Đây là bệnh liên quan đến tình trạng viêm ở vùng tai giữa. Khi khám viêm tai, bác sĩ thường chú ý tới dạng viêm tai giữa cấp - hiện tượng có dịch, điển hình là mủ, tích tụ trong tai giữa, gây đau, đỏ màng nhĩ và sốt. Có một số dạng viêm tai giữa khác nhau.
Nguyên nhân
Viêm tai giữa ở trẻ em thường là viêm cấp tính do nhiễm trùng
Viêm tai giữa ở trẻ em thường là viêm cấp tính do nhiễm trùng hoặc ứ đọng dịch trong hòm nhĩ gây ra. Viêm tai giữa có thể do một hoặc nhiều nguyên nhân, cụ thể chia làm 2 nhóm:
Nguyên nhân tự thân: Do hệ thống miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện, mắc những bệnh bẩm sinh về miễn dịch. Những trẻ có cấu trúc giải phẫu học bất thường vùng mũi - họng (như hở vòm hầu), viêm VA; trẻ bị tình trạng rối loạn chức năng vòi nhĩ…
Nguyên nhân do sự tác động từ bên ngoài: Trẻ nằm bú sữa bình không cẩn thận khiến sữa tràn vào trong tai gây viêm; trẻ bị cảm lạnh; chọc ngoáy tai; bị tát; hít khói thuốc là và các tác nhân như phấn hoa, bụi, lông thú vật; chất xuất tiết ở mũi họng lan lên tai giữa khiến tai giữa bị viêm nhiễm…
Viêm tai giữa phổ biến ở bé trai hơn bé gái, đặc biệt là những em có tiền sử bệnh trong gia đình. Bệnh cũng thường xảy ra vào mùa đông, mùa của các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên và cảm lạnh.
Giai đoạn ủ bệnh và phát bệnh
Ủ bệnh
Ở giai đoạn đầu, biểu hiện của bệnh viêm tai giữa không rõ rệt, trẻ không sốt, không đau tai, rất ít khi ù tai, không chảy dịch. Triệu chứng duy nhất là trẻ bị nghễnh ngãng và lầm tưởng trẻ thiếu tập trung. Khi chuyển sang giai đoạn mạn tính mới có hiện tượng chảy mủ tai. Nếu phát hiện sớm, bác sĩ sẽ chủ động chích rạch dẫn lưu hoặc sau khi vỡ mủ được điều trị cẩn thận thì bệnh sẽ khỏi sau 1-2 tuần, không để lại di chứng.
Phát bệnh
Biểu hiện bệnh có thể đi từ nhẹ đến nặng:
- Tư thế nằm, nhai và bú có thể gây ra những cơn đau do sự thay đổi áp suất trong tai giữa. Vì thế, trẻ thường ăn ít hơn hoặc khó ngủ.
Cần được bác sĩ thăm khám và chỉ định điều trị, theo dõi chặt chẽ các biến chứng
- Dịch trong tai giữa đọng nhiều, thúc ép lên màng nhĩ gây đau tai. Do đó, trẻ lớn có thể kêu tai, còn trẻ nhỏ thì có thể kéo giật tai mạnh, hoặc có biểu hiện khó chịu và khóc nhiều hơn bình thường.
- Nếu áp suất từ dịch tích tụ quá nhiều, nó có thể làm thủng màng nhĩ, dẫn tới rò rỉ dịch trong tai. Hiện tượng này sẽ làm giảm áp suất dưới màng nhĩ, khi đó trẻ sẽ bớt đau hơn.
Ngoài ra, chất dịch đọng trong tai giữa có thể gây cản trở đường truyền âm thanh, dẫn tới tình trạng khó nghe tạm thời.
Lưu ý các triệu chứng có thể xuất hiện riêng lẻ hoặc cùng lúc. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, vài ngày sau (2-3 ngày) bệnh sẽ tiến triển sang giai đoạn vỡ mủ do màng nhĩ bị thủng, mủ tự chảy ra ngoài. Khi đó trẻ sẽ đỡ sốt, bớt khóc, ăn được, ngủ được, hết rối loạn tiêu hóa, đi ngoài trở lại bình thường, không kêu đau tai nữa.
