Jennifer Pan, 28 tuổi. Ảnh: Washington Post
Đối với cha mẹ, Jennifer Pan, 28 tuổi, có lúc được xem như đứa con "vàng". Cô gái Canada, hiện sống ở thành phố Markham, phía bắc thủ đô Toronto, từng là sinh viên hạng A tại một trường học Công giáo, đã giành được rất nhiều học bổng và sớm được nhận vào trường đại học.
Đúng như mong muốn của cha, Pan tốt nghiệp trường chương trình dược sĩ uy tín tại trường đại học Toronto và đi làm cho phòng kiểm nghiệm máu tại bệnh viện SickKids.
Những thành tích của Pan từng khiến cho bố mẹ cô, bà Bich Ha và ông Huei Hann Pan, hết sức tự hào. Là những người tị nạn Việt Nam đến Toronto nhập cư, cả hai đã làm việc vất vả cho một nhà máy sản xuất bộ phận xe ôtô với hy vọng hai con sẽ có một tương lai tươi sáng.
Nhưng trong trường hợp của Pan, những thành tích hoàn hảo kia thực ra đều là dối trá. Cô đã không đỗ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hay trường đại học Toronto như lời cô nói với bố mẹ. Phiên tòa xét xử Pan vì tội thuê sát thủ giết hại cha mẹ đã kết thúc từ tháng 1 năm nay, và cô đang phải thi hành mức án dài trong nhà giam. Nhưng câu chuyện về người phụ nữ trẻ nhiều rắc rối này mới đây mới được một người biết rất rõ về cô kể lại.
Trong câu chuyện được đăng trên tạp chí Toronto Life hồi tuần trước, phóng viên Karren Ho, bạn học cùng cấp 3 của Pan, đã kể chi tiết những mánh khóe lừa dối mà cô thực hiện kể từ khi còn là học sinh trường cấp 2 Mary Ward Catholic để ngăn cho bố mẹ phát hiện ra rằng thực tế, đứa con vàng của họ không hề tồn tại.
Bằng việc sử dụng các chi tiết trong hồ sơ của tòa án và các đoạn phỏng vấn, Ho xâu chuỗi sự xuống dốc của Pan từ khi còn là một đứa trẻ tiểu học thông minh trước tuổi đến chỗ trở thành một kẻ nói dối chuyên nghiệp. Pan làm giả mọi giấy tờ từ báo cáo, thư từ học bổng, bảng điểm đại học... để giữ cho mình hình ảnh một đứa con hoàn hảo.
Ho miêu tả trường cấp ba nơi họ học chung "là một tập thể hoàn hảo cho những học sinh như Jennifer. Là một cô gái thích giao lưu, cô có thể làm bạn với rất nhiều loại người, từ các chàng trai, cô gái, người châu Á, người da trắng, vận động viên, mọt sách, người ham mê nghệ thuật... Ngoài giờ học ở trường, Pan thường bơi lội và tập võ wushu".
Nhưng rồi sau đó Ho nhận ra "sự thân thiện, tự tin của Pan chỉ là bề ngoài, đằng sau đó là sự giày vò bên trong, tự ti và nghi ngờ bản thân". Một trong những dấu hiệu nhận biết là Ho từng vài lần nhìn thấy các vết cắt ở tay do chính cô gây ra.
Thực tế, Jennifer Pan chưa từng đỗ vào trường đại học, và cũng chưa từng tốt nghiệp phổ thông.
"Bố mẹ của Jenniger cho rằng con gái mình là học sinh hạng A", Ho viết trong bài báo. "Nhưng sự thực là, cô ấy toàn dành được điểm B, loại điểm với phần đông bọn trẻ là một thành tích đáng ghi nhận nhưng điều này được coi là không thể chấp nhận trong gia đình nghiêm khắc của Pan. Vì thế cô luôn phải giả mạo các báo cáo từ trường gửi về trong những năm trung học.
Bố mẹ Pan, bà Bich Ha và ông Huei Hann Pan. Ảnh: Washington Post
Pan được mời vào trường đại học Ryerson ở Toronto từ khi còn đang ở ghế nhà trường, nhưng cô đã trượt cuộc thi toán cuối cấp và không thể tốt nghiệp trung học. Vì thế trường Ryerson rút lại lời mời. Không muốn bị cha mẹ phát hiện, cô đã nói dối rằng sẽ học hai năm chuyên ngành khoa học ở Ryerson trước khi chuyển trang trường đại học Toronto để theo đuổi ngành dược như mong muốn của cha.
Ông Hann rất vui và mua tặng con gái một chiếc laptop. Pan sau đó gom các sách vở cũ và mua các đồ dùng học tập. Đến tháng 9, cô giả vờ đi học như một sinh viên thực sự. Đến kỳ đóng học phí, Pan lại tự bịa ra các giấy tờ thông báo rằng cô được chương trình hỗ trợ sinh viên cho vay tiền và giành được học bổng 3.000 USD. Mỗi ngày, cô cầm cặp sách và bắt tàu điện ngầm đến trung tâm. Bố mẹ cô đều tưởng con gái đến lớp học, nhưng thực tế, Pan tới các thư viện công cộng.
