Con nghỉ hè, ba mẹ lo... sốt vó

Nghỉ hè là thời gian tuyệt diệu với trẻ thơ, nhưng với không ít phụ huynh thành phố, đó là thời điểm "ác mộng" vì con nghỉ nhưng bố mẹ vẫn phải đi làm. Trên các trang mạng xã hội, diễn đàn, nhiều cha mẹ đã í ới, hỏi han, chia sẻ nhau kinh nghiệm “ứng phó” với mùa hè của con.

banner ads

19561-nghi-he-3.jpg

Con nghỉ hè thi vui còn ba mẹ lo sốt vó. Ảnh minh họa

Nhốt con vài trại hè, lớp học ngoại khóa

Trẻ nhỏ bao giờ cũng muốn nghỉ hè vui vẻ bên gia đình và bạn bè. Trong khi đó, nhiều phụ huynh lại muốn con tranh thủ thời gian này để… học thêm các kỹ năng, kiến thức mới, tránh tình trạng uể oải nhập học sau 3 tháng hè. Vào đầu hè, nhiều cha mẹ đã chia sẻ kế hoạch, kinh nghiệm tìm kiếm, sắp xếp các khóa học hè phù hợp với con.

Với quan điểm “để con chơi ở nhà vừa phí thời gian vừa không học được cái gì mới”, chị Hoài Thu (Ba Đình, Hà Nội) đã lên một lịch trình kín mít cho những ngày nghỉ hè của cậu con trai 9 tuổi. Chị đăng ký cho con học một khóa tiếng Anh vừa học vừa chơi tại một trung tâm ngoại ngữ có tiếng, nơi con chị sẽ được học giao tiếp, học hát, chơi trò chơi… hoàn toàn bằng tiếng Anh với giáo viên nước ngoài. Khoá học này kéo dài 1 tháng và có thời gian biểu tương tự giờ học chính thống của bé. Thời gian còn lại của kỳ nghỉ hè, chị xếp kín lịch các lớp chuẩn bị kiến thức năm học mới, tập trung vào Toán và tiếng Việt, sau đó là các lớp học năng khiếu, vận động như tập võ, bơi, mỹ thuật… vừa con có thể rèn luyện sức khỏe, vừa phát huy năng khiếu nghệ thuật.

“Con được nghỉ hè nhưng bố mẹ có được nghỉ đâu, nên tôi phải “tạo việc làm” cho bé. Con ở nhà một mình tôi cũng không yên tâm, nhỡ con nghịch ngợm hoặc chúi mũi vào máy tính suốt ngày thì sao. Thế nên, cho bé đi học hè là tốt nhất. Tôi cũng nghiên cứu kỹ các khóa học rồi, đều là vừa học vừa chơi nên cũng không sợ con bị căng thẳng, áp lực gì. Khóa học tiếng Anh còn đỡ, vì bé được ăn trưa ở trung tâm luôn, nhưng đến giai đoạn bé học kiến thức và năng khiếu, giờ học ngắn, vợ chồng tôi chẳng xoay được thời gian. Có lẽ, tôi phải thuê xe ôm dài hạn để đưa đón bé trong thời gian này, buổi trưa tranh thủ về đi chợ và cho con ăn ở nhà. Nghĩ đến nghỉ hè là ngán ngẩm” – chị Thu thở dài chia sẻ.

19563-nghi-he-5.jpg

Nhiều ba mẹ chọn phương án nghỉ hè cho con tại các trung tâm Anh ngữ. Ảnh minh họa

Nhiều cha mẹ cho con đi học bơi, học các môn năng khiếu trong kỳ nghỉ hè.Từng bị con “biểu tình” khi hè năm ngoái ép con đi học thêm mùa hè, năm nay, anh Quốc Dũng rối đầu chưa biết tính sao với con. “Năm ngoái, thấy con học yếu hơn các bạn nên mình tích cực cho con đi học ở trung tâm, nhà thầy cô, mời cả gia sư đến nhà nữa. Lúc thì mình và vợ thu xếp thời gian đưa con đi học, lúc thì thuê người đưa đón, tốn kém bao nhiêu tiền mà con bé cũng không học khá lên, nó còn giãy nảy kêu bố mẹ ác, có mỗi mùa hè để con nghỉ ngơi mà không cho nghỉ mát, cứ bắt học suốt. Năm nay, vợ chồng mình hứa với con sẽ nghỉ phép để đưa con đi chơi một tuần, sau đó chắc vẫn phải tìm lớp gì cho bé học. Nhưng bé nằng nặc không chịu học kiến thức trong hè mà muốn học vẽ và học bơi, chắc vợ chồng tôi sẽ chiều con. Hè năm sau bé vào cấp 2 rồi, chắc có muốn học mấy môn đó cũng khó”.

