Sinh thường sẽ giúp sản phụ phục hồi nhanh hơn so với sinh mổ. Ảnh minh họa: Internet
Mổ lấy thai lặp lại và sinh thường sau mổ lấy thai đều có những nguy cơ như xuất huyết, nhiễm trùng, thuyên tắc do huyết khối… Sinh ngả âm đạo nếu được tư vấn cẩn thận sẽ giúp sản phụ giảm xuất huyết, nhiễm trùng và thời gian phục hồi nhanh hơn so với mổ lấy thai lặp lại.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, 60 - 80% sản phụ có thể sinh thường nếu trước đó sinh mổ. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo, phụ nữ đã mổ lấy thai một lần thường được khuyên ngừa thai khoảng 12 tháng sau đó. Nhiều trường hợp sau mổ lấy thai vẫn có thể sinh thường vào lần mang thai sau, tùy thuộc vào từng cá nhân và tiền sử sản khoa trước đó. Ví dụ, những phụ nữ phải mổ lấy thai lần trước do bất thường trong chuyển dạ thì cơ hội sinh thường sẽ ít hơn so với những phụ nữ mà nguyên nhân mổ lấy thai lần trước không còn tồn tại (ngôi mông). Sản phụ cũng có thể sinh thường nếu lần mang thai sau, thai phụ và thai nhi phát triển bình thường, trừ khi trong quá trình theo dõi và chuyển dạ, các bác sĩ phát hiện các bất thường khác: con to, ngôi thai không thuận, suy tim thai…
Đặc biệt, những phụ nữ đã từng có lần sinh thường sẽ có nhiều cơ hội sinh ngả âm đạo sau mổ lấy thai hơn những phụ nữ không có tiền căn sinh thường. Những sản phụ có nguy cơ cao không thể sinh thường sau khi mổ lấy thai gồm: mổ lấy thai với đường mổ cổ điển hay mổ chữ T, tiền căn vỡ tử cung hay phẫu thuật mở rộng qua đáy tử cung; mẹ lớn tuổi, mẹ bị thừa cân - béo phì, thai to (cân nặng từ 4 - 4,5kg), thai già tháng (từ 40 tuần trở lên), mẹ bị tiền sản giật, thời gian giữa hai lần sinh quá ngắn, vết mổ lấy thai bị nhiễm trùng sau mổ dẫn đến nguy cơ nứt vết mổ khi có thai lần hai.
Theo PN