Mùa cưới - dịch vụ bê tráp lên ngôi
Người xưa quan niệm rằng: con gái bê tráp đám hỏi cưới sẽ mất duyên, còn ngày nay việc bê tráp không đơn thuần là công việc giúp đỡ người khác mà nó trở thành một “nghề”. Hiện nghề bê tráp đang dần trở nên phổ biến và đặc biệt “hot” đối với các bạn sinh viên.
Trước kia, mỗi khi nhà ai có đám cưới, đám hỷ, cần người bê tráp, họ sẽ thường nhờ bạn bè, người quen. Những người đó đến giúp đỡ nhau vì cái tình. Tuy nhiên, khi lượng “cầu” càng lớn, thì lượng “cung” tăng theo. Bê tráp dần trở thành một nghề, với nhiều sinh viên, công việc bê tráp thuê đem lại cho họ một nguồn thu nhập. Đi bê tráp – công việc mà sinh viên vẫn thường nói đùa với nhau là đi “bán duyên”.
Rất nhiều bạn trẻ tự lập nên nhóm chuyên bê tráp cho đám cưới
Nhiều sinh viên kiếm được khá tiền để trang trải cuộc sống
Chỉ cần gõ từ khóa "bê tráp" lên trên mạng, bạn sẽ nhận được hàng triệu kết quả cho việc tìm kiếm này. Hiện nay, có rất nhiều dịch vụ trọn gói từ chuyên nghiệp đến tự phát để phục vụ cho đám cưới của mình.
Bạn Hằng Nga (21 tuổi) phụ trách một nhóm bạn chuyên nhận bê tráp thuê, nhóm Nga có trên 100 bạn bè tham gia làm công việc này. Nga chia sẻ: "Vào mùa cưới, mình 'cháy' dịch vụ". Trong mùa cưới, không ít các bạn trẻ kiếm được từ 2-5 triệu đồng cho việc chạy sô đám cưới như thế.
Với nhiều sinh viên, công việc bê tráp thuê không chỉ đem lại nguồn thu nhập mà còn có những niềm vui nho nhỏ. Ngọc Phượng nhớ mãi một đám cưới ở Mễ Trì. Phượng chia sẻ: "Gia đình đó neo người, nhà chỉ có hai bố con, khách đến không đông chỉ toàn người cao tuổi. Nhóm bê tráp tụi mình đến mỗi người một tay phụ giúp gia đình, dường như không khí gia đình náo nhiệt hơn khi có những người trẻ như chúng mình tham gia. Không những vậy, được nhìn ánh mắt tươi cười, hạnh phúc của cô dâu chú rể, mình cũng thấy cảm động và nghĩ tới ngày đó của mình".
Có không ít bạn trẻ đã tụ tập và lập hẳn ra một đội ngũ chuyên nghiệp để đỡ tráp khi có người cần. Bảo Trân, 21 tuổi đã lập ra nhóm có cả nam và nữ bê tráp, đỡ lễ cho các đám ăn hỏi. Đó là những nam thanh nữ tú đã được tuyển lựa, có ngoại hình cao ráo, ưa nhìn, bắt mắt, nhanh nhẹn. Đội bê tráp của Trân có trên 60 người phục vụ thường xuyên trong mùa cưới, đa số là sinh viên. Tiền công mỗi lần bê tráp được 50.000 - 100.000 đồng, cộng với phong bao lì xì. Tiền phong bao tùy thuộc vào độ hào phóng của gia chủ, thường dao động cũng từ 50.000 - 100.000 đồng.
Trân chia sẻ, có lần Trân được chủ nhà lì xì cho hẳn "2 tờ xanh", "họ rất hào phóng bởi họ cho rằng họ lì xì cho mình càng nhiều thì họ càng được nhiều lộc lá".
Bi hài chuyện nghề bê tráp thuê
Nhưng những trường hợp 2 tờ xanh như Trân là không nhiều, còn đa số đều từ 50.000 đồng - 100.000 đồng, có gia đình chỉ "lẹt đẹt" ở mức 10.000 đồng.
Công việc tưởng chừng an nhàn, chỉ việc mặc đẹp, cười duyên, dáng chuẩn vậy mà cũng có lắm chuyện cười ra nước mắt. Là người có "thâm niên" đi bê tráp, Tú Linh (Đại học Công Đoàn) kể, có không ít lần Linh ngoài việc bê tráp còn kiêm nhiệm "quét nhà, rửa chén" cho gia chủ. "Có nhiều nhà khó tính, họ cứ nghỉ bỏ ra vài chục nghìn thuê mình bê tráp là trong đó có cả khoản dọn dẹp. Mà họ nói nhẹ nhàng còn đỡ, đằng này nói như ra lệnh 'ngồi suốt thế cháu, cầm tiền rồi thì phải đứng dậy mà xem nhà người ta có việc gì không chứ?'. Nhiều khi ấm ức vô cùng nhưng thôi làm cho xong".
Có nhiều chuyện bi hài xảy ra xung quanh chuyện bê tráp
Nhâm, 20 tuổi, sinh viên học viện Ngân Hàng nhớ mãi trong "đời" bê tráp của mình, lần đó Nhâm thuộc một đội bê tráp gồm 9 người nhận công việc này cho một gia đình ở phố cổ, nhà rất to đẹp, hoành tráng. Cô dâu rất xinh đẹp, gia đình giàu có và kỹ tính. Sau hơn 3 lần thay đồng phục bưng bê cho "chuẩn màu" với màu áo cô dâu chú rể, chủ nhà vẫn yêu cầu họ "cởi ra và là phẳng hơn vì còn quá nhiều... nếp nhăn".
Hôm đó, đội bê tráp phải đợi từ tờ mờ sáng đến chiều muộn vì "nhà gái thay đổi lịch bất ngờ". Ai nấy đều đói và mệt bởi trưa chưa ăn gì. Kết thúc ngày hôm đó, mỗi bạn nhận được phong bao 5.000 đồng. Chưa hết, khi về đến nhà, chưa kịp ngả lưng, "Mình nhận được một cuộc gọi từ người nhà chú rể, họ cho rằng nhóm bê tráp bọn mình đã lấy trộm chiếc điện thoại đắt tiền nhà họ. Mặc cho chúng mình giải thích, chủ nhà vẫn không nghe và dọa sẽ đưa sự việc ra công an. Nhưng rất may là ngay hôm sau họ gọi lại báo xin lỗi vì đã tìm thấy chiếc điện thoại".
Xoay quanh những câu chuyện bê tráp, đã từng có những chuyện ì xèo quanh "cát xê" bê tráp từ đám cưới một ca sĩ kiêm diễn viên có tiếng. Không nói ai đúng ai sai, nhưng rõ ràng văn hóa nghề dường như vẫn là chuyện vô cùng mới mẻ với nghề này. Thế nhưng, yếu tố ứng xử hài hòa và tôn trọng người làm nghề của người thuê dịch vụ là cần thiết. Còn các bạn trẻ khi bước chân vào nghề này cũng cần có tinh thần yêu nghề thay vì quá chú tâm vào số "cát xê" nhận được.
Theo TTT
(*) Bài viết đã được yeutre.vn đặt tít lại cho phù hợp với nội dung diễn đàn