Bánh trung thu loại thập cẩm. Ảnh: D.Lê
Theo Cục An toàn thực phẩm, khi chọn mua và sử dụng bánh trung thu, cần lưu ý những tiêu chí như sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng, có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản... Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn dùng. Bánh phải được bày bán ở nơi hợp vệ sinh, có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản theo đúng quy định ghi trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.
Ngoài những tiêu chí trên, bằng cảm quan và trực quan, người dùng có thể nhận biết sản phẩm không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ. Đặc biệt là không lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu.
Bánh trung thu loại đậu xanh. Ảnh: D.Lê
Để giữ gìn sức khỏe và không bị ngộ độc, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dùng lưu ý: Bánh mua về phải được bảo quản ở nơi sạch sẽ, được che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản theo đúng quy định ghi trên nhãn của nhà sản xuất. Chỉ ăn bánh còn hạn sử dụng, không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ. Rửa tay sạch trước khi cắt, chia bánh và ăn bánh. Không ăn quá nhiều bánh và các thực phẩm giàu đạm, mỡ, đường trong khẩu phần ăn để tránh rối loạn tiêu hóa.
Theo VNE