Cẩm nang hướng dẫn đi du lịch Nha Trang – Khánh Hòa từ A tới Z

Nha Trang là một trong những vùng đất sở hữu nhiều vịnh biển đẹp nhất thế giới. Đến Nha Trang bạn sẽ được hòa mình vào với biển, chiêm ngưỡng thiên đường chốn trần gian.

banner ads

Ngoài ra, đến đây du khách sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động gắn liền với biển như đi tàu đáy kính, lặn biển ngắm san hô, lướt sóng, tắm biển và thưởng thức nhiều món đặc sản thơm ngon rất đặc trưng chỉ có ở nơi đây.

22269-nha-trang.jpg

Thành phố biển xinh đẹp Nha Trang

Để chuyến du lịch đến Nha Trang diễn ra suôn sẻ, bạn có thể thao khảo một số thông tin du lịch dưới đây.

I. PHƯƠNG TIỆN DI CHUYỂN

1. Máy bay

Hiện nay, tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có nhiều chuyến bay thẳng đến sân bay Cam Ranh – Khánh Hòa của các hãng hàng không nội địa như: Vietjet air, Jetstar Paciffic, Vietnam airlines, Mekong. Vì thế bạn có thể liên hệ phòng vé tại sân bay hoặc các đại lý bán vé máy bay trên tòan quốc để check in thời gian bay phù hợp. Tốt nhất, nếu có kế hoạch đi nên đặt vé sớm để có giá rẻ nhất.

22264-san-ho-duoi-dao-hon-mun.jpg

Sắc màu san hô trên đảo Hòn Mun

Từ sân bay Cam Ranh đến trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 35km, bạn có thể di chuyển bằng xe bus trung chuyển có giá khoảng 60.000đồng. Hoặc di chuyển bằng taxi có giá từ 350 – 400 ngàn đồng/lượt, xe ôm giá thỏa thuận.

2. Xe khách chất lượng cao

  • Tuyến Sài Gòn – Nha Trang:Bạn có thể lựa chọn một số nhà xe uy tín như: nhà xe TM Brother, Phương Nam, Hà Linh, Phương Trang, Hạnh cafe, Ngọc Trang... với giá vé dao động từ 200 – 220 ngàn/người cho ghế giường nằm và 150 ngàn/người cho ghế ngồi.
  • Tuyến Hà Nội – Nha Trang: Từ Hà Nội đi Nha Trang bạn có thể lựa chọn một trong những nhà xe có uy tín sau: Hoàng Long, Sinh cafe (open tour), Mai Linh... với giá dao động khoảng 850 ngàn/người/lượt cho ghế giường nắm.

3. Di chuyển tại Nha Trang

Để di chuyển tham quan tại Nha Trang bạn có thể đi taxi hoặc thuê xe máy có giá dao động từ 70.000/ngày cho xe số và 90.000/ngày đối với xe tay ga. Để được hướng dẫn địa điểm thuê xe, bạn có thể liên hệ lễ tân khách sạn.

II. LƯU TRÚ TẠI NHA TRANG

22251-bien-vinpearl.jpg

Bãi biển Nha Trang đẹp thơ mộng

Nha Trang là thành phố du lịch biển nổi tiếng vì thế dịch vụ khách sạn nhà hàng ở đây khá phong phú đa dạng. Từ những khách sạn hạng sang cao cấp tiêu chuẩn 5 sao cho đến những nhà nghỉ bình đều có. Vì thế tùy vào địa điểm tham quan và khả năng tài chính bạn có thể chọn cho mình nơi nghỉ ngơi phù hợp và thoải mái nhất.

Những khách sạn nhà nghỉ bình dân ở đây có giá dao động từ 100 – 200 ngàn đồng. Nếu bạn đi du lịch bụi cũng hoàn toàn có thể tìm được chỗ nghỉ ngơi thoải mái với giá cả phải chăng.

Một số khách sạn giá rẻ dưới 200 ngàn đồng bạn có thể liên hệ trước như:

  • Khách sạn Nam Phương: Địa chỉ số 64B/4A Trần Phú; điện thoại: (058) 3 524.166.
  • Khách sạn Song Linh: Địa chỉ số 64B/15 Trần Phú; điện thoại: (058) 3 522.163.
  • Khách sạn Tommy: Địa chỉ: số 167 Hoàng Văn Thụ; điện thoại: (058) 3 813.243.