Cùng nỗi lo với chị Thu, anh Dũng, nhiều phụ huynh tìm đủ cách để “dụ” con vào các trại hè và cáchoạt động ngoại khóa. Không ít người đã lựa chọn những dịch vụ tốn kém như trại hè quốc tế, học kỳ quân đội… để cho con mình theo học. Tương xứng với chi phí đắt đỏ, phụ huynh sẽ không phải lo chuyện đưa đón, chăm sóc con, vì các bé sẽ được tách hoàn toàn gia đình và ở nội trú, tập trung tại trung tâm huấn luyện.

Cho con học kỳ... trang trại

19562-nghi-he-4.jpg
Trong khi đó nhiều ba mẹ lại lựa chọn học kỳ "trang trại". Ảnh minh họa

Với nhiều gia đình, việc gửi con về quê cho hết hè cũng là một giải pháp được tính đến. Đã 4 năm nay, năm nào vợ chồng anh Nguyễn Văn Tâm (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng gửi con về quê nội Hưng Yên và quê ngoại Ninh Bình khoảng 1 tháng. “Ông bà nội ngoại cả năm không mấy khi được gặp cháu nên hè nào cũng ngóng cháu về chơi. Thằng bé cũng quấn quýt ông bà lắm. Năm đầu tiên nghĩ hè ở quê, cháu đã học lớp 1, vậy mà như gà công nghiệp, nhìn thấy cây gì, con gì cũng lạ lẫm, còn không phân biệt được trâu với bò cơ. Nhưng mỗi kỳ nghỉ hè, bé lại biết thêm một cái mới, học được nhiều điều từ thiên nhiên. Cu cậu thậm chí còn kể vanh vách chuyện tát ao ra sao, phân biệt các loại cá như thế nào, rồi chuyện vòng đời sinh trưởng của ếch, của ve… cháu cũng rành. Mặc dù cháu học không giỏi như các bạn cùng lớp, đến khi vào học chính thức cũng chậm hơn nhiều bạn đi học thêm, nhưng khỏe mạnh, lanh lợi là được rồi!” – anh Tâm cho hay. Anh cũng khẳng định, năm nay, anh sẽ tiếp tục cho con về quê nghỉ hè với ông bà.

Chia sẻ thêm trước lo lắng của nhiều phụ huynh rằng trẻ con về quê dễ hư, hay nói bậy hoặc dễ bị những tai nạn do ở quê nhiều cây cối to, ao hồ, ông bà già khó có thể trông nom cẩn thận, anh Tâm cho rằng, bố mẹ phải trang bị trước cho con những kiến thức, kỹ năng sống để trẻ có thể thích nghi với môi trường mới, nhận diện nguy hiểm và biết cách xử lý một số tình huống cơ bản. “Trẻ con ở thành phố mà không trông nom cẩn thận cũng có thể bị các tai nạn như điện giật hay bị bỏng, cũng có thể hư, nên điều quan trọng là dạy con thế nào thôi” – anh Tâm khẳng định.

Nhiều phụ huynh chi đậm để con được thực tập làm nông dân trong lúc nghỉ hè.Không có ông bà nội ngoại ở quê như gia đình anh Tâm, chị Nguyễn Hồng Nhung dự định, mùa hè này sẽ cho hai em bé của nhà mình đi học làm “nông dân” theo một khóa học ngoại khóa của một trang trại ở ngoại thành Hà Nội. Tuy nhiên, chị vẫn lăn tăn có nên xin nghỉ làm để tham gia khóa học này cùng con không, vì công việc nhân viên truyền thông của chị khá bận rộn. Chị chia sẻ, nếu không nghỉ phép được, có lẽ chị sẽ mua một ít hạt giống cây và mấy túi giống nấm để cho con làm vườn mini trên sân thượng.

Đưa con lên cơ quan, "lùng" người trông trẻ

Không giống những gia đình khác, mùa hè là mùa sum họp của chị Nguyễn Thị Bích và con gái. Bé mới 5 tuổi và sống ở Bắc Giang cùng ông bà 3 năm nay. Đến hè, trường mẫu giáo nghỉ, ông bà lại đưa bé lên ở với bố mẹ cho đỡ nhớ. Để con ở nhà một mình thì xót, thuê người trông trẻ thì tốn kém, nhà trọ lại chật chội, hè năm ngoái, vợ chồng chị đành nghĩ đến phương án đưa con lên cơ quan. Một tuần, bé sẽ theo bố lên cơ quan 3 ngày, lên cơ quan mẹ 3 ngày, buổi trưa, cả nhà sẽ hẹn nhau ra ăn cơm ở một quán bình dân nào đó. Bé cũng ngoan, chỉ ngồi chơi đồ chơi một mình nên sếp của anh chị cũng không có ý kiến gì.

19560-tre-nghi-he-6.jpg

Nhiều phụ huynh chọn giải pháp cùng đưa con đi làm. Ảnh minh họa

Nghĩ đến hè năm nay, chị ngán ngẩm chia sẻ, chắc sẽ vẫn tái diễn tình trạng cũ. Ý tưởng đưa con lên cơ quan của chị Bích được một số chị em trong cơ quan chị hưởng ứng. Mấy người phụ nữ đang bàn nhau sẽ đem lũ trẻ nhà mình lên để con chị Bích có bầu có bạn.

Cũng có những gia đình, ông bà ở nông thôn còn các cháu nội, cháu ngoại ở thành phố nhưng các con không an tâm gửi cháu về quê, cũng không có điều kiện thuê người trông trẻ, ông bà đành lóc cóc lên thành phố nghỉ hè cùng cháu. Để tránh việc "tranh chấp" giữa các con, ông bà phải tách nhau, mỗi người "di cư" đến một nhà để trông cháu giúp các con. Trong trường hợp chỉ có ông hoặc bà lên thành phố trông cháu trong dịp hè, để trông được cùng lúc mấy đứa cháu, nhiều khi ông bà phải "dồn toa" mấy đứa lại một nhà để tiện trông nom, chăm sóc, cũng là để thắt chặt tình cảm gắn bó, yêu thương nhau giữa những đứa trẻ anh chị em họ.

Chuyện nhà chị Nguyễn Thị Giang còn éo le hơn. Người giúp việc nhà chị nhất quyết đòi nghỉ hè 1 tháng để về thăm con ở quê, trong khi bé Tun con chị Giang sắp vào lớp 1. Thuê người trông bé trong 1 tháng cũng khó, các trường mầm non tư thục gần nhà cũng không nhận trông giúp, lại không thể đem con theo mẹ đi làm, vì chị là nhân viên kinh doanh, thường xuyên phải di chuyển, gặp gỡ, tiếp xúc khách hàng. Ông xã chị cũng không thể xin nghỉ phép để đi chơi hay chăm con giúp trong thời gian người giúp việc nghỉ hè. Bàn bạc mãi, cuối cùng, chị đã thu xếp được phương án ổn thỏa. Chị giao hẹn sẽ vẫn trả lương cho người giúp việc trong 1 tháng nghỉ hè, với điều kiện, người giúp việc đưa bé Tun về quê cùng trong 2 tuần, và 2 tuần tiếp theo, người giúp việc sẽ đưa cả bé Tun lẫn con của mình về nhà chị Giang và anh chị sẽ đưa 2 bé đi chơi mỗi buổi tối. Vậy là bé Tun vừa có người trông, vừa được trải nghiệm cuộc sống nông thôn, em bé con người giúp việc vừa được lên thành phố chơi. “Cũng may mà chị ấy đồng ý, chứ không thì chúng tôi chẳng biết làm thế nào. Trẻ con thành phố khổ thật, nghỉ hè còn mệt hơn đi học, mà bố mẹ cũng rối đầu!” – chị Giang kết luận.

Những cách trên chỉ là một ví dụ trong hàng ngàn cách "đối phó" của cha mẹ với "mùa hè rực lửa" khi bọn trẻ không tới trường. Nhưng dù bằng cách nào, cho con đi học triền miên, "thả rông" cho con khám phá thiên thiên hay đem con lên cơ quan đi làm cùng... các cha mẹ có lẽ cũng cần để ý đến tâm sinh lý, sở thích và nhu cầu của trẻ, để trẻ có thể có một kỳ nghỉ hè đúng nghĩa và vui vẻ.

Theo Tri Thức Trẻ

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI