kỷ” đáng sợ nhất ở Việt Nam không còn là HIV
Ai đến Trung tâm nuôi trẻ mồ côi Kim Bảng, cũng đều xót xa khi biết chuyện của một cặp anh em, có bố và mẹ chết cách nhau 36 ngày vì căn bệnh thế kỷ HIV.
Tôi đã chứng kiến, bố mẹ của bạn mình, đã chết cách nhau đúng 13 ngày. Một nhà khác, khi bà mẹ cúng xong tuần thứ 3 cho đứa con trai của mình, thì nhận lệnh triệu tập của thần chết. Họ đều mắc ung thư.
Với hơn 220.000 người nhiễm HIV được báo cáo, Việt Nam là quốc gia có số người nhiễm HIV đứng thứ 5 trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Nhưng dù ở top 5 Châu á - Thái Bình Dương, thì so với ung thư ở Việt Nam, hậu quả do HIV gây ra không thấm vào đâu.
Mỗi năm căn bệnh thế kỷ HIV có hơn 2.200 người chết, còn ung thư là 75.000 người chết, trong số 150.000 người mắc mới.
Nhiễm HIV, nhiều người bệnh có thể cầm cự vài năm đến mười mấy năm, nhưng ung thư, nếu không phát hiện sớm, kết cục bi thảm hơn nhiều. Gần 100% bệnh nhân ung thư gan phải chết.
Trong số 22.000 người phát hiện ung thư gan năm 2012 thì có gần 21.000 người tử vong trong năm ấy. Thời gian sống của họ trung bình chỉ được một năm.
Và như vậy, ung thư, mới đáng được gọi là “căn bệnh thế kỷ” ở Việt Nam.
5. Bao giờ có máy đo sự độc ác của lòng người?
Mấy ngày trước, nhiều phụ huynh trường mầm non Xuân Phổ, Nghi Xuân, Hà Tĩnh đã phẫn nộ kéo đến trường khi biết người ta ăn bớt 7 kg thịt trong một bữa ăn của con em họ.
Bớt xén của trẻ con không chỉ là hành động vô đạo đức mà còn khó tha thứ vì nó đồng nghĩa với bớt xen tương lai.
Nhưng liệu có ai đặt thêm một câu hỏi: Nếu họ không bớt xén, mà dùng 7kg thịt heo nhiễm độc thuốc tăng trọng, thuốc kháng sinh để nấu cháo mỗi ngày cho các cháu, thì tương lai con em họ sẽ ra sao?
Câu hỏi ấy, có thể khiến hàng triệu bậc phụ huynh câm lặng.
Trong một nỗ lực kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm của Chính phủ, tới đây, một số chợ đầu mối có thể có trạm thử nhanh phát hiện thực phẩm nhiễm bẩn.
Nhưng máy móc bao giờ cũng chỉ là thứ yếu, thậm chí phản tác dụng nếu người sử dụng nó thiếu tấm lòng hoặc tiêu cực.
Khi người ta còn tham lam, còn vô cảm, độc ác trước sức khỏe, tính mạng của đồng bào, thì thực phẩm bẩn sẽ vẫn còn, bất chấp việc có nhiều máy thử.
Bao giờ Việt Nam phát minh được máy thử độ độc ác của lòng người?
Theo soha.vn