Khi được xem những hình ảnh siêu âm trong tháng này mẹ sẽ mỉm cười rất hạnh phúc vì con đã ra dáng lắm rồi! Nhưng chưa phải là tất cả đâu mẹ nhé!
Thai nhi 8 tháng tuổi
Các nét trên gương mặt của bé lúc này đều đã đâu ra đó, da cũng rất mịn và toàn thân mũm mĩm trông đáng yêu vô cùng. Để có được như vậy, các bé đã phải huy động và sử dụng chất béo để làm thành lớp mỡ bao quanh, giữ ấm cho bé không chỉ trong môi trường nước ối mà còn chuẩn bị cho sự thích nghi sau này khi bé đã chào đời. Hầu hết các bé sẽ chúc đầu xuống xương chậu trong tháng này để chuẩn bị cho quá trình lọt lòng. Nếu bé muốn được sinh ra bây giờ, cơ hội sống sót của bé cũng lên đến 90%.
Ngoài ra, khi mang thai tháng thứ 8, mẹ cũng sẽ cảm nhận được rằng thai nhi trong bụng hoạt động mạnh mẽ và thường xuyên hơn. Những cú đá của bé đôi khi rất mạnh và còn chồi lên trên thành bụng một ngón tay, ngón chân, bàn chân hoặc khủy tay trông rất đáng yêu. Vào cuối tháng này, với tốc độ nước rút, bé sẽ dài khoảng 40-46 cm và nặng khoảng 2-2,5 kg.
Những điều mẹ cần làm khi mang thai tháng thứ 8
Bây giờ, thỉnh thoảng bạn sẽ ngượng chín mặt vì thấy mình vô duyên bởi những cú “đánh rắm” trời ơi đất hỡi. Nhưng đừng tự trách bản thân bởi đây là sự thay đổi của cơ thể, khi thai nhi phát triển và chèn ép lên các bộ phận lân cận.
Thậm chí, xương sườn của bạn có thể bắt đầu phát đau khi bé đẩy lên, thụp xuống. Cùng với đó, số lần đi tiểu cũng tăng lên rất đáng kể vì tử cung đã trở nên quá chật chội, đồng thời chèn ép lên bàng quang và làm cho bạn không thể giữ được nước. Đường nigra, đường sẫm màu chạy dọc bụng bầu sẽ sẫm hơn và có thể tiết lộ cho bạn biết thực sự bạn đang mang một bé trai hay một bé gái.
Nhiều mẹ lại phải vật vã với những cơn táo bón và khó thở ngày một nặng nề hơn khi mang thai tháng thứ 8. Đồng thời, các cơn co dạ giả Braxton Hicks sẽ tăng lên. Ngoài ra, khó khăn khi chọn tư thế ngủ cũng khiến cho mẹ rất mệt mỏi. Do đó, hãy dành thời gian nghỉ ngơi nhiều nhất khi có thể nhé! Nếu có thời gian, hãy tham gia các lớp học tiền sản và mua sắm quần áo sơ sinh cho bé nữa đấy!
Sau tuần thứ 32, cách mỗi hai tuần, mẹ phải đi khám thai một lần để được theo dõi sức khỏe chặt chẽ hơn. Các bác sĩ sẽ đánh giá sức khỏe của mẹ và bé bằng cách kiểm tra cân nặng, huyết áp, nước tiểu, nhịp tim nhi, chiều cao tử cung, kích thước cùng vị trí của ngôi thai, mức độ phù nề, giãn tĩnh mạch và các triệu chứng khác. Bên cạnh đó, đừng quên đưa ra quyết định chọn bệnh viện sinh nhé!
Cuối cùng, mẹ hãy nhớ mang thai tháng thứ 8 là lúc thích hợp nhất để bạn xếp giỏ đồ đi sinh. Vì vậy hãy dành thời gian để sắp tất cả những vật dụng cần thiết vào giỏ đồ nhé!
Yeutre.vn (Tổng hợp)