Giấy quỳ, que thử rỉ ối: Tiện quá hóa hại!

Một sản phụ bị rỉ ối khi mang thai mà không hay. Lúc chị chuyển dạ, nước ối cạn nhanh khiến thai nhi bị ngạt. Thai phụ đau lòng: “Tôi đã mua giấy quỳ về thử, tại sao kết quả của tôi lại sai”.

banner ads

TS-BS Huỳnh Thị Thu Thủy - nguyên phó giám đốc BV Từ Dũ TP.HCM lý giải, do thai phụ bị rỉ ối quá lâu, lại đang viêm âm đạo nên việc thử giấy quỳ không cho kết quả đúng. Đã có rất nhiều trường hợp phải sinh non, thai nhi bị nhiễm trùng, thai chết ngạt… do thai phụ tự ý kiểm tra nước ối, kiểm tra viêm nhiễm âm đạo tại nhà và nghĩ mọi chuyện vẫn ổn.

24606-17-anh-21.jpg

Test kit dùng để đo độ pH dành cho... hồ cá cũng được nhiều thai phụ dùng đo pH âm đạo xem có rỉ ối hay không

Sản phẩm siêu tiện?

Ghé một cửa hàng tạp hóa trên đường Trần Văn Đang (Q.3, TP.HCM), khi nghe chúng tôi nói muốn mua giấy quỳ, bà chủ cửa hàng nhiệt tình: “Hai đứa con dâu của dì cũng thử rỉ nước ối bằng giấy quỳ, vừa rẻ vừa hiệu quả”. Bà chủ đưa cho chúng tôi một cái hộp màu trắng, nói giá 32.000đ. Bên trong hộp có năm xấp giấy màu tím, mỗi xấp có 20 tờ. Thông tin trên sản phẩm toàn bằng tiếng Trung Quốc. Bà chủ hướng dẫn: “Mỗi sáng cứ lấy một tờ giấy quỳ đặt dưới quần lót, nếu giấy đổi từ tím sang màu xanh, chứng tỏ có rỉ nước ối, nếu không đổi màu thì bình thường”.

Một nickname Lady trên diễn đàn webtretho.com chia sẻ: “Cứ cho giấy quỳ vào âm đạo. Nếu vẫn không ra kết quả thì dùng thêm bộ test kit thử độ pH”. Sản phẩm thử độ pH được bán nhiều tại các cửa hàng thiết bị dành cho học sinh, cửa hàng hóa chất, cửa hàng cá cảnh. Nếu muốn thử độ pH trong nước, chỉ cần đổ đầy mẫu nước vào lọ, cho vài giọt thuốc thử vào, sau đó đem đối chiếu với bảng so màu rồi xem độ pH tương đương. Nếu muốn thử xem nước ối có rỉ không, lấy ít dịch âm đạo khuấy đều trong lọ nước, cho thuốc thử vào rồi đem so sánh. Những bộ test kit này có xuất xứ từ Thái Lan, Đức, Trung Quốc, giá từ 80.000 - 120.000đ.

Tại các nhà thuốc còn có bán một loại dụng cụ giúp thai phụ phát hiện sớm tình trạng rỉ ối. Ghé một nhà thuốc trên đường Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM), chúng tôi được xem một hộp màu xanh có tên D.O, giá 220.000đ/hộp. Người bán giới thiệu: “Nó hơn giấy quỳ ở chỗ phân biệt được độ pH và amoniac. Hộp có ba miếng như băng vệ sinh, mỗi miếng sử dụng được 12 giờ. Nếu khi dùng miếng lót vẫn giữ màu vàng thì đó là nước tiểu, nếu chuyển sang xanh thì có nước ối”.