Các bà mẹ thường lầm tưởng bệnh đã lui nhưng thực ra bệnh đã bắt đầu chuyển sang giai đoạn mãn tính, và thường chảy mủ tai tái đi tái lại có thể làm tổn thương màng nhĩ, xương tai và cấu trúc tai giữa, có thể gây điếc vĩnh viễn.
Viêm tai giữa có lây?
Bệnh viêm tai không truyền nhiễm, song do có liên quan đến chứng cảm lạnh (rất dễ lây lan) nên nó cũng có thể phát tán.
Bệnh kéo dài trong bao lâu?
Viêm tai giữa thường tự biến mất trong 2-3 ngày, thậm chí không cần bất kỳ liệu pháp đặc trị nào. Nếu bác sĩ cho trẻ dùng kháng sinh thì liệu trình 10 ngày là tối đa. Đối với những trẻ từ 6 tuổi trở lên bị viêm nhẹ hoặc trung bình, chỉ nên dùng một liều kháng sinh từ 5-7 ngày.
Tuy nhiên, kể cả sau khi đã điều trị bằng kháng sinh hết một đợt viêm, dịch vẫn có thể đọng lại trong vùng tai giữa trong vài tháng sau đó.
Biến chứng nguy hiểm
Viêm tai giữa cấp ở trẻ nhỏ có thể gây thủng màng nhĩ, làm tiêu xương... ảnh hưởng đến khả năng nghe của trẻ và dẫn đến rối loạn ngôn ngữ. Nếu không được điều trị triệt để, bệnh có thể gây các biến chứng nhiễm trùng sọ não rất nguy hiểm như viêm màng não, áp xe não, viêm tắc tĩnh mạch bên hoặc gây liệt dây thần kinh mặt (dây số 7).
Chẩn đoán và điều trị
Chữa trị theo Tây y
Nếu thấy trẻ có dấu hiệu viêm tai, hãy đưa trẻ đi khám ngay. Cho đến nay, không có phương pháp duy nhất điều trị tất cả các loại viêm tai giữa.
Nếu thấy trẻ có dấu hiệu viêm tai, hãy đưa trẻ đi khám ngay
Trong thực tế, do tính chất tự khỏi của bệnh nên một số chuyên gia cho rằng có thể dùng phương pháp “đợi và xem xét”. Theo đó, người ta sẽ cho trẻ thuốc giảm đau thay vì kháng sinh trong một vài ngày.
Việc có nên dùng kháng sinh hay không vẫn cần thời gian xem xét, trong khi đó, có thể giúp bé giảm đau và hạ sốt bằng acetaminophen, ibuprofen hoặc thuốc nhỏ tai giảm đau, miễn là màng nhĩ chưa bị thủng.
Biện pháp phẫu thuật ống tai cần được áp dụng cho một số trẻ bị mất thính giác liên tục. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ khuyên phẫu thuật đưa các vòi đặc biệt có tên là tympanostomy vào màng nhĩ. Nó cho phép dịch từ tai giữa chảy ra ngoài, giúp cân bằng áp suất trong tai khi mà vòi Ot-tát không thể đảm nhiệm việc này.
Ngoài ra cũng nên lưu ý rằng, viêm tai giữa là một bệnh dễ tái phát, vì thế, trẻ cần được theo dõi thường xuyên ở các cơ sở y tế chuyên khoa.
Chữa theo kinh nghiệm trong dân gian
Mẹ nên vệ sinh sạch sẽ mủ trong tai cho bé. Sau đó, thổi khoảng 0,5g bột tử hà sa vào tai, nhớ là càng sâu càng tốt. Nếu thổi đúng cách thì bệnh nhẹ chỉ một lần là khỏi, còn bệnh nặng thì thổi bột tử hà sa ngày 2 lần, khoảng 3 – 4 ngày điều trị sẽ khỏi.
Khi nào trẻ bị VTG cần nhập viện?
Khi có các biểu hiện xấu như sốt, nôn nhiều, nhức đầu, rét run, tổng trạng suy sụp, trẻ lớn kêu chóng mặt. Những trẻ dưới 4 tháng tuổi khi có biểu hiện của VTG nên nhập viện để điều trị và theo dõi vì hệ thống miễn dịch của bé chưa phát triển hoàn chỉnh, dễ có biến chứng nặng và nguy hiểm.
