Nhân dịp trốn con đi chơi định kì hàng năm, chị Thu Hà - mẹ của 2 bé Xu Sim, hiện đang sinh sống tại Tp. Hồ Chí Minh đã chia sẻ một bài viết bày tỏ quan điểm của mình về việc "nghỉ phép" làm mẹ. Theo quan niệm của chị, các bà mẹ đôi khi cũng cần lùi xa con một khoảng nhất định, để con trưởng thành hơn, biết trân trọng những giây phút hạnh phúc, đủ đầy, được bao bọc trong vòng tay mẹ hơn.
Quan điểm sống, làm mẹ của bà mẹ hai con nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhiều người trên mạng xã hội.
Dưới đây là bài viết của chị Thu Hà đang được hàng nghìn bà mẹ khác gật gù tâm đắc về một quan điểm làm mẹ hiện đại.
Nhiều người hỏi tôi, nuôi 2 đứa có mệt không? Ôi mệt chứ, mệt lắm chứ, nhất là khi tôi không có anh em họ hàng ở gần, ông bà nội ngoại đều ở xa... Nói thật là ngày nào tôi cũng ước mình được nghỉ ngơi thêm 1 chút.
Nhớ ngày xưa, tụi nó còn nhỏ, ốm đau, bỉm sữa liên miên, nên khi tới cơ quan, ngồi ngả người vào lưng ghế, bật máy tính lên, bắt đầu ngồi làm việc mà không có tiếng trẻ con, thì tôi đã coi đó là thư giãn.
Thế là, từ ngày tụi nó 5 tuổi tới nay, tôi luôn dành ra cho mình mỗi năm ít nhất 1 lần tự nghỉ phép làm mẹ. Tôi sẽ trốn đi đâu đó, hú hí ăn chơi, mua sắm và chụp hình, không có trẻ con, không có chợ búa nấu nướng, chỉ còn tán dóc với 1 tụi bạn gái. Nhiều tiền thì đi kiểu nhiều tiền, ít tiền thì đi kiểu tiết kiệm, kiểu gì cũng phải đi. Tới 1 vùng đất mới, gặp những con người mới, nói bằng một thứ ngôn ngữ khác.
Có khi thì nhờ người giúp việc ngủ lại, có khi thì nhờ bạn bè, nhờ cô em đồng nghiệp, hay cô cháu tới ở trông Xu Sim. Năm nay, chuyển về Bình Chánh, xa trung tâm, không nhờ được ai tới nhà, tôi đã mất khá lâu để tìm cách. Cuối cùng thì 3 mẹ con quyết định đi sơ tán. Khi mẹ đóng gói đồ đạc đi chơi thì Xu Sim cũng tự đóng đồ đạc để qua nhà dì Tuyến bên Q.7 ở. Tôi lên trường đăng ký xe bus của trường đưa rước Xu Sim 1 tuần. Vậy là 3 mẹ con cùng khóa cửa ra khỏi nhà.
Nhìn Xu Sim tay xách nách mang 1 cái vali, 3 túi đồ, đi sơ tán, cũng thấy thương thương. Nhưng kệ, tụi nhóc cũng cần tập lùi xa mẹ một quãng. Như trồng cây ấy, đừng cột cây nhỏ quá chặt vào cây lớn, phải để cho tụi nó có khoảng trống để thở, có lúc đói để hiểu cảm giác ăn ngon, có xa cách để quý những phút gần gũi, có thiếu thốn để trân trọng lúc đủ đầy. Như cái lò xo bị kéo giãn, sau mỗi chuyến cách xa, 3 mẹ con ôm nhau càng chặt hơn.
Tụi nhóc cũng cần tập lùi xa mẹ một quãng. (Ảnh minh họa).
Ai thông cảm thì tôi nói thật là tôi gửi con để đi chơi. Ai hay xét nét thì tôi trả lời ngắn gọn là phải đi công tác. Ừ thì đúng. Nghỉ ngơi cũng là một phần tất yếu của lao động mà. Ai mà có thể leo hoài không dừng? Ai có thể chạy hoài mà không nghỉ?
Tôi nghe kể những người leo lên đỉnh Everest ban ngày leo lên, ban đêm còn lùi xuống 1 chút, nghỉ cho quen độ cao rồi mai lại leo lên trở lại. Mọi cái đều phải từ từ không thể nóng vội, nhất là những việc dài hơi. Càng việc khó, càng việc quan trọng thì càng cần phải được thư giãn và nạp đầy đủ năng lượng.
Hôm tôi nói chuyện với 1 người bạn, hỏi cách học làm sao để ngày sau Xu Sim có cơ hội đi du học. Bạn tôi bảo: "Chỉ cần chính bản thân mày phải háo hức với việc di chuyển, háo hức với 1 nền văn hóa mới, thì Xu Sim mới thấy ham đi du học. Và khi nó đã muốn, nó sẽ tìm ra cách. Tự nó tìm ra cách tốt hơn là mày đi tìm sẵn cách cho nó!".
Thế nên, đến hẹn lại lên, giờ này tôi đang "sạc pin" ở Taiwan. Facebook vừa thông báo dịp này 2 năm trước là ở Myanmar, năm ngoái ở Hongkong. Lên tới sân bay, việc đầu tiên là rút điện thoại ra, xóa hết các thể loại báo thức, nào là giờ gọi Xu Sim dậy, giờ Xu Sim đi học, giờ đón Xu Sim, giờ Xu Sim đánh răng, giờ Xu Sim đi ngủ...
Gì thì gì, đừng quên cục sạc của chính mình!
Hơn nữa, tôi không hề muốn sau này Xu Sim miêu tả về mẹ là: “Mẹ em đã rất vất vả để nuôi em, mẹ đã hi sinh rất nhiều...”. Không, Xu Sim không cần phải bị gánh nặng hi sinh của mẹ đè trên vai. Và tôi cũng không muốn Xu Sim trở thành mẫu phụ nữ cứ đi hi sinh vì người khác. Tôi chả dại gì phải giấu diếm đam mê rong chơi của mình. Tôi muốn Xu Sim có thể khoe với bạn bè, rằng: Mẹ tớ đi chơi nhiều, và mẹ tớ rất cool.
Theo ngoisao