Hầu hết do sản phụ sinh khó, các bé bị sang chấn sản khoa. Đáng lưu ý, đây là bệnh lý có thể điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm, nhưng thời gian qua khá nhiều trẻ em lại phải chịu tàn tật.
Dù đã trải qua ca vi phẫu nối dây thần kinh hàng tiếng đồng hồ nhưng khả năng phục hồi hoạt động cánh tay trái của bé Trần Quang Vinh (hai tuổi, ngụ tại Gia Lai) vẫn khó tiên lượng. Tay trái của bé Vinh không cử động được ngay sau khi chào đời.
Chị Nguyễn Thị Hương, mẹ bé Vinh, cho biết, bé sinh ra bị vướng vai trái, bác sĩ (BS) phải hỗ trợ kéo thai. Từ lúc sinh ra, tay trái bé không cử động được. Gia đình đưa bé vào khám tại nhiều bệnh viện, nhưng BS lại không phát hiện bệnh, nên khuyên đưa bé về nhà tập vật lý trị liệu.
Một trẻ bị teo cánh tay do liệt đám rối thần kinh - Ảnh: Internet
BS Đặng Khải Minh - khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, do bé Vinh được phát hiện và điều trị khá trễ, nên khả năng phục hồi tương đối khó. Sau khi vi phẫu, sức khỏe của bé đã ổn định. Bé được băng cố định vai và cánh tay trái trong ba tuần. Sau đó, bé sẽ được tập hỗ trợ thêm vật lý trị liệu để phục hồi nhanh hơn. Hy vọng bé sẽ cải thiện 80-90% chức năng vận động
Theo BS Minh, đây không phải bệnh lý bẩm sinh mà xảy ra đối với những ca sinh khó, thường gặp trong tình huống trẻ bị vướng vai hoặc BS sử dụng thủ thuật kéo hỗ trợ người mẹ lúc sinh… gây các sang chấn, khiến trẻ bị đứt đám rối thần kinh cánh tay. Quá trình đỡ trẻ nếu có những tác động không khéo sẽ khiến trẻ bị ảnh hưởng đến chức năng vận động vai, cổ, tay, nặng hơn có thể liệt một phần hay toàn bộ cánh tay.
Theo BS Minh, trước đây, bệnh lý này chỉ được điều trị bảo tồn bằng vật lý trị liệu. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, BS người Pháp Alain Gilbert đã mở ra hướng điều trị mới bằng can thiệp ngoại khoa. Chính vị BS này đã trực tiếp đến hỗ trợ Bệnh viện Nhi Đồng 1 thực hiện vi phẫu trên 100 trường hợp liệt đám rối thần kinh cánh tay ở trẻ sơ sinh từ năm 2010 đến nay, với tỷ lệ 70-80% trẻ phục hồi tốt.
Điều quan trọng là các sản phụ cũng như BS tại các bệnh viện, các cơ sở y tế cần cẩn trọng hơn trong quá trình đỡ đẻ, tránh việc gây tổn hại cho trẻ sơ sinh. Nếu trẻ chẳng may bị sang chấn, cần theo dõi và điều trị càng sớm càng tốt. Thời điểm thích hợp nhất để phẫu thuật là từ 3-12 tháng tuổi. Sau thời gian này, việc can thiệp phẫu thuật sẽ kém hiệu quả.
Tuy nhiên, hiện do thiếu thông tin, hoặc chủ quan đợi cho trẻ lớn hơn, “cứng cáp” hơn, nên phần lớn phụ huynh và cả cơ sở y tế đã không giúp trẻ tiếp cận điều trị sớm, đánh mất cơ hội hồi phục chức năng vận động cho trẻ. Trung bình mỗi tháng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận năm-sáu ca liệt đám rối thần kinh cánh tay. Trong đó, nhiều ca đến bệnh viện quá muộn.
Theo PNO