Thường viêm tai xuất phát sau viêm mũi họng. Khoảng 2/3 số trường hợp VTG cấp là do vi khuẩn trong đó hay gặp nhất là phế cầu, đó cũng chính là những vi khuẩn gây viêm phổi, vì thế phải dùng kháng sinh để điều trị ngay. Kết hợp các thuốc hạ sốt, giảm đau, chống viêm, các thuốc nhỏ mũi kết hợp nhỏ tai.
Chăm sóc và phòng bệnh
Khi đã xác định trẻ bị viêm tai giữa do nhiễm khuẩn, bác sĩ sẽ cho trẻ dùng kháng sinh từ 5 - 10 ngày. Thuốc có hiệu quả, trẻ sẽ khá hơn trong một vài ngày, nhưng bạn đừng ngừng thuốc quá sớm có thể làm cho viêm tái phát và làm cho vi khuẩn kháng thuốc.
Chăm sóc trẻ bị bệnh: Dùng thuốc giảm đau như acetaminophen đúng liều theo tuổi và cân nặng của trẻ, theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc hướng dẫn sử dụng ghi trên hộp thuốc. Không dùng thuốc aspirin cho trẻ dưới 16 tuổi. Chườm ấm tai bằng cách dùng vải dấp nước ấm chườm để giảm đau cho trẻ. Nhỏ tai bằng thuốc có chứa thuốc gây tê theo đơn của bác sĩ để giảm đau. Không dùng thuốc nhỏ tai nếu trẻ có chảy nước tai. Để làm trẻ dễ chịu hơn, cha mẹ hãy âu yếm trẻ.
Cách phòng bệnh
Nuôi con bằng sữa mẹ ít nhất trong năm đầu là cách phòng ngừa bệnh
- Các bà mẹ nên nuôi con bằng sữa mẹ ít nhất trong năm đầu vì sữa mẹ truyền miễn dịch, giúp bảo vệ trẻ chống lại viêm tai giữa và các bệnh nhiễm khuẩn khác.
- Tránh cho trẻ hít phải khói thuốc lá
- Giữ gìn vệ sinh mũi họng hằng ngày cho bé sạch sẽ, hạn chế tối đa trẻ bị viêm mũi họng. Nếu trẻ hay bị chảy nước mũi, ho có đờm cần phải điều trị khỏi dứt điểm. Với trẻ nhỏ thì dùng dụng cụ hút sạch nước mũi. Trẻ lớn hơn thì hướng dẫn cách xì mũi, khạc đờm là tốt nhất.
- Khi trẻ nôn trớ, không nên đặt trẻ nằm đầu thấp vì chất nôn dễ tràn vào tai giữa.
- Nếu trẻ đang ở tuổi ăn dặm, các mẹ tuyệt đối không cho trẻ nằm ăn, vì rất có thể khi trẻ ho, sặc, thức ăn dạng lỏng dễ tràn lên tai giữa.
- Khi gội đầu cho trẻ, tránh để nước chảy vào tai.
- Người có yếu tố tiền sử càng cần chú ý khi có dấu hiệu đau tai và sốt.
- Rửa tay sạch, cả trẻ và cha mẹ giúp giảm nguy cơ truyền bệnh.
- Cho trẻ tiêm chủng đúng lịch, giúp ngăn ngừa viêm tai.
- Trong điều kiện thời tiết mùa đông khô hanh như ở miền bắc thì các mẹ nên nhỏ nước muối sinh lý vào hốc mũi cho trẻ mỗi ngày để đường mũi được thông thoáng, đỡ viêm nhiễm. Mỗi sáng nhỏ vài giọt vào sâu trong miệng để sát trùng họng cho trẻ.
- Khi bị bệnh cần được bác sĩ thăm khám và chỉ định điều trị, theo dõi chặt chẽ các biến chứng. Nếu trẻ bị viêm mũi họng và viêm VA thì phải điều trị dứt điểm, đúng cách vì đó là nguyên nhân gây viêm tai giữa.
Yeutre.vn (Tổng hợp)