Bác sĩ Mai Xuân Phương, Phó Vụ Trưởng Vụ Truyền thông Giáo dục, Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, cho biết theo tỷ lệ giới tính dân số Việt Nam ở tuổi 80 trở lên thì cứ 200 cụ bà mới có 100 cụ ông. Ở tuổi từ 70-79, tỷ lệ này là 149 cụ bà/100 cụ ông; ở tuổi 60-69 là 131/100. Số liệu từ 4 cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở giai đoạn 1979-2009 cũng cho thấy, người cao tuổi sống góa, không có vợ hoặc chồng chiếm tỷ lệ cao. Trong đó số cụ bà cô đơn cao gấp 5,44 lần so với cụ ông. Đây là một trong những thay đổi đáng chú ý của thực trạng già hóa dân số nước ta ngày nay, cho thấy tuổi càng cao thì số phụ nữ sống đơn thân càng nhiều.
Ảnh minh họa: Bình Minh.
Giải thích về thực trạng này, bác sĩ Phương cho rằng đàn ông Việt Nam có tuổi thọ thường ngắn hơn phụ nữ. Lý do là nam giới thường làm công việc nặng nhọc, va chạm cuộc sống, môi trường độc hại nhiều hơn, lại không có ý thức chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt điều độ như phụ nữ. Khi có những vui buồn, áp lực trong cuộc sống, họ cũng khó chia sẻ, giải tỏa tâm trạng dễ dẫn đến nhiều bệnh tật.
"Phụ nữ tuy yếu đuối nhưng thường có sức chịu đựng bền bỉ, dẻo dai nên sống thọ hơn", ông Phương chia sẻ.
Mất cân bằng giới tính khi sinh, tốc độ già hóa dân số cũng làm thay đổi mạnh mẽ cấu trúc gia đình. Nếu hiện nay tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra ở trẻ em do số trẻ trai nhiều hơn gái, thì ở người cao tuổi ngược lại bởi có những thời kỳ trước đây tỷ lệ sinh nữ nhiều hơn nam. Tuổi thọ của phụ nữ cao hơn nam giới khiến tình trạng cụ bà góa chồng phải sống đơn thân nhiều hơn.
Theo ông Phương, với xu hướng bệnh tật kép và phần lớn người cao tuổi không có lương cũng như trợ cấp hiện nay, phụ nữ cao tuổi đối mặt với nhiều rủi ro hơn so với nam giới cao tuổi xét về thu nhập, tình trạng khuyết tật và khả năng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm y tế.
Số liệu cũng cho thấy ngày nay phụ nữ cao tuổi sống ly hôn, ly thân nhiều gấp 2,2 lần so với nam giới. Theo ông Phương, người cao tuổi sống đơn thân nhiều lên xu hướng gia đình hạt nhân (chỉ có bố mẹ và con cái) đang ngày càng phát triển. Tỷ lệ người cao tuổi sống với con cái giảm từ gần 80% vào năm 1993 xuống còn 62% vào năm 2008. Tỷ lệ hộ gia đình “khuyết thế hệ” chưa cao nhưng cũng đã tăng hơn hai lần.
Theo VNE