Ngay từ lúc cấn thai, mỗi ngày chị nhận được mấy chục cuộc điện thoại từ quê dặn dò về chuyện ăn uống, đi lại. Mới được tám tháng, mẹ đẻ đã thu xếp vào thành phố ở với con đợi ngày sinh, mẹ chồng nhanh nhẹn không kém, một tuần sau cũng có mặt ở nhà chị với đầy đủ “dụng cụ” phục vụ ở cữ. Nhưng từ đó, chị và con trở thành tâm điểm trong “cuộc chiến” kinh nghiệm của hai bà mẹ, nghe theo bên này thì mất lòng bên kia, không nghe bên nào thì đừng hòng yên ổn. Mới sinh chưa đầy tháng mà chị gầy hẳn đi, mặt mày lúc nào cũng đờ đẫn dù được chăm bẵm rất cẩn thận…
Ngay từ đầu, chuyện chị sinh ở đâu đã được hai gia đình bàn bạc rất nhiều lần. Quê chị ở miền Trung, chồng miền Bắc, lấy nhau rồi lập nghiệp ở Sài Gòn. Theo tục ở quê chị “con so nhà mẹ, con rạ nhà chồng” nên chị muốn xin bên nội về sinh ở nhà mẹ đẻ nhưng mẹ chồng nhất quyết không chịu. Mẹ chị cũng không nhượng bộ khi nghe bà thông gia hở lời muốn đưa dâu về chăm. Thế là, để dung hòa hai bên, chị quyết định sinh ở thành phố với lý do: điều kiện y tế tốt hơn.
Mới sinh chưa đầy tháng mà chị gầy hẳn đi, mặt mày lúc nào cũng đờ đẫn dù được chăm bẵm rất cẩn thận
Mấy ngày đầu hai mẹ mới vào ở cùng, chị cảm thấy khá thoải mái, chỉ có việc đi làm và nghỉ ngơi, mọi việc nhà lẫn ăn uống được hai mẹ lo chu đáo. Mỗi ngày, hai mẹ thay nhau nấu những món bổ dưỡng để bồi bổ cho mẹ con chị. Nhưng khi chị sinh xong, hai mẹ chuyển từ chế độ “cùng chăm sóc” sang “mệnh ai người nấy chăm”. Mọi chuyện bắt đầu từ sự khác biệt trong phong tục ở mỗi miền mà ai cũng khăng khăng cho mình là đúng. Chỉ riêng chuyện tắm cho bé, mỗi bà đã có một cách, chưa kể đến việc ăn uống kiêng cữ của mẹ thì nhiều sách, lắm kinh nghiệm hơn nữa.
Hôm mới sinh xong, mẹ chị lấy rễ cây phơi khô mang từ quê vào, sắc lên cho chị uống để nhanh có sữa nhưng mẹ chồng chị một mực không cho bởi “chưa thấy ai uống cái thứ đó bao giờ, sợ ngộ độc thì chết”. Còn mẹ chị phản đối quyết liệt khi mẹ chồng bắt chị buộc túi muối vào bụng rồi nằm sấp hơ than lúc ăn cơm vì sợ vết mổ chưa lành. Sau mỗi lần xông hơ thì mẹ đẻ cho chị tắm bằng nước lá xông còn mẹ chồng bảo phải kiêng tắm đến lúc đầy tháng, đánh răng cũng không cho, chỉ cho miếng cau khô để chà răng. Chị chẳng biết nghe ai, chỉ thấy mệt mỏi vì hai bà hậm hực nhau cả ngày. Mẹ chồng bảo ăn chân giò hầm đu đủ là tốt, mẹ đẻ nói ăn chân dê hầm đậu đỏ lợi sữa, vậy là, cả tháng chị cứ luân phiên mỗi hai món đó, ngán đến tận cổ. May mà, chồng chị tâm lý, vào ngày nghỉ thỉnh thoảng đổi món cho vợ, mua thêm đồ ăn cho đủ chất, nếu không chắc chị có nước bỏ bữa…
Lúc đầu, cả bà nội lẫn bà ngoại đều hăng hái bảo sẽ chăm cháu hết ba tháng mười ngày nhưng không khí ngột ngạt, tự ái cá nhân nổi lên nên vừa đầy tháng cả hai bà đùng đùng đòi về khiến vợ chồng chị xoay xở không kịp.
Cuối cùng, nghe chồng chị phân tích, hai bà đi đến thống nhất sẽ luân phiên nhau vào chăm cháu. Chị hy vọng mọi chuyện sẽ dễ thở hơn…cũng may đợt ở cữ đã qua. Đúng là “chăm quá hóa mệt”…
Theo PNO