Coi chừng trẻ tử vong vì... thạch rau câu

Hóc dị vật, đặc biệt là thạch rau câu ở trẻ nhỏ vô cùng nguy hiểm. Bởi, dị vật cứng còn có thể văng ra khi trẻ ho, nhưng thạch rau câu mềm, to, dễ bít chặt đường thở.Đó là cảnh báo của ThS-BS Trần Thị Thu Loan, Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM.

banner ads

Tử vong vì đường thở bị bít nghẹt

Sự việc đáng tiếc, bé gái hai tuổi Lê Nguyễn Nguyệt C., ngụ ở Đồng Nai hóc thạch rau câu, nhập viện ngày 19/1 trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở như thêm một lời cảnh báo đối với phụ huynh. Đặc biệt, Tết đang tới gần, cha mẹ bận bịu, ít để mắt đến con hơn, trẻ có nguy cơ cao gặp phải rủi ro, trong đó có hóc dị vật.

Dịp Tết 2014, Khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp nhận hơn mười trường hợp trẻ hóc dị vật. Trong thạch rau câu là loại gây hóc cho trẻ mà các bác sĩ rất e ngại.

“Nếu hóc dị vật cứng nhỏ, trẻ có cơ may sống sót cao hơn vì dị vật này có thể rớt vào đường thở nhưng không bít hết. Nhưng khi ăn thạch rau câu to, mềm, trẻ sặc sẽ bị bít chặt đường thở, không ho ra được. Việc gắp cục thạch ra cũng rất khó bởi nó rất trơn”, ThS-BS Loan nói.

Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng biết cách sơ cứu để giúp trẻ nôn ói dị vật, nhiều người đã thò tay móc họng làm dị vật lọt sâu thêm, hoặc luống cuống ôm trẻ tới bệnh viện, khi tới nơi trẻ đã tím tái, tử vong vì nghẹt thở.

banner ads

Dù biết thạch rau câu nguy hiểm với trẻ em nhưng nhiều phụ huynh khi con đòi vẫn mua bởi sản phẩm này bắt mắt, có nhiều mùi vị thơm ngon và rẻ tiền. Cách các phụ huynh cho ăn cũng cần hết sức quan tâm. Chị Nguyễn Kim Liên, đường Nguyễn Thái Sơn, Q.Gò Vấp kể, chị thường cho con gái ba tuổi ăn thạch rau câu bằng cách tháo miếng ni lông trên nắp viên thạch ra rồi cho bé cầm. Bé sẽ dùng tay bóp cho thạch lọt vào miệng. “Nhưng đọc báo thấy có ca tử vong vì thạch vọt mạnh bít đường thở, tôi mới cảm thấy sợ vì trước nay mình thiếu quan tâm khi con ăn loại quà vặt này”, chị Kim Liên nói.

Một số phụ huynh khác cũng cho trẻ ăn trái cây hoặc các món ăn có độ dai, cứng với cách tương tự chị Liên. Mới đây, Bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp nhận một trường hợp hóc hột nhãn vô cùng nghiêm trọng. Bệnh nhân là bé trai, bốn tuổi, ngụ tại Q.Thủ Đức. “Hột nhãn vào thực quản, mắc lại, chèn ép vào khí quản. Lúc đưa tới bệnh viện, bệnh nhi đã tử vong”, ThS-BS Loan cho biết.

10753-12-hoc-di-vat.jpg

Ảnh minh họa

Nhiều trường hợp… bỏ quên dị vật

Ngoài những ca hóc dị vật khiến trẻ tử vong do không được sơ cứu kịp thời, Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng 2 còn điều trị cho rất nhiều bé bị... bỏ quên dị vật (trung bình mỗi năm khoảng 10 ca). Trẻ có thể hít, sặc dị vật, và dị vật lọt luôn vào khí, phế quản mà phụ huynh không biết, bởi bé chẳng hề có biểu hiện ho, tím tái.

Những trẻ có dị vật trong phế quản, ban đầu khò khè, sốt, khàn tiếng, nên rất dễ nhầm với viêm phổi, hen suyễn kéo dài. Độ tuổi của bệnh nhi bị bỏ quên dị vật thường từ một đến ba. Có những trường hợp đi phòng mạch tư, điều trị viêm phổi kéo dài nhiều tháng không đáp ứng, đến bệnh viện chụp phim mới thấy ứ khí trong phế quản.

Một số dị vật, bác sĩ phải soi mới thấy, chụp phim không phát hiện được các dị vật không cản quang (ví dụ như hạt bí, hạt dưa...). Nếu không được chẩn đoán và xử lý kịp thời, dị vật sẽ làm áp xe phổi, nguy cơ tử vong cao.

Một trường hợp bị dị vật bỏ quên hy hữu phải nằm viện nhiều tháng trời là bé Nguyễn Thị Y., ba tuổi, chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 2 với chẩn đoán khó thở do viêm phổi kéo dài. Khi kiểm tra, làm các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ bất ngờ bởi không biết bằng cách nào một cọng thép dẹp gập đôi lọt được vào trong thùy nhỏ, gần cuối lá phổi phải của bé. Do vị trí dị vật nằm khá phức tạp, bé Y. còn nhỏ nên không thể soi, gắp dị vật ra. Cuối cùng, để cứu sống bé, chuyên khoa ngoại đã phải hội chẩn, mổ cắt ngang phổi, lấy cọng thép ra ngoài.

Ngoài ra, còn có những dị vật vô cùng nguy hiểm khác được bác sĩ gắp ra từ phế quản của các bé: bóng đèn điều khiển ti vi, còi nhựa, hạt mãng cầu, mảnh xương heo sót lại trong cháo, hạt bí, hạt dưa...

Theo ThS-BS Loan, khi trẻ bị hóc, phải thực hiện động tác sơ cứu ngay, sau đó mới đưa đến bệnh viện. Với trẻ nhỏ, phụ huynh đặt bé nằm úp trên cánh tay, tay còn lại vỗ mạnh vào lưng trẻ. Trẻ lớn hơn thì quàng tay quanh ngực, sốc mạnh trẻ về phía sau. Động tác cấp cứu này nếu làm đúng sẽ khiến dị vật văng ra ngoài, tỷ lệ cứu sống lên tới trên 90%.

Theo PNO

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI