Đây là kế hoạch chi tiêu Tết khá tiết kiệm của chị Nguyễn Thị Hạnh, 28 tuổi. Vợ chồng chị đang làm công nhân may tại một xưởng may trên địa bàn Hà Đông. Hiện anh chị đã có con nhỏ 7 tháng tuổi và đang sống tại Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội.
Cùng ngó kế hoạch chi tiêu Tết Nguyên Đán 2015 tiết kiệm trong cảnh lương thưởng eo hẹp của vợ chồng trẻ này.
9 triệu chi tiêu Tết 2014
Tết năm 2014 là cái Tết đầu tiên của chị Hạnh ở nhà chồng. Bởi thế dù tốn kém nhưng ngay từ đầu chị Hạnh đã xác định chi tiêu mạnh tay. Cũng may, năm ngoái chị vẫn được công ty thưởng Tết 2 triệu đồng. Vì thế, gộp với lương tháng 4 triệu, chị chỉ phải bỏ ra thêm 3 triệu đồng nữa để chung tay chon cái Tết đầu tiên về làm dâu được trọn vẹn.
Theo đó, Tết Nguyên Đán năm 2014, chị Hạnh đã chi tiêu số tiền này cho những khoản sau:
- Tiền đóng góp tiêu Tết: 1 triệu
- Tiền bố mẹ 2 bên: 2 triệu
- Tiền mừng tuổi: 1,5 triệu
- Tiền mua đồ trang trí, bánh mứt, trà: 500 ngàn đồng
- Tiền vợ chồng đi chơi, giải trí (với gia đình, bạn bè) trong mấy ngày Tết: 1 triệu
- Quần áo mới cho 2 vợ chồng: 1 triệu (Từ ngày về làm dâu nhà chồng cho đến thời điểm Tết năm ngoái là 6 tháng nhưng chị Hạnh chưa mua sắm nên vợ chồng ăn mặc cũng không được tươm tất. Bởi thế, năm trước, chị Hạnh phải sắm đồ mới để đi chào hỏi họ hàng).
- Tiền để ra sau Tết để chi tiêu: 2 triệu
Theo chị Hạnh dự kiến, chị đang tính toán kế hoạch chi tiêu Tết năm nay sẽ được rút xuống 4 triệu so với năm ngoái.
Tổng cộng: 9 triệu
Chia sẻ về kế hoạch chi tiêu Tết năm cũ, chị Hạnh tâm sự: “Năm ngoái, vì là dâu mới, lại có chút thưởng Tết nên mình cũng chi hơi mạnh tay. Dâu mới, chẳng biết mua bán gì nên mình đóng góp tiền ăn Tết cho mẹ chồng. Theo đó, mẹ chồng mình lo tất. Mình 100% theo ý bà. Mẹ chồng mua gì ăn nấy, không ăn được thì tự thân vận động, chỉ cần lúc nào miệng cũng tấm tắc khen là được. Năm đầu như vậy, cái Tết cũng trôi qua suôn sẻ, mẹ chồng con dâu gần gũi nhau hơn”.
Dự định chi tiêu 5 triệu Tết 2015
Cả năm 2 vợ chồng chị Hạnh đi làm đủ lương mới được 8 triệu/tháng. Tuy nhiên, ít tháng nào chị hưởng được số tiền lương trọn vẹn. Bởi nhiều khi chị phải nghỉ làm vì bận giỗ, cưới hỏi, ma chay, con ốm. Bởi thế, thu nhập của vợ chồng chị chỉ giao động khoảng 6-7 triệu/tháng.
Năm nay, xưởng của chị hoạt động khó khăn, hàng làm ra không tìm được nhiều nơi tiêu thụ như năm trước nên hôm trước xưởng đã thông báo năm nay cắt thưởng. “Vì biết chắc năm nay không có thưởng Tết nên ngay từ bây giờ mình đã phải lên kế hoạch chi tiêu để Tết này cứ thế tiến hành, không còn phải đau đầu nghĩ ngợi hoặc chi tiêu quá tay như năm ngoái nữa. Năm nay vì không có thưởng Tết, lại đã có con nhỏ và đã ở riêng nên thật sự chi tiêu Tết thế nào cho tiết kiệm được quả là 1 bài toán đau đầu với mình” - Chị Hạnh kêu ca.
Theo chị Hạnh dự kiến, chị đang tính toán kế hoạch chi tiêu Tết năm nay sẽ được rút xuống 4 triệu so với năm ngoái. Cụ thể các khoản chị dự tính như sau:
- Tiền biếu ông bà ngoại: 500 ngàn đồng (mua quà Tết)
- Tiền góp tiền ăn chung Tết với ông bà nội và nhà chị dâu: 1 triệu
Rút kinh nghiệm năm trước vẫn còn ở chung, ăn Tết với bố mẹ chồng nên chẳng theo ý mình. Chưa kể tiêu Tết chẳng ra đâu vào đâu mà tiền cứ tản mạn hết. Năm nay, chị Hạnh được ăn riêng (nhà riêng của anh chị sát nhà mẹ chồng), nên vợ chồng chị chỉ ăn chung vài ba bữa quan trọng.
- Tiền mừng tuổi: 1 triệu
Năm ngoái, chị Hạnh dự đoán tiền mừng tuổi cụ thể như thế nhưng vẫn bị vượt dự toán. Năm nay, chị dự định cứ mua phong bao lì xì, nhưng cái bên trong thì để mức tiền tầm tầm. Tuyệt đối năm nay chị sẽ không mừng tuổi tiền trực tiếp mà qua phong bì hết.
Bởi theo chị Hạnh, khi ấy, chẳng ai biết chị mừng tuổi bao nhiêu mà đáp lễ. Tiền mừng tuổi sau khi chi ra, thu về có khi lỗ, có khi lãi. Song chị chỉ quan tâm làm sao phù hợp với mức chi tiêu nhà chị là được.
- Tiền mua bánh kẹo, cà phê tiếp khách, món nhắm: 1 triệu
- Tiền mua quất: Vì nhà chị nhỏ chỉ hơn 20m2 nên chị chỉ cần mua một cây quất nhỏ khoảng 200 ngàn đồng để trang trí cho có không khí Tết là được.
- Tiền mua hương, tiền vàng và ít hoa quả bày bàn thờ: 300 ngàn đồng
Nhà chị chỉ có bàn thờ thổ công nên Tết đến chị mua một chút tiền vàng, hương hoa và quả để bày bàn thờ.
- Tiền mua thức ăn trong mấy ngày Tết: 500 ngàn đồng/ 1tuần
Năm nay vì vợ chồng chị ăn riêng nên giò xào, bánh trưng bà ngoại đã bảo sẽ tự làm cho vợ chồng chị. Chị cũng không làm những món như thịt xông khói, chân giò, bắp bò mà sẽ thay thế bằng những món tiết kiệm lại lạ miệng trong ngày Tết.
Chị Hạnh sẽ tự làm chả ốc, cua đồng rang giòn kèm sốt me, nộm sứa xoài xanh hành tây, rau củ trộn mayonnaise, cá kho. Bên cạnh đó, để vẫn ăn uống tiết kiệm mà lại ngon, lạ miệng vừa chuẩn không dư không thiếu mấy ngày Tết, chị Hạnh dự định Tết đến sẽ tự làm kim chi, củ cải muối chua ngọt, thịt hến xào ăn bánh đa, phồng tôm. Theo chị nói thì làm món này không tốn tiền là bao, chỉ mất công chút, lại ngon và lạ miệng.
- Tiền dự phòng chi tiêu thêm: 500 ngàn đồng
Tổng chi: 5 triệu
"Con gái nhỏ cũng có nhiều quần áo quá do được dì hay mua tặng nên không cần mua mới"
Người phụ nữ này cũng chia sẻ: “Nhìn sơ qua ở đây thì thấy nhà mình dự toán ít. Nhưng nhà mình họ hàng ở gần xung quanh. Con gái nhỏ cũng có nhiều quần áo quá do được dì hay mua tặng nên không cần mua mới. Vợ chồng mình thì mặc giản dị miễn sao gọn gàng là được. Thế nên chỉ tập trung chút vào dọn dẹp nhà cửa, mua một ít bánh kẹo đãi khách và tự làm những món ăn lạ miệng lại tiết kiệm trong một tuần nghỉ Tết thôi”.
Với bà mẹ 1 con này, thời điểm này đã dự tính được kế hoạch chi tiêu Tết và sẽ quán triệt chi tiêu như vậy dù lòng vẫn lo lắng: "Tết sắp đến rồi, ngổn ngang trăm thứ chi tiêu. Nhất là tiền mừng tuổi và ăn uống sao cho hợp lý. Nhưng mình nghĩ, lì xì thế nào là tùy vào điều kiện mỗi người nên cũng không ngại. Còn ăn uống cả năm chứ đâu phải mỗi Tết mới ăn. Trong mọi trường hợp phải tuỳ khả năng thôi. Vài món trong tủ lạnh để không phải đi chợ là được. Mua hoa quả để bày trên bàn thờ. Nói chung giờ có con nhỏ, lại không kiếm ra nên mình phải nêu cao tinh thần chi tiêu Tết tiết kiệm".
Theo Trí Thức Trẻ