Để hiểu đúng hơn về những vấn đề xoay quanh chuyện đình chỉ thai này, mẹ có thể theo dõi bài viết sau đây:
Đình chỉ thai không có nghĩa là bỏ thai
Đừng lo lắng khi có quyết định đình chỉ thai vì nó không có nghĩa là bạn sẽ mất con!
Không ít thai phụ khi được đề cập về việc đình chỉ thai liền nghĩ ngay đến chuyện sẽ mất con nên tỏ ra vô cùng hoảng loạn. Thế nhưng không phải bất cứ trường hợp đình chỉ thai nào cũng đồng nghĩa mất con.
Trên thực tế, để đi đến quyết định đình chỉ thai là một việc không hề dễ dàng. Có những trường hợp sau khi vội vã đình chỉ thai, thai phụ vô cùng hối hận. Nhưng cũng có những trường hợp giữ lại và từ đó gánh vác những trách nhiệm vô cùng nặng nề từ những di chứng nghiêm trọng của thai nhi.
Do vậy, điều trước hết bạn cần làm là xác định xem mình thuộc nhóm nguyên nhân nào để biết được xác suất cao nhất về sự sống của thai nhi nếu tiếp tục hoặc kết thúc thai kỳ.
Nguyên nhân của việc đình chỉ thai
Với những bất thường nghiêm trọng trong thai kỳ thì việc đình chỉ thai sẽ là điều cần thiết.
Yêu cầu đình chỉ thai có thể đến từ các bác sĩ, những người thăm khám và phát hiện những bất thường cần can thiệp ngay đối với thai phụ và thai nhi nhưng nó cũng có thể đến từ phía các thai phụ.
Theo đó, một số phụ nữ mang thai ngoài ý muốn do vỡ kế hoạch hoặc vì một lý do cá nhân nào đó có thể muốn chủ động yêu cầu đình chỉ thai kỳ.
Bên cạnh đó cũng có nhiều nguyên nhân khác đến từ những bất thường trong thai kỳ như thai ngoài tử cung, thai nhi bị khuyết tim bẩm sinh, thai mắc dị tật bẩm sinh nghiêm trọng, thai chết lưu…Với những trường hợp này, việc đình chỉ thai sẽ là điều cần thiết.
Trường hợp thai nhi đã gần đến ngày sinh nhưng có những bất thường xảy ra và có khả năng đe dọa tính mạng của cả hai mẹ con, các bác sĩ sẽ chủ động đình chỉ thai, nghĩa là mổ lấy thai để đưa thai nhi ra ngoài sớm hơn so với ngày dự sinh. Đây là những trường hợp thai nhi có khả năng sống sót cao nếu được chăm sóc đặc biệt sau sinh.
Việc đình chỉ thai dựa vào kết quả siêu âm có hoàn toàn đúng hay không?
Siêu âm có sai số và bạn cần được kiểm tra, xét nghiệm chuyên sâu trước khi đi đến quyết định đình chỉ thai.
Là một phương pháp giúp chẩn đoán thông qua hình ảnh, siêu âm cho biết kết quả cận lâm sàng khá chính xác về những bất thường hình thái, đặc biệt là vào các mốc 12-13 tuần, 22 tuần và 32 tuần. Tuy nhiên, siêu âm có sai số.
Vì thế, để đi đến kết luận sau cùng về những dị tật thai nhi có thể mắc phải, các bác sĩ phải cần đến những xét nghiệm chuyên sâu như chọc dò ối, sinh thiết nhau thai… Do vậy, thai phụ và người nhà không nên quá hoảng loạn và vội vã quyết định ngay sau khi có kết quả siêu âm. Hãy yêu cầu được siêu âm và làm những xét nghiệm chuyên sâu khác để khẳng định
Hiện nay, pháp luật cho phép phá thai dưới 22 tuần. Do đó với những thai nhi trên 22 tuần tuổi, cần phải được Hội đồng chẩn đoán trước sinh bao gồm các chuyên gia sản khoa, di truyền học, nhi khoa, tâm lý… thông qua trước khi thực hiện.
Hậu quả từ việc đình chỉ thai
Đình chỉ thai có thể khiến cơ hội mang thai ở những lần sau trở nên hiếm hoi hơn.
Can thiệp vào quá trình thai nghén chắc chắn dẫn đến những bất lợi về sức khỏe đối vớ người phụ nữ. Mặc dầu vậy, y học hiện đại đã có những biện pháp giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực từ việc đình chỉ thai ở người phụ nữ. Tuy vậy những biện pháp này vẫn không thể khẳng định an toàn tuyệt đối. Trên thực tế, đã có phụ nữ bị mất mạng vì sử dụng thuốc phá thai, một giải pháp mới nhất để đình chỉ thai hiện nay.
Những biến chứng từ việc đình chỉ thai như băng huyết, thủng tử cung, tai biến do thuốc gây mê hay do những tai biến muộn như sót thai, sót nhau, viêm hoặc dính tử cung, hình thành vết sẹo trong tử cung; sang chấn tâm lý… đều mang đến những ảnh hưởng nặng nề đến chức năng sinh sản của người phụ nữ về sau.
Chính vì vậy, cần phải đặt việc đình chỉ thai vào trường hợp sau cùng khi bạn không có sự lựa chọn nào tốt hơn để tránh những ân hận muộn màng phải gánh lấy. Trường hợp cần thiết phải đình chỉ thai, bạn nên yêu cầu được thực hiện những biện pháp an toàn nhất có thể tính tới thời điểm hiện tại.
Các biện pháp đình chỉ thai an toàn tính đến thời điểm hiện tại:
Uống thuốc phá thai được coi là biện pháp đình chỉ thai khá an toàn hiện nay song nó cũng không thể đảm bảo về những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra đối với người dùng.
- Sử dụng cụ hút chân không - thai nhi được hút ra ngoài qua ống hút và một bơm hút: áp dụng cho thai từ 6 tuần đến hết 12 tuần.
- Dùng thuốc phá thai – thuốc làm tử cung ngừng phát triển và tăng cường co bóp nhằm đẩy thai ra ngoài giống như hiện tượng sẩy thai tự nhiên: áp dụng cho thai dưới 7 tuần tuổi.
- Dùng phương pháp nong gắp – kết hợp cả thuốc và dụng cụ để đình chỉ thai: áp dụng cho thai từ 13 tuần đến 18 tuần tuổi. Lưu ý phương pháp này dễ xảy ra biến chứng nếu tay nghề bác sĩ kém và điều kiện thiết bị y tế không chất lượng, mất vệ sinh.
Yeutre.vn (Tổng hợp)