III. ĐỊA ĐIỂM DU LỊCH NHA TRANG - KHÁNH HÒA

1. Vinpearl Land

VinpearI Land tọa lạc ngay trên đảo Hòn Tre, thuộc vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. VinpearI Land là phức hợp giữa khu vui chơi giải trí và khu nghỉ dưỡng cao cấp 5 sao đạt tiêu chuẩn quốc tế được mệnh danh là “thiên đường miền nhiệt đới”, với những bãi biển chạy dài xanh trong quanh năm.

22267-land.jpg

Thiên đường Vinpearl Land

Đến đây du khách không chỉ được tham quan cảnh sắc thiên nhiên đẹp mê lòng người mà còn có cơ hội tham gia các trò chơi cảm giác mạnh, xem phim 4D trong những rạp chiếu phim hiện đại nhất.

Để tham quan đảo bạn có thể di chuyển bằng canô hoặc đi cáp treo. Vé cáp treo và trò chơi khoảng 500.000 đồng/người lớn; 350.000 đồng/trẻ em (1,0m – 1,4m).

2. Đảo hòn Mun

Đảo hòn Mun thuộc phía Nam vịnh Nha Trang, Tp. Nha Trang. Nơi đây được đánh giá là vùng biển có hệ sinh thái đa dạng và quần thể san hô đẹp nhất Việt Nam. Sở dĩ nó được gọi là Hòn Mun vì ở phía Đông Nam của đảo có những mỏn đá nhô cao, vách đá dựng đứng, hiểm trở tạo thành nhiều hang động, đá có màu đen tuyền giống gỗ mun nên được người dân đặt tên là hòn Mun.

22262-hon-mun.jpg

Khám phá san hô và hệ sinh thái dưới lòng biển đảo Hòn Mun

Do địa thế đặc biệt gần với dòng hải lưu nóng xích đạo nên tạo điều kiện cho san hô và nhiều sinh vật biển nhiệt đới phát triển. Vì thế nơi đây nơi tập trung đa dạng các quẩn thể sinh thái biển là nơi thích hợp cho những ai thích khám phá và nghiên cứu về biển.

Lặn xuống độ sâu khoảng 10m, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những dải san hô đẹp lộng lẫy với đủ các màu sắc và đa dạng các loại san hô khác nhau. Tại hòn Mun có 9 điểm lặn ngắm san hô, bạn có thể tha hồ trải nghiệm khám phá thiên cung của mình.

Ngoài ra, khi đến đảo hòn Mun du khách còn được tham gia nhiều hoạt động ngoài trời lý thú như: đi thuyền đáy kính, quán bar nổi trên biển… Từ trung tâm thành phố Nha Trang bạn có thể di chuyển ra đảo bằng tàu du lịch tại cảng du lịch Cầu Đá.

3. Đảo hòn Tằm

Đảo hòn Tằm thuộc vịnh Nha Trang, Tp. Nha Trang, tỉnh khánh Hòa. Cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 7km về hướng Đông Nam. Sở dĩ có tên gọi là hòn Tằm vì nhìn từ xa đảo có màu xanh biếc giống con tằm nên người dân chài nơi đây đặt tên cho nó là hòn Tằm.

Hòn Tằm có diện tích khoảng 110ha với những bãi biển hoang sơ tuyệt đẹp. Hiện nay hòn Tằm đã được quy hoạch và đầu tư xây dựng thành khu du lịch sinh thái cao cấp.

22263-hon-tam-ve-dem.jpg

Khung cảnh thơ mộng đảo hòn Tằm lúc chiều muộn

Đến đây du khách không chỉ được nghỉ ngơi, thư giãn, tắm biển mà còn được tham gia nhiều hoạt động thú vị như leo núi thám hiểm, khám phá biển bằng tàu đáy kính, lặn biển ngắm san hô, câu cá, lướt ván, bay dù, đi môtô nước…

4. Vịnh Ninh Vân

Vịnh Ninh Vân thuộc đảo hòn Mèo, nằm cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 6km, nên chỉ mất khoảng 20 phút di chuyển bằng canô là bạn đã có thể đặt chân tới vịnh biển đẹp thơ mộng này.

Mặc dù đã được quy hoạch và xây dựng thành những khu resort cao cấp nhưng Ninh Vân vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ vốn có của nó. Nơi đây trở thành một địa điểm lý tưởng dành cho các cặp đôi hưởng tuần trăng mật, nghỉ dưỡng…

22265-khu-nghi-duong-vinh-ninh-van.jpg

Vẻ đẹp hoang sơ trên vịnh Ninh Vân

Đặc biệt bãi cát ở đây rất đẹp, người ta ví chúng giống như viên pha lê lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời. Đến đây du khách sẽ được nghỉ ngơi và thư giãn thực sự, được hòa mình vào với thiên nhiên yên bình và tham gia nhiều hoạt động vui chơi lý thú như: khám phá rừng nhiệt đới, lướt sóng, lướt ván, đi xuồng kayak trên biển, lặn ngắm san hô tuyệt đẹp trên vịnh…

5. Viện Hải dương học Nha Trang

22261-dong-vat-vien-hai-duong-hoc.jpg

Sinh vật biển trong Viện Hải dương học

Viện Hải dương học tọa lạc tại số 1, Cầu Đá, Tp. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Nằm cách trung tâm thành phố khoảng 6km về hướng Đông Nam. Viện được xây dựng năm 1923, là nơi lưu giữ trên 20.000 mẫu vật của hơn 4.000 loại sinh vật biển được sưu tầm qua nhiều năm. Chưa kể đến đây du khách còn được chiêm ngưỡng bộ xương cá voi khổng lồ dài 26m, cao 3m với 48 đốt sống.

6. Khu di tích tháp Bà Ponagar

Khu di tích tháp Bà Ponagar nằm ở cửa sông Cái, thuộc phường Vĩnh Phước, Tp. Nha Trang. Cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 2km về hướng Bắc. Tháp Bà Ponagar là công trình kiến trúc cổ của người Chăm ở Khánh Hòa, được xây dựng ở khoảng thế kỷ thứ 8 cho đến thế kỷ thứ 13 dưới thời vương quốc Chăm cổ.

22273-thap.jpg

Tháp Bà Ponagar cổ kính

Tổng thể kiến trúc của Tháp gồm có 3 tầng, tầng thấp nhất ngang mặt đất là cổng tháp tuy nhiên đến nay tầng này đã không còn. Tiếp đến men theo bậc cầu thang bằng đá dẫn lên tầng giữa gồm có hai dãy cột chính được làm bằng gạch bát giác, mỗi bên 5 cột có đường kính 1m cao 3m. Hai bên các dãy cột lớn có 12 cột nhỏ, thấp hơn được làm bằng gạch, cao 1m. Tầng trên cùng là nơi xây dựng các tháp.

Quần thể di tích này gồm 4 ngôi tháp, hai miếu thờ, tháp lớn nhất thờ nữ thần Ponagar (theo tiếng Chăm có nghĩa là Mẹ Xứ Sở). Ngoài tham quan tháp du khách có thể kết hợp với đi tắm bùn tại khu du lịch suối khoáng nóng gần đó. Giá vé cho mỗi lần tắm khoảng 100.000 đồng/người hồ tập thể (từ 15 – 20 người) và 250.000 đồng/người cho hồ riêng.

7. Hòn Chồng – Vợ

22259-hon-chong-ve-dem.jpg

Hòn Chồng lúc về đêm

Hòn Chồng - Vợ nằm cách trung tâm thành phố khoảng 3km về hướng Đông Bắc. Hòn Chồng hội tụ những khối đá lớn với nhiều hình thù, xếp chồng lên nhau chạy dọc từ trên cao xuống tới bờ biển.

Nằm dưới chân đồi phía Đông là những mỏn đá nhỏ hơn gọi là hòn Vợ. Nơi đây cách xa trung tâm thành phố nên khá yên tĩnh là điểm tham quan thú vị để ngắm toàn cảnh phố biển xinh đẹp này.

8. Vịnh Vân Phong

Vịnh Vân Phong thuộc huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, nằm cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 40km về phía Bắc. Vịnh Vân Phong là vịnh biển lớn nhất và sâu nhất Việt Nam. Với những cảnh quan tuyệt đẹp được chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá là một trong những kỳ quan thiên nhiên thế giới, có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái biển và ngành hàng hải tầm cỡ khu vực và thế giới.

22274-vinh-van-phong.jpg

Cảnh đẹp trên vịnh Vân Phong

Vịnh Vân Phong là nơi hội tụ của nhiều vịnh nhỏ và nhiều hòn đảo xinh đẹp thơ mộng tạo thành một quần thể vịnh đẹp mê lòng người với biển hòn Na, biển Cỏ Ông, biển Xuân Đừng… yên bình, đẹp dịu dàng và e ấp như một thiếu nữ.

