Đặc biệt với trẻ sơ sinh, việc massage còn mang lại nhiều hiệu quả hơn nữa.
Lợi ích của massage
- Giúp trẻ lưu thông máu huyết, tăng nhu động ruột, cải thiện hoạt động của não và khiến tim tốt hơn.
- Massage còn giúp trẻ cảm thấy thư giãn và phát triển giao tiếp nhanh hơn.
- Bé được massage cũng ít quấy khóc và thường bé sẽ ngủ ngon giấc.
- Ngoài ra sức đề kháng của bé cũng được tăng lên đáng kể khi mẹ massage cho bé mỗi ngày.
- Massage cho bé cũng là cách mẹ chơi đùa và thân thiết với con hơn.
Massage giúp trẻ ngủ ngon hơn.
Lưu ý khi massage
- Thời điểm massage cho bé tốt nhất là sau các bữa ăn chừng 1 giờ, lúc bé mới dậy vào sáng sớm và lúc chiều tối.
- Mẹ không nên massage khi trẻ vừa mới ăn no dễ gây cho trẻ cảm giác khó chịu. Ngoài ra nếu bé đang gặp các vấn đề về da (nổi ban, bị xướt) hay bị bệnh thì mẹ cũng không nên massage.
- Khi mới bắt đầu massage cho bé mẹ nên chỉ chạm nhẹ vào bé, sau đó dần dần tăng thêm nhịp độ khi bé đã quen, không nên làm nhanh ngay khi vừa mới bắt đầu bé có thể không thích ứng được. Mẹ cũng nên dừng massage khi bé tỏ ra khó chịu và quấy khóc.
- Mỗi lần massage cho bé chỉ nên kéo dài từ 5 đến 10 phút mà thôi.
- Khi massage cho bé mẹ nên không ngừng nói chuyện để bé cảm thấy yên tâm và thư giãn.
Chuẩn bị
Để massage cho bé mẹ nên chọn phòng ấm và không có gió lùa để tránh gây bệnh cho trẻ.
Khăn sạch, mềm để trải cho bé nằm, tinh dầu massage phù hợp và những đồ vật cần thiết.
Ngoài ra mẹ nên rửa tay sạch sẽ, lau khô và ủ ấm, đồng thời cởi bỏ trang sức để tránh làm tổn thương da của bé.
Các vị trí massage cho trẻ
Khi massage cho trẻ bạn nên massage các khu vực riêng biệt sau:
Mẹ nên thật nhẹ nhàng khi massage cho trẻ.
Massage mặt
Mẹ dùng ngón tay nhẹ nhàng chuyển động tạo thành các vòng tròn nhỏ trên mặt bé, chuyển động từ trán bé đi sang hai bên tai rồi xuống má, mũi, cằm. Với tai bạn dùng ngón trỏ và ngón cái day nhẹ tai bé từ dưới lên trên.
Mẹ làm nhẹ nhàng và vừa làm vừa giao tiếp với bé để bé không hoảng sợ hay khó chịu.
Massage ngực
Mẹ dùng bàn tay nhẹ nhàng xoa lên bả vai của bé, sau đó đổi vai và làm ngược lại vài lần.
Massage bụng
Mẹ nên xoa bụng bé theo chiều kim đồng hồ. Cách này có thể giúp bé giảm chứng đầy hơi. Tuy nhiên mẹ nên tránh chạm vào cuống rốn của trẻ sơ sinh nếu như cuống rốn của trẻ chưa rụng.
Massage chân
Mẹ vuốt nhẹ hai chân của bé từ trên đùi xuống. Sau đó cầm chân bé gập duỗi nhẹ nhàng để vận động các khớp chân.
Massage tay
Mẹ nắn bóp thật nhẹ tay bé từ bả vai xuống đến bàn tay. Đồng thời mẹ cũng gập mở cánh tay bé một cách từ từ để khớp được vận động giống như chân.
Massage lưng
Khi massage lưng cho trẻ mẹ không nên chạm vào cột sống vì có thể gây tổn thương. Mẹ chỉ nên dùng tay vuốt dọc các cơ lưng của bé theo hướng từ trong ra ngoài. Mẹ dùng ngón tai cái day nhẹ nhẹ theo chiều xoắn ốc lên các cơ gần xương sống và xoa bóp hai bên vai bé.
Với các động tác massage trên mẹ nên làm thật nhẹ nhàng và cẩn thận để tránh tổn thương tới bé.
Yeutre.vn (Tổng hợp)