Tại dự thảo này, Bộ Tư pháp đưa ra đề xuất quy định về đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ, trẻ em sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Đây là một trong những trường hợp đặc biệt đăng ký khai sinh tại UBND cấp xã.
Ảnh minh họa
Cụ thể, theo dự thảo, người yêu cầu đăng ký khai sinh nộp giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật Hộ tịch. Trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì người yêu cầu đăng ký khai sinh còn phải nộp bản sao giấy tờ chứng minh việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản theo quy định của pháp luật.
Trình tự đăng ký khai sinh được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật Hộ tịch. Nội dung đăng ký khai sinh được xác định theo quy định. Phần ghi về cha, mẹ trẻ em trong giấy khai sinh, sổ hộ tịch được xác định như sau: Trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ em được sinh ra do mang thai hộ thì thông tin về người cha, người mẹ trong sổ hộ tịch, giấy khai sinh của trẻ em là thông tin của vợ, chồng nhờ mang thai hộ. Trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ em được sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì thông tin về người cha, người mẹ trong sổ hộ tịch, giấy khai sinh của trẻ em là thông tin của cặp vợ, chồng vô sinh.
Luật Hộ tịch được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 8, ngày 20-11-2014, có hiệu lực từ ngày 1-1-2016.
Theo Chinhphu