Tìm con sống trong đống xác chết
Anh Nguyễn Văn V. sinh năm 1987, trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội bị chứng không có tinh trùng. Hai vợ chồng anh cưới nhau nhưng chưa có con nên đến bệnh viện khám. Bác sĩ chẩn đoán vô sinh do không có tinh trùng trong tinh dịch.
Những bác sĩ căng mắt tìm từng con tinh trùng.
Những ngày đầu, khi nghe bác sĩ nói không có tinh trùng, anh V. và vợ anh vô cùng lo lắng vì nghĩ không có tinh trùng là không có cơ hội có con. Tuy nhiên, được các bác sĩ giải thích về việc điều trị không có tinh trùng và làm thụ tinh trong ống nghiệm để sinh con. Anh V. đã làm vi phẫu tắc ống dẫn tinh nhưng vẫn không có hiệu quả.
Anh đã tìm đến trung tâm mô phôi của trường Đại học Y Hà Nội để xin làm thụ tinh trong ống nghiệm. Các bác sĩ phải chọc tinh trùng từ mào tinh. Tuy nhiên, chất lượng tinh trùng vô cùng ít. Bới từ hàng triệu con tinh trùng chết, các bác sĩ chỉ gom nhặt được vài con tinh trùng còn sống. Sau đó bác sĩ làm thụ tinh trong ống nghiệm.
May mắn, vợ chồng anh V. thực hiện lần đầu tiên đã thành công. Đến nay vợ anh đang mang thai hơn 20 tuần.
Nói về công việc “săn con giống" cho người bệnh, PGS Nguyễn Khang Sơn – Phó trưởng bộ môn Môi – Phôi của trường Đại học Y Hà Nội kể rằng: Với những người nghiên cứu về mô – phôi như ông và các đồng nghiệp khác, chuyện ngồi cả buổi 3 – 5 tiếng đồng hồ, mắt hoa cả lên để cố tìm những con tinh trùng sống là chuyện bình thường.
Có khi ông căng hết mắt để bới tìm những con tinh trùng sống sót trong hàng triệu xác chết. Chỉ thấy có dấu hiệu động đậy là các bác sĩ phải “bắt ngay”. Các thiết bị bắt con tinh trùng là những chiếc kim chuyên biệt. Sau khi “bắt” các bác sĩ phải “đánh gãy đuôi” nó ngay lập tức.
Nhiều khi, ông và các đồng nghiệp phải cố gắng “nuôi thêm” con tinh trùng để nó trưởng thành hơn rồi mới bắt nó ra mang đi tiêm vào noãn tương. Mỗi lần tiêm vào noãn tương, các bác sĩ lại vỗ nhẹ nhẹ như muốn dặn dò, gửi gắm “nhớ thụ tinh đấy nhé”.
PGS Sơn chia sẻ để có một ca thành công, các bác sĩ cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Nhiều khi người bệnh không bao giờ biết được điều đó. Có khi họ chỉ biết mình không có tinh trùng, phải chọc hút từ mào tinh, từ tinh hoàn chứ họ không biết phải làm như thế nào để “bắt” được nhưng chú tinh trùng rồi mang đi tiêm vào tương noãn.
Lục lọi từ những tế bào teo tóp
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thành Như – Nguyên trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân, tp.HCM cho biết ông cũng gặp rất nhiều trường hợp không có tinh trùng và các bác sĩ phải lục lọi từng tìm con một cho bệnh nhân.
Có một bệnh nhân bị bác sĩ kết luận không có tinh trùng ở Bệnh viện Từ Dũ và khuyên nên xin tinh trùng để làm thụ tinh trong ống nghiệm nhưng bệnh nhân xin chuyển khoa khám tiệt niệu. Bác sĩ phẫu thuật vi phẫu nhưng vẫn không có kết quả.
Tiến sĩ Như cho biết lúc đầu ông mổ sinh thiết thì hai tinh hoàn chỉ toàn tế bào teo quắt. Vợ chồng bệnh nhân ra về trong hi vọng mong manh để có con. Ba năm sau, anh lại đến chỗ bác sĩ Như khám một lần nữa. Bác sĩ đã mổ lại cho anh bằng kỹ thuật vi phẫu tích mô tinh hoàn. Ca mổ đó, bác sĩ đã kiên trì “lục lọi” trong đám tế bào quắt queo đó, thật may mắn, họ lại tìm thấy vài ổ tinh trùng còn sót lại. Tiến sĩ Như cho biết có tinh trùng tức là có “vốn” rồi, hy vọng được thắp lên. Vợ chồng họ khóc òa trong niềm vui khôn xiết. Anh tưởng mình không bao giờ được làm cha sinh học (cha đẻ) nữa. Khi biết mình chỉ còn một chút “vốn” ít ỏi. Anh chị quyết định chuyển qua làm thụ tinh trong ống nghiệm.
Số lượng tinh trùng ít ỏi của người chồng được gửi trong ngân hàng và được các bác sĩ gắp nhặt để trộn với trứng được 7 phôi để làm thụ tinh cho người bệnh.
Ngày xưa, với những người không có tinh trùng, hầu như họ không thể có con được và để có con phải xin từ ngân hàng nhưng ngày nay các bác sĩ có thể sử dụng kỹ thuật vi phẫu hoặc sinh thiết tìm tinh trùng cho người bệnh rồi mang đi thụ tinh trong ống nghiệm.
Theo infornet