1. Tác hại từ việc quấn tã chặt cho trẻ sơ sinh
Một khảo sát ở Anh đã cho thấy, những đứa trẻ bị quấn tã chặt dễ bị loạn sản khớp háng - một rối loạn bẩm sinh phổ biến ở trẻ làm gia tăng nguy cơ phải thay khớp háng khi đến tuổi trung niên. Hoặc nếu cha mẹ phát hiện muộn thì sẽ bị thoái hóa khớp.
Ngoài việc ảnh hưởng tới khớp háng, việc quấn tã quá chặt còn để lại những vết hăm trên da khiến trẻ đau rát hoặc dẫn đến hăm tã.
Quấn tã quá chặt còn cản trở khả năng vận động và phát triển xúc giác của trẻ. Ngay từ 0 tháng tuổi, trẻ sơ sinh đã bắt đầu phát triển kỹ năng vận động linh hoạt. Hành động như duỗi tay chân hay đập chân đều cho thấy kỹ năng vận động đang được hình thành. Chưa kể, xúc giác của trẻ cũng bị cản trở do không được tự do sờ nắm, cảm nhận mọi thứ xung quanh và bị gò bó trong chiếc tã quá chật.
Nhiều bà mẹ bỉm sữa vẫn quan niệm rằng, quấn tã chặt để con ít giật mình, ngủ ngon hơn và cảm giác như nằm trong tử cung. Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng, việc quấn tã là không cần thiết. Trẻ giật mình là do thần kinh còn yếu và chưa hoàn thiện - hiện tượng này sẽ dần mất đi khi trẻ lớn. Trẻ ngủ ngon hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nhiệt độ, sức khỏe, cảm giác no hoặc đói. Việc quấn tã quá chặt có thể gây nóng nực, khó chịu cho trẻ, đổ mồ hôi nhiều và khiến trẻ khó ngủ hơn.
2. Những lưu ý khi quấn tã cho trẻ
Việc quấn tã là không cần thiết với trẻ sơ sinh, tuy nhiên, nếu mẹ vẫn muốn quấn tã cho trẻ cũng được nhưng cần phải quấn tã đúng cách.
- Không quấn quá chật hay quá lỏng. Quá chật sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, quá lỏng sẽ khiến trẻ có nguy cơ bị nhiễm lạnh nếu trẻ làm tuột tã.
- Không quấn tã khi thời tiết nóng vì có thể gây đổ mồ hôi, sốt, rôm sảy. Trời nóng chỉ cần mặc quần áo thoáng mát và cho bé nằm chơi là được. Khi bé ngủ có thể kê thêm mền bên cạnh để giúp bé tránh giật mình.
- Sau 1 tháng có thể dừng việc quấn tã cho trẻ vì điều này không cần thiết nữa. Trẻ cần được làm quen với môi trường mới và phát triển xúc giác, vận động.
Yeutre.vn (Tổng hợp)