Ôm đồm hết mọi việc
Tự làm lấy mọi khâu khi chuẩn bị đám cưới khiến cô dâu kiệt sức
Ai cũng ý thức được rằng ngày trọng đại của mình chỉ có một. Dĩ nhiên, điều đó thôi thúc bạn luôn cầu toàn. Vì thế, không khó hiểu có nhiều người lại thích tự tay làm lấy tất cả mọi việc để chuẩn bị cho đám cưới của mình. Với núi công việc cần làm, rõ ràng điều này sẽ khiến bạn gục ngã ngay trước thềm đám cưới. Nếu không muốn kịch bản này lặp lại với mình, hãy san sẻ một phần công việc cho những người thân và người bạn đời của mình.
Phó mặc mọi việc cho người khác
Trái với thái độ cầu toàn trên là một sự thong dong, vô tư lự đến mức đáng trách khi một số người lại thích phó mặc khâu chuẩn bị đám cưới cho người khác. Hãy biết cân nhắc việc gì mình cần can thiệp trực tiếp, việc gì cần nhờ đến người khác để bố trí thời gian và sắp xếp công việc sao cho thật hợp lý. Có như vậy, bạn mới thực sự an tâm mọi thứ sẽ suông sẻ trong ngày vui nhất của đời mình.
“Vung tay quá trán”
Tổ chức đám cưới trong khả năng cho phép
Một đám cưới bao gồm rất nhiều khoản chi. Có những khoản cần thanh toán với số tiền lớn. Và cũng có những khoản phát sinh hoặc chi phí lặt vặt. Những điều này ít ai để ý đến nhưng nó sẽ ngốn một phần của chi phí dự trù ban đầu. Do đó, hãy cân nhắc khả năng tài chính của cả hai bên cô dâu và chú rể để có một đám cưới với niềm vui trọn vẹn. Bạn sẽ thực sự cảm thấy lo lắng sau đám cưới nếu bị dồn trước một số nợ phát sinh không nhỏ. Việc “kéo cày trả nợ” quả thực là một cái kết không vui cho đôi vợ chồng son.
Mời khách quá tràn lan
Một sai lầm của rất nhiều người là thường mời khách quá tràn lan, những vị khách chỉ quen biết sơ sơ, hay những người bạn mà lâu ngày không gặp hay cả những người mới quen biết. Điều này là không nên, đám cưới chỉ nên mời những người thân quen, thường xuyên gặp gỡ. Vì nếu bạn mời tràn lan sẽ khiến bạn không thể kiểm soát được lượng khách mà còn làm đám cưới của bạn bị loãng, và mất đi sự ấm cúng.
Lo lắng thái quá
Tất nhiên, có rất nhiều điều cần phải lo cho một đám cưới. Nhưng không vì thế mà bạn đẩy mình trượt theo những lo lắng thái quá làm ảnh hưởng đến tinh thần và nhan sắc trước khi cưới. Hãy nghĩ đơn giản ai cũng sẽ phải trải qua điều này trong đời. Khả năng của bạn đến đâu hãy làm trọn vẹn đến đó. Điều quan trọng nhất cần làm trong trường hợp xấu nhất khi có mâu thuẫn giữa hai bên gia đình hoặc giữa hai bạn là giữ bình tĩnh. Đừng để những chuyện nhỏ nhặt phá vỡ niềm vui lớn đang chờ đợi phía trước. Đừng quên thực hiện một chế độ ăn uống và nghỉ ngơi điều độ để lấy sức chạy việc.
Nhìn sang đám khác
Người bạn đời là đích đến sau cùng của mọi đám cưới
Thật sai lầm nếu bạn đem so sánh đám cưới của mình với người khác. Có thể bạn ao ước một đám cưới thật hoành tráng để đãi bạn bè nhưng thực tế lại không như vậy và sinh ra hụt hẫng. Hoặc bạn muốn người bạn đời của mình phải thật hoàn hảo trong ngày cưới nhưng cô dâu/ chú rể lại không có được sự hòa hợp ấy và chỉ còn lại sự thất vọng.
Hãy nghĩ xem bạn làm đám cưới vì điều gì và cho ai? Nếu làm cho người khác thấy và ngưỡng mộ không thôi thì bạn đã quá nông cạn. Sự hoàn hảo là điều hướng đến nhưng nó sẽ không là gì nếu khiến bạn không nhận ra rằng người bạn đời của mình mới là đích đến sau cùng của đám cưới.
Sắp xếp chỗ không hợp lý
Sắp xếp chỗ ngồi hợp lý cho khách là điều cần thiết
Trong tiệc cưới, thường có rất nhiều thành phần khách mời khác nhau, và bạn bè của cô dâu chú rể, vì vậy khi lên danh sách nên theo nhóm khách mời để khi lên bàn tiệc, bạn yêu cầu nhà hàng làm sơ đồ bàn tiệc theo nhóm đó. Làm như vậy, khách mời tiệc sẽ không cảm thấy lạc lỏng, vì bàn tiệc được sắp xếp theo nhóm khách mời quen biết ngồi với nhau. Điều này thể hiện sự chu đáo của bạn khách mời và tạo tâm lý vui vẻ cho tiệc vui của bạn.
Kiểm tra nhạc của tiệc cưới
Thông thường, bạn phải thỏa thuận nhạc cưới với nhà hàng trước và điều này được ghi rõ trong hợp đồng. Còn nếu phần nhạc bạn tự túc thì bạn nên nhờ một người rành về âm nhạc để họ có thể đảm trách công việc này được tốt hơn.
Cô dâu, chú rể nhịn đói trong bữa tiệc
Rất nhiều người cảm thấy căng thẳng nên không thể ăn uống trước khi bữa tiệc diễn ra. Điều này là không tốt chút nào vì bạn sẽ không thể tươi cười vui vẻ được với cái bụng rỗng. Vì vậy, trước khi tiệc cưới diễn ra, hai bạn nên tranh thủ ăn uống để đảm bảo sức khỏe tiếp đón khách khứa được chu đáo hơn.
Yeutre.vn (Tổng hợp)