Trao đổi với nhân viên này, chúng tôi có thêm thông tin, nhiều chị em không cần đi khám phụ khoa mà chỉ dùng que thử đã biết có bị viêm âm đạo hay không. Sản phẩm này giống như cây tăm bông ngoáy tai, khi sử dụng chỉ cần đẩy que vào sâu trong âm đạo để lấy dịch, sau đó rút ra ngoài rồi chờ trong 10 giây. Nếu que chuyển từ vàng sang xanh lá hoặc xanh lam là có dấu hiệu nhiễm khuẩn. Một địa chỉ trên đường Khánh Hội (Q.4, TP.HCM) có bán một loại que cao cấp hơn có tên M.U, xuất xứ Mỹ. Sản phẩm này không chỉ biết tình trạng viêm nhiễm âm đạo mà còn kiểm tra được bệnh viêm âm đạo do virut HPV (?) Các loại que thử viêm âm đạo cũng được tặng kèm trong các loại băng vệ sinh được nhập từ nước ngoài, được nhiều người mua vì tiện.

24605-17-quy.jpg

Giấy quỳ, que thử ối các loại bán tràn lan trên thị trường

Dễ viêm nhiễm, thậm chí mất mạng

TS Huỳnh Khánh Duy - khoa kỹ thuật hóa học, trường ĐH Bách Khoa TP.HCM phân tích, sự thay đổi màu sắc của chất cần thử trên giấy quỳ thể hiện độ pH của chất đó. Do dịch âm đạo có tính axít trong khi nước ối có tính kiềm, nên việc thử bằng giấy quỳ có thể cho biết tình trạng rỉ ối. Nếu giấy quỳ được sản xuất theo tiêu chuẩn dành cho sản phẩm y tế thì an toàn cho sức khỏe, nhưng nếu sản phẩm được sản xuất từ hóa chất công nghiệp, không rõ nguồn gốc, xuất xứ thì có thể chứa một số tạp chất độc hại (kim loại nặng, các tạp chất hữu cơ độc hại) hoặc một số vi khuẩn có hại, gây nhiễm trùng hoặc dị ứng cho thai phụ khi dùng.

TS-BS Huỳnh Thị Thu Thủy cho biết, tại các bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán rỉ ối bằng cách đặt mỏ vịt vô trùng để quan sát dịch ối đọng, chảy ra ở âm đạo hay chảy ra từ cổ tử cung. Bên cạnh đó, bác sĩ còn làm thử nghiệm trên giấy chỉ thị màu để xác định độ pH của dịch ối, nếu có nước ối thì giấy quỳ sẽ chuyển sang màu xanh; dùng tăm bông phết dịch ối rồi soi dưới kính hiển vi; siêu âm đánh giá tình trạng thai nhi và thể tích nước ối… Thay vì đi khám, nhiều thai phụ đã theo nhau tìm mua giấy quỳ về kiểm tra xem mình có bị rỉ ối hay không. Tuy nhiên, với trường hợp rỉ ối đã lâu, thai phụ đang nhiễm khuẩn âm đạo, đang dùng thuốc kháng sinh, trong âm đạo có lẫn nước tiểu… thì việc kiểm tra bằng giấy quỳ là... thua. Nếu việc ra ối sớm không được phát hiện, sẽ dẫn đến nhiều nguy hiểm như sinh non, sa dây rốn, cạn ối, nhau bong non hoặc dẫn đến hàng loạt nhiễm trùng như viêm màng ối, nhiễm trùng ối, nhiễm trùng sau sinh, thậm chí có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, nguy hiểm đến tính mạng. Thai nhi cũng có thể bị nhiễm trùng gây viêm phổi, viêm đường ruột, nhiễm trùng bào thai và nhiễm trùng sơ sinh..

TS-BS Huỳnh Thị Thu Thủy cảnh báo: Việc không đi khám mà tự mua que về thử rồi tự mua thuốc về đặt, rửa... dẫn tới nguy cơ biến chứng sang các bệnh viêm nhiễm nguy hiểm, ảnh hưởng đến thiên chức làm mẹ, thậm chí là cả tính mạng. Tại các bệnh viện, để xác định nguyên nhân gây viêm âm đạo, các bác sĩ phải làm các xét nghiệm với máy móc. Việc dùng một que thử không thể xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh là do nấm, vi khuẩn hay virút....

Theo PN

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI