Ảnh: womenonthefence.com
Và họ làm việc đó, bất kể chúng có cần trợ giúp hay không!
Vâng, bạn có thể cười nhạo bậc phụ huynh nào đó quanh mình khi nghe đến cụm từ này. Nhưng rồi bạn thử nhìn lại và cảm thấy hình như trong vài phạm vi hay lĩnh vực nào đó, bạn cũng từng là một “phụ huynh trực thăng” đó thôi. Nhất là trong kỷ nguyên số này.
Có ông bố, bà mẹ nào không ít nhất một lần tự hỏi con mình đang gõ gì trên bàn phím, chat với ai, nói những chuyện gì? Không ít bà mẹ xin kết bạn với con trên Facebook chỉ để kiểm soát con từ xa (và đã có trường hợp họ bị con “unfriend” vì cứ không muốn bạn bè cười nhạo là được mẹ “úm” ngay trên mạng xã hội).
Làm “trực thăng” cho con thì có gì là xấu? Bà Noemi Lardizabal-dado, một bà mẹ và một nhà tư vấn Philippines trong một bài viết liên quan đến vấn đề này (1), khẳng định sở dĩ các phụ huynh được khuyến cáo thôi làm trực thăng là bởi một phần của sự trưởng thành là phải tự đứng trên đôi chân của mình.
Nếu trẻ em không được tự giải quyết những vấn đề của mình trong một số tình huống, chúng sẽ không bao giờ lớn theo cách bạn mong muốn cả.
Làm sao để biết bạn có phải là “cha mẹ trực thăng”? Tạp chí online Nanypro.com đã giới thiệu 10 điểm giúp bạn nhận diện vấn đề này (2). Bạn là một cha mẹ trực thăng khi:
1. Bạn sợ tất cả mọi thứ. Bạn không thể cho con chơi ngoài sân mà không để mắt đến. Bạn sợ chúng sẽ bỏ ngủ trưa, sợ chúng bị tai nạn.
Một phần của vấn đề là Internet và tin tức truyền hình cáp quá phổ biến khiến mỗi tai nạn hay mỗi trường hợp trẻ em mất tích đều được dành quá nhiều thời gian trên sóng. Hãy đánh giá đúng những nguy cơ thật.
2. Bạn sợ con mình có thể chết nếu không được giám sát. Nhưng bạn cũng cần nhớ rằng tỉ lệ tử vong của trẻ em - kể cả do bệnh tật và tai nạn - hiện nay đã thấp hơn 25 năm trước rất nhiều.
3. Bạn sợ con mình bị bắt cóc. Người ta tính ra chỉ có một trên 1 triệu trường hợp một đứa trẻ có thể bị người lạ bắt.
4. Bạn sợ con bị lạm dụng tình dục nên không thể rời mắt khỏi con? Các thống kê cho thấy 90% trường hợp lạm dụng tình dục là do một kẻ nào đó mà trẻ biết, một thành viên gia đình, một người bạn, một giáo viên.
Bạn có thể chuẩn bị cho con mình chứ không nên che giấu hay ngại ngùng khi chỉ dẫn.
5. Bạn luôn biết trẻ nên phải làm gì. Nhiều bậc cha mẹ quen sắp xếp giờ giấc của con mình, không cho chúng tham gia những hoạt động bổ ích khác bởi cho rằng để con một mình là hiểm họa. Trong khi đó, chúng cần được tự tạo ra những hoạt động và biểu thời gian của riêng mình.
Sau rốt thì bạn không thể ở bên cạnh chúng suốt đời hay bảo chúng phải làm gì ở tuổi 30. Hãy để chúng học từ bây giờ thay vì để chúng phải vất vả sau này.
6. Bạn không dám bỏ đứa con đã 12 tuổi ở nhà một mình. Nhưng cái gì cũng phải có lần đầu tiên. Nên bạn hãy thử vắng nhà, lúc đầu là trong một thời gian ngắn: vài phút chạy qua nhà hàng xóm hay mấy bước ra cửa hàng mua sữa để xem trẻ sẽ làm gì.
7. Bạn biết trẻ không an toàn khi đi ngoài phố. Vậy hãy dạy chúng luật giao thông ngay từ bây giờ, chỉ cho chúng thế nào là an toàn.
8. Bạn cho rằng con mình không có trách nhiệm. Tất cả tùy thuộc vào những vấn đề phát triển, sự trưởng thành và việc hình thành cảm xúc lẫn tâm lý của trẻ, mức độ thoải mái của trẻ khi xử lý tình huống, cách phán xét chung của trẻ.
Làm sao chúng biết có thể làm gì nếu không bao giờ bạn để chúng làm bất cứ điều gì?
9. Bạn biết hiện giờ cuộc sống nguy hiểm hơn thời bạn trẻ. Với giao thông ngày càng đông đúc và vỉa hè ngày càng chật hẹp, các bậc cha mẹ hiện đại dẫu sao vẫn có lợi thế hơn chính cha mẹ họ: điện thoại di động.
Bạn có thể kiểm tra con bất cứ lúc nào, dặn con nhắn tin khi đến nơi. Nếu chúng không làm đúng theo thời gian quy định, hãy gọi. Chúng sẽ nhận ra thông điệp và trở nên độc lập hơn.
10. Bạn theo chân con và bạn bè khi chúng cắm trại! Quá đủ. Điều đó không cho phép. Nếu con bạn ở trong một nhóm bạn có trách nhiệm và chúng đang đi bộ, chạy xe đạp hay bận rộn đâu đó, đừng theo dõi chúng.
Bạn đang làm xói mòn lòng tin của bạn bè dành cho con bạn làm chúng trở nên bực bội. Hãy học cách thư giãn, lùi lại, cả hai sẽ hạnh phúc hơn.
Hãy yên tâm để trẻ sống cuộc đời của nó, chỉ cần bảo đảm chúng biết làm gì trong trường hợp khẩn cấp. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy con mình có trách nhiệm như thế nào.
Và bằng cách đó bạn đang dạy cho trẻ một bài học giá trị - làm sao để tự chăm sóc chính mình.
Hãy để mọi thứ từ từ diễn ra. Bắt đầu từ khi trẻ 8 tuổi, hãy xác định phải “cai” con bạn khỏi sự kềm cặp của bạn... Hãy cho con những lời khuyên, cho con một khởi đầu đúng, và phải để chúng ra đi. Chúng có quyền sống cuộc đời của mình.Noemi Lardizabal-dado
Theo TTCT