Cô gái trẻ sau đó giả vờ chuyển sang học ở trường Toronto, và khi lễ tốt nghiệp tới, Pan nói với bố mẹ rằng không có đủ vé để tham dự buổi lễ, vì thế dù rất muốn họ cũng không thể tới được.
Lúc này, bố mẹ Pan bắt đầu thấy nghi ngờ, họ điều tra con gái và phát hiện ra sự thực. Khi Pan thú nhận đã nói dối, cuộc sống trong gia đình cô nhanh chóng bị đảo lộn.
Bà Bich Ha và ông Hann đã nuôi dạy Jennifer Pan và em trai cô, Felix, với niềm tin vào sự quan trọng của các thành tích ở trường. Họ cấm hai chị em cô được tham gia vào các buổi tiệc tùng, vui chơi. Việc hẹn hò cũng bị cấm đoán. Trong ngôi nhà của họ ở Markham, ông bà Hann chỉ trưng bày các thành tích mà Pan đạt được.
Khi bố mẹ Pan biết rằng những nỗ lực của họ đều đã đổ xuống sông xuống bể, họ lại đặt ra những quy định nghiêm ngặt hơn với con gái. Không điện thoại. Không laptop. Không còn những cuộc hẹn hò với bạn trai, Daniel Wong.
Kể cả đến khi được tự do hơn, Pan vẫn không nguôi giận. Cô nghĩ cuộc đời mình sẽ tuyệt vời ra sao nếu không còn cha mẹ nữa. Vì thế, cùng với sự giúp đỡ của Daniel, Pan lên kế hoạch giết hại hai con người đã khiến cuộc sống cô giống như bị "giam giữ tại gia".
Trong kế hoạch sát hại này, Pan đóng vai trò một nhân chứng vô tội khi ba kẻ sát nhân David Mylvaganam, Lenford Crawford và Eric Carty bắn chết mẹ cô và làm bố cô trọng thương. Cô gọi cho 911 và tỏ ra sợ hãi.
Ban đầu vụ án được cho là giết người cướp của, nhưng vài tuần sau cảnh sát điều tra và phát hiện ra Pan đã nói dối. Phiên tòa xét xử diễn ra hồi tháng 1 năm nay đã kết án Pan cùng 3 đồng phạm gồm Wong, Mylvaganam và Crawford tội danh giết người cấp một và âm mưu giết người. Cả ba phải ngồi tù chung thân, không ân xá trong 25 năm. Carty, kẻ chưa nhận tội, sẽ được xét xử riêng.
Kể từ khi những thông tin trên được công bố trên Toronto Life hôm 22/7, bài báo đã được chia sẻ rộng rãi trên Facebook, đánh trúng vào tâm lý của các thanh thiếu niên nhập cư gốc Á ở Canada và Mỹ. Họ đổ lên mạng và chia sẻ những câu chuyện của chính bản thân mình từ thời niên thiếu khi luôn phải sống với những kỳ vọng từ cha mẹ và nỗi sợ hãi nếu không đạt được những kỳ vọng đó.
Bà Jennifer Lee, giáo sư xã hội học thuộc đại học California Irvine, chuyên gia về người Mỹ gốc Á, cho rằng sẽ làm sai lầm khi quy kết những vấn đề của Pan là do cách nuôi dạy từ cha mẹ. Mặc dù rõ ràng bố mẹ Pan khiến cô cảm thấy mình bị mắc kẹt trong những thành tích, những kỳ vọng từ thầy cô, bạn bè, nhà trường đối với những người như Pan để trở thành một học sinh xuất sắc cũng cần được bàn tới.
Một thành viên của Reddit bình luận về câu chuyện này rằng: "Nó khiến tôi bị ám ảnh, bởi cuộc đời tôi cũng tương tự cô ấy. Tôi xuất thân từ một gia đình châu Á, mang nặng tư tưởng của người nhập cư. Tôi từng là học sinh giỏi ở trường trung học, được nhận học bổng từ các trường và được lựa chọn trường mình muốn. Và rồi mọi thứ trượt dốc từ đó".
Chàng trai này cũng đã sống ở nhà và giả vờ như đang có một công việc đáng ngưỡng mộ.
"Bố mẹ cho tôi tất cả những gì tôi thích, họ đã phải hy sinh rất nhiều để tôi thành công, và đây là kết quả". Nhưng không giống Pan, anh ta "chấp nhận tất cả những điều kiện của cha mẹ để chỉnh đốn cuộc sống mình
"Tôi không đồng cảm với Jennifer Pan chút nào bởi tôi cũng đã ở trong hoàn cảnh như cô ấy. Sau khi phát hiện ra việc tôi lừa dối, phản ứng của cha mẹ tôi cũng phản ứng giống như cha mẹ cô ấy. Nhưng tôi sử dụng chính cơ hội đó để tìm lại cuộc sống của mình, còn cô ta thì phá hỏng nó", người này viết tiếp.
Theo ngoisao
Nguồn Washington Post