Được ví như một nàng công chúa ngủ quên trên biển, vịnh Vân Phong với những bãi cát trắng mịn chạy dài kiêu sa, nước biển xanh trong, dưới đáy đại dương rực rỡ sắc màu san hô và các sinh vật biển. Nằm nép mình bên những cánh rừng nhiệt đới nguyên sinh với nhiều muông thú quý hiếm đặc chủng. Đến đây du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên sinh động như một bức tranh đầy màu sắc. Vịnh Vân Phong thích hợp để nghỉ dưỡng và hẹn hò, trăng mật cho các cặp đôi.

9. Chợ Đầm Nha Trang

Chợ Đầm hay còn gọi là chợ Cửa được xây dựng năm 1908, dưới thời Pháp thuộc. Sở dĩ nó được gọi là chợ Đầm vì trước kia nơi đây vốn là một cái đầm từ cửa sông Cái ăn sâu vào đất liền. Đầm rộng khoảng 7ha, hai bên bờ đầm là nơi sinh sống của nhiều người dân.

Chợ Đầm là một công trình kiến trúc độc đáo của thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Trải qua những thăng trầm lịch sử của thời gian, và nhiều lần tu bổ chợ vẫn giữ được những kiến trúc tổng thể cơ bản. Là nơi bán rất nhiều hải sản phong phú, đặc biệt là hải sản khô và nhiều đồ lưu niệm cho khách du lịch.

10. Đảo khỉ Nha Trang

22260-dao-khi.jpg

Những chú khỉ dễ thương trên đảo Khỉ

Đảo Khỉ nằm trên đảo hòn Lao, thuộc vịnh Nha Phu, cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 15km về hướng Bắc. Đảo Khỉ là nơi sinh sống và cư trú của hơn 1200 con khỉ, gồm hai chủng loại là khỉ Macaca Rhérus và khỉ Macaca Fassicularit. Để tới đảo Khỉ du khách phải di chuyển bằng tàu du lịch, mất khoảng 15 phút là có thể tới đảo.

11. Bãi biển Đại Lãnh

Nằm bên Quốc lộ 1A bãi biển Đại Lãnh thuộc huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 80km về phía Bắc. Dưới thời nhà Nguyễn, nơi đây được xếp vào hàng danh lam thắng cảnh của Đất Việt.

22248-bai-bien-dai-lanh.jpg

Nét đẹp hoang sơ trên bãi biển Đại Lãnh

Bãi biển Đại Lãnh mang vẻ đẹp hoang sơ với những bãi cát chạy dài hình trăng khuyết, trắng mịn như pha lê lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời. Tạo cho cảnh sắc nơi đây nét đẹp kiêu sa, thanh nhã. Nước biển Đại Lãnh trong xanh có thể nhìn thấy đáy biển bao quanh là những hàng dương xanh, rì rào ca hát bốn mùa. Đến đây du khách có thể thoải mái tắm biển và thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và yên bình. Từ bãi biển Đại Lãnh du khách có thể đi thuyền tới thăm làng chài Khải Lương, Đầm Môn, cảng Vũng Rô, khám phá đời sống làng chài Đại Lãnh. Với cảnh sắc hữu tình, người dân chài thân thiện gần gũi đây sẽ là điểm đến hấp dẫn dành cho những ai yêu thích biển.

12. Đảo Bình Ba - Cam Ranh, Khánh Hòa

Đảo Bình Ba nằm cách đất liền khoảng 20km, thuộc vịnh Cam Ranh, thuộc địa phận xã Cam Bình, Tp.Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 60km và cách sân bay Cam Ranh khoảng 17km đường bộ, 20km đường biển.

22275-ve-dep-dao-binh-ba.jpg

Một góc đảo Bình Ba

Đến đảo Bình Ba du khách sẽ được tham quan nhiều thắng cảnh và các di tích có từ thời Pháp thuộc như: lô cốt, bệ súng thần công, đường hầm xuyên núi, điện Quan Âm, điện Địa Tạng, tịnh xá Ngọc Gia Hương, lăng Nam Hải… và tắm biển ở: bãi Nồm, bãi Chướng, bãi Nhà Cũ. Ngoài ra du khách cũng có thể lặn biển ngắm san hô trên: Nhà Cũ, Bồ Đề, bãi Rạn, Bãi Me - Hòn Rùa, bãi Miễu, bãi Sa Huỳnh …

Ngoài hoạt động lặn biển du khách còn được tham gia nhiều hoạt động lý thú khác như câu cá mực, kéo lưới và thưởng thức những món đặc sản thơm ngon của vùng đảo này như: tôm hùm Bình Ba, cá dìa, cá dò, mực lá nướng tại chỗ, nhum, bạch tuộc, ốc móng tay, ốc nón, ốc nhảy, sò bay.

Giá nhà nghỉ trên đảo cũng rất bình dân nếu nghỉ tại nhà dân giá dao động từ khoảng 80 - 100 nghìn/người/ 24h (nhà có thể ở từ 6-20 người). Còn giá nhà nghỉ khách sạn trên đảo cũng chỉ từ 300 nghìn đồng/phòng/2 - 4 người thêm người thì thêm 50 ngàn/người.

13. Thác Yang Bay

Thác Yang Bay thuộc địa phận xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa. Cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 45km. Thác Yang Bay nằm ở độ cao 100m so với mặt nước biển, lọt thỏm giữa cánh rừng nguyên sinh với những dãy núi cao sừng sững.

22266-khung-canh-thac-yangbay.jpg

Vẻ đẹp hoang sơ của thác Yang Bay

Đường vào thác Yang Bay được phủ kín bởi cây xanh, bốn mùa hoa nở rực rỡ. Thác Yang Bay theo tiếng Raglai có nghĩa là “Thác Trời”. Tương truyền ở trên dãy núi Gia Kang có rất nhiều tảng đá nhẵn và bằng phẳng như hình bàn cờ nên được Ngọc Hoàng và các tiên nữ chọn làm nơi dạo chơi và khai tiệc đầu xuân.

Từ xa du khách có thể nhìn thấy một dòng thác nước đồ ào ào, bọt tung trắng xóa, bao bọc xung quanh là màu xanh của rừng cây đại ngàn. Từ dưới nhìn lên, thác nước cuộn cuộn chảy, tiếng nước va đập vào đá tạo ra những âm thanh vui tai. Đêm đến ở thác nước Yang Bay trời se se lạnh, sương mù bao phủ khắp sườn núi tạo cho cảnh sắc nơi đây vẻ đẹp huyền bí. Dưới chân thác Yang Bay là hồ nước rộng, dòng nước trong vắt có thể nhìn thấy đáy hồ. Đến đây du khách sẽ được thoải mái nô đùa dưới dòng nước mát lạnh, ghi lại những khoảnh khắc tuyệt vời và tạm quên đi những muồn phiền lo âu của cuộc sống.

14. Thác Tà Gụ

Thác Tà Gụ theo tiếng Raglai là Tạc Gu thuộc địa phận xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa. Từ trên cao nhìn xuống thác giống như một chiếc ngà voi trắng xóa nên trước đây nó được đặt tên là thác Ngà. Nhưng sau đó dòng thác đổi hướng và hòa vào dòng suối Tà Gụ nên nó được đặt lại tên là thác Tà Gụ.

22272-thac-ta-gu.jpg

Thác Tà Gụ nước tung trắng xóa

Dưới chân thác là hồ nước rộng khoảng 200m2. Với phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, thác Tà Gụ là điểm đến dành cho những ai ưa thích chinh phục và khám phá. Đến đây du khách sẽ được thả mình vào dòng nước trong vắt, mát rượi, tha hồ bơi lội trong lòng hồ rộng lớn.

15. Suối Ba Hồ

Suối Ba Hồ thuộc huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, nằm cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 25km về hướng Bắc. Dòng suối bắt nguồn từ đỉnh Hòn Son, ở độ cao 660m, sau đó chảy giữa hai triền núi đá đổ về cánh đồng thôn Phú Hữu, xã Ninh Ích, rồi đổ ra đầm Nha Phu.

Sở dĩ được gọi là suối Ba Hồ vì ở đây có ba làn suối mở rộng ra tạo thành ba cái hồ nổi bật với cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú. Mỗi hồ nối nhau bằng những triền núi cheo leo, vách đá dựng đứng, lau lách mọc um tùm.

22271-suoi-ba-ho.jpg

Cảnh đẹp hút hồn suối Ba Hồ

Để tham quan suối Ba Hồ du khách phải đi bộ, vượt qua các vách đá cheo leo, đường khá trơn, rất nguy hiểm để chinh phục điểm du lịch này. Suối Ba Hồ là địa điểm lý tưởng dành cho những ai thích lội suối, leo núi, xuyên rừng, người ưa khám phá và thích mạo hiểm.

16. Đầm Nha Phu

Đầm Nha Phu nằm giữa vịnh Nha Trang và vịnh Vân Phong thuộc địa phận Lương Sơn, xã Vĩnh Lương, tỉnh Khánh Hòa. Cách thành phố Nha Trang khoảng 15km. Đầm Nha Phu có diện tích rộng khoảng 1,5 ha gồm các hòn đảo du lịch nổi tiếng như: hòn Thị, hòn Lao, hòn Sầm, hòn Đá Bạc (bãi tắm Công chúa), hòn Lao - đảo Khỉ, suối Hoa Lan, khu nghỉ mát Ninh Vân... với nhiều địa hình khác nhau: từ đảo cho đến suối, biển, hồ, núi và cả vịnh... Cảnh sắc thiên nhiên trên đầm Nha Phu còn khá hoang sơ, dân cư thưa thớt với những bãi cát chạy dài trắng mịn. Ngoài ra sóng biển ở đây rất nhẹ nên phù hợp để thăm quan du lịch và tắm biển.

22258-dam-nha-phu-1.jpg

Đầm Nha Phu yên bình

Đầm Nha Phu còn đa dạng hệ thực vật với trên 232 loài thực vật phù du được tìm thấy. Trong đó có 150 loài tảo silic chiếm 65%; tảo hai roi chiếm 32%… Đầm Nha Phu còn là nơi phát triển mạnh nghề nuôi trồng thủy hải sản của tỉnh Khánh Hòa.

17. Suối Tiên

Suối Tiên nằm cách thành phố Nha Trang khoảng 25km về hướng Tây Nam. Suối bắt nguồn từ hòn Bà trên ngọn núi cao khoảng 800m. Suối Tiên có vẻ đẹp kỳ ảo. Đặc biệt, đá ở đây muôn hình dạng được dòng nước mài nhẵn bóng theo thời gian. Càng lên tới thượng nguồn, suối Tiên càng đẹp kỳ ảo bởi vẻ đẹp hoang sơ, hoang dã của nó. Suối được chia theo nhiều dòng thác nhỏ xung quanh là những hang động được gọi là động tiên.

Để tham quan suối Tiên du khách phải vượt qua một dãy núi với những khối đá khổng lồ, hình thù kỳ thú.

22297-suoi-tien-nha-trang.jpg

Suối Tiên nằm cách thành phố Nha Trang khoảng 25km về hướng Tây Nam

18. Làng cổ Phú Vinh

Làng cổ Phú Vinh thuộc xã Vĩnh Thạnh, Tp. Nha Trang, Khánh Hòa. Ngôi làng này có lịch sử hình thành trên 200 năm. Ở đây còn lưu giữ được những ngôi nhà cổ, trong đó có 6 ngôi nhà cổ đẹp nhất còn giữ nguyên được kiến trúc ban đầu. Những ngôi nhà cổ ở Nha Trang mang đậm nét kiến trúc nhà cổ sân vườn miền Trung. Cửa nhà được làm từ những tấm gỗ được chạm trổ khá cầu kỳ.

Để thăm làng cổ Phú Vinh du khách mua vé khoảng 5.000 đồng/người. Đến đây du khách sẽ được chủ nhà đón tiếp nồng hậu và thưởng thức những đĩa trái cây đặc sản địa phương, cùng uống trà trong không gian sân vườn xanh mát.

22298-lang-co-phu-vinh.jpg

Một góc làng cổ Phú Vinh, Nha Trang

IV. DANH SÁCH CÁC QUÁN ĂN NGON Ở NHA TRANG

Dưới đây là tổng hợp địa chỉ (theo thống kê của người dân và khách du lịch đã từng đến Nha Trang) những quán ăn ngon nổi tiếng tại Nha Trang, bạn có thể tìm đến thưởng thức để chuyến du ngoạn của mình thêm trọn vẹn và ý nghĩa.

1. Bún

Bún nước

- Bún sứa, cá bà Năm Beo – B2 chung cư Phan Bội Châu (khu vực chợ Đầm)

- Bún sứa 87 Yersin

- Bún bò Huế 18 – 18 Hàn Thuyên

- Bún bò O Thi – 22A Phan Chu Trinh

- Bún bò Huế 100 – 100 Ngô Gia Tự

- Bún Bò 15B Hoàng Hoa Thám, Nha Trang

- Bún cá Nguyên Loan – 123 Ngô Gia Tự

- Bún cá lá Ninh Hòa – 2 Lãn Ông

22299-banh-canh-cha-ca.jpg

Bún cá Nha Trang

Bún khô

- Bún thịt nướng, nem phần – 4 Mê Linh

- Bún thịt nướng – 163 Hoàng Văn Thụ

- Hủ tiếu khô – 79 Nguyễn Bỉnh Khiêm

- Quán hủ tiếu khô – 30 Bạch Đằng

2. Phở

- Phở Bắc Hải – 76 Quang Trung

- Quán phở 63 Lê Thành Phương; Phở Hồng – 1 Tô Hiến Thành

- Quán phở – 9 Tăng Bạt Hổ

3. Bánh canh

- Bánh canh Trần Thị Tính – góc đường Trần Thị Tính – Trần Nhật Duật

- Bánh canh Cô Lộc – 30 Phan Chu Trinh

- Bánh canh bà Thừa 55 Yersin, Nha Trang

4. Mì quảng

- Mì Quảng Đá Chẹt – 34 đường 2 tháng 4

5. Lẩu

- Lẩu bò Bà Triệu – 3 Bà Triệu

- Lẩu dê Lai – 51 Phòng Không

6. Nem nướng, bò nướng

22301-nem-nuong-nha-trang.jpg

Nem nướng Nha Trang

- Quán nem nướng – 52 Phan Bội Châu

- Nem nướng Ngọc Tiên – 59 Lê Thành Phương

- Nem nướng Vũ Thành An 25 Lê Lợi

- Bò nướng Lạc Cảnh – 44 Nguyễn Bỉnh Khiêm

- Bò né Thủy Trúc – 124 Hoàng Văn Thụ

7. Cơm

- Cơm tấm Trung – 10/4 Lý Tự Trọng.

- Quán cơm tấm 5 Ken – 46 Bạch Đằng

- Cơm chay Cô Tấm – 68 Hồng Bàng; Quán chay Châu Nguyên – 40 Yết Kiêu

- Quán cơm Bình Minh – 64 Hoàng Văn Thụ

- Cơm Việt Nam – 23 Hoàng Văn Thụ

- Quán cơm bình dân 131 – Hoàng Văn Thụ

- Cơm gà hai Chùa – 9A Tô Vĩnh Diện

- Cơm gà Trâm Anh – 8A Bà Triệu

8. Cháo

- Cháo hàu Minh Thế Lương – góc đường Yersin – Ngô Sĩ Liên

- Cháo hải sản – 6 Ngô Sĩ Liên

- Cháo gà Huỳnh Lai – 2 Phan Chu Trinh

9. Bánh

- Bánh căn – 51 Tô Hiến Thành

- Quán bánh đập – 16A Hồng Lĩnh

- Bánh bèo – 120 Bạch Đằng

- Bánh bèo Núi – đầu hẻm đường Núi Một, gần vòng xoay ngã 6

- Quán bánh mỳ bò né Tuyết – 15 Hùng Vương

22300-banh-can-nha-trang.jpg

Bánh căn Nha trang

10. Ốc

- Quán ốc Long Vũ – 133 Tháp Bà

- Quán ốc Xuân Anh – 9C Tháp Bà

- Quán ốc 24 – 24 Ngô Đức Kế.

11. Hải sản

- Hải sản chị Hằng, qua cầu Trần Phú nằm bên tay trái, đối diện nhà hàng Thùy Dương

- Hải sản Chiêu Anh – 86 Trần Phú

- Hải sản Gió Biển, đường Phạm Văn Đồng

V. MÓN ĂN ĐẶC SẢN NHA TRANG

1. Bún sứa Nha Trang

Để có món bún sứa ngon người ta phải chọn được những con sứa tươi, nhỏ, màu đục, mình dày, mới vớt từ biển lên. Sau đó sứa được làm sạch nhớt và sơ chế cầu kỳ theo kinh nghiệm và bí quyết riêng mới cho ra thành phẩm.

22255-bun-sua.jpg

Bún sứa Nha Trang

Nước dùng bún sứa được nấu từ xương ống, thịt cá biển như cá liệt nhỏ không xương để tạo thành nồi nước dùng thơm ngọt đặc trưng. Nước lèo đạt tiêu chuẩn là nước trong veo, không mỡ, béo có vị thanh ngọt, thích hợp ăn lúc thời tiết nắng nóng.

Tô bún sứa được đầy đủ còn có chả cá thu, cá nhồng. Khi ăn người ta cho sứa, bún, chả cá vào tô rồi chan nước lèo lên trên, kèm ít giá đỗ, rau sống. Món bún sứa có vị ngọt, giòn của sứa hòa quyện với vị đậm đà của cá thu, cá nhồng lẫn trong nước dùng thanh mát sẽ giúp thực khách xua tan đi cái nóng của ngày hè oi bức.

2. Cháo nhum

Nhum hay còn gọi là cầu gai, nhím biển là một loại nhuyễn thể có hình dáng xù xì nhiều gai nhọn, sống lẫn vào rong rêu hoặc san hô.

22257-chao-nhum.jpg

Cháo nhum bổ dưỡng

Nhum có vị thơm ngon được chế biến thành nhiều món ngon là đặc sản Nha Trang. Để có nồi cháo nhum ngon, nhum sau khi được vớt từ biển lên, người ta rửa sạch, tách đôi, dùng thìa gỡ lấy thịt, ướp thịt với gia vị. Sau đó phi thơm hành mỡ xào chín tới. Trút nhum vào nồi cháo vài phút. Khi ăn cho thêm rau mùi tàu (ngò gai) thái nhỏ, hành lá, nước mắm nhỉ tạo thành bát cháo nhum có mùi thơm khó cưỡng. Bát cháo nhum ngon là hạt gạo bung nhuyễn, quyện vào màu vàng của nhum, sắc xanh của rau thơm.

3. Nem nướng Nha Trang

Nem nướng là món ăn quen thuộc của người dân Khánh Hòa là đặc sản gốc Ninh Hòa. Công thức làm món nem nướng không quá khó. Quan trọng là người ta phải chọn được loại thịt đùi ngon, trộn chung với da heo đã làm sạch, xắt nhỏ hai thứ rồi đem giã nhuyễn, sau đó cho thêm đường, hạt nêm, tiêu bột vào ướp chung rồi vo viên dài, xiên vào que tre, nướng trên bếp than hồng. Món này ăn kèm với thịt lụi, bánh tráng, rau sống và tương chấm.

22268-nem-nuong.jpg

Nem nướng thơm ngon

Món nem nướng ngon hay không phụ thuộc hoàn toàn vào tương chấm. Tùy vào cách pha chế và bí quyết của từng người mà có bát tương chấm vị riêng. Tuy nhiên nó phải đủ vị chua cay, mặn ngọt và được chế biến từ 20 loại gia vị theo bí quyết gia truyền của từng đầu bếp, gồm: nếp dẻo, đỗ tương, cà chua, tôm, thịt nạc, gan lợn xay nhuyễn trộn với đường, tỏi, ớt...

4. Cá lóc nướng ống tre làng cổ Phú Vinh

Cá lóc nướng ống tre là đặc sản của làng cổ Phú Vinh, Tp. Nha Trang. Để có món cá nướng ngon người ta phải chọn được những con cá mập, rồi cạo sạch vảy, rửa sạch, để ráo. Sau đó ướp cá với hành khô, tỏi, đường, mắm, tiêu trong vòng 30 phút cho thấm gia vị.

Ống tre dùng để nướng cá phải chọn được ống vừa vặn con cá, dùng giấy bạc hoặc lá mía bịt hai đầu lại, đặt ống tre nướng trên bếp than hoa, càng nhỏ lửa càng chín kỹ và thơm mùi tre non. Nướng cho đến khi tre chuyển sang màu xám, cá có mùi thơm, xăm đũa vào thấy cá mềm là ăn được.

Cá chín tách ống tre lấy cá ra bày ra đĩa ăn chung với khế chua, dứa, chuối xanh, rau sống và bún…cuộn bánh tráng chấm nước mắm nêm hoặc mắm me.

5. Bánh canh chả cá

Bánh canh chả cá là món ăn dân giã của người dân phố biển Nha Trang. Đây là món ăn được nhiều du khách trong và ngoài nước ưa thích khi đến Nha Trang. Nước dùng bún chả cá được ninh từ các loại cá biển trong nhiều giờ liền. Chả cá được làm từ những loại cá đặc trưng của Nha Trang như cá thu, cá cờ, cá chỉ vàng…

6. Bò nướng Lạc Cảnh

22254-bo-nuong.jpg

Bò nướng Lạc Cảnh

Bò nướng Lạc Cảnh là món ăn có từ cách đây 50 năm, do một người Hoa ở Nha Trang chế biến. Đến Nha Trang mà chưa thưởng thức bò nướng Lạc Cảnh nghĩa là chuyến đi của bạn chưa thật trọn vẹn.

7. Bánh căn Nha Trang

Bánh căn là loại bánh được làm từ bột gạo, nhân làm từ tôm, mực hoặc trứng. Nước chấm bánh căn được pha chế từ nước mắm mỡ hành kèm xoài chua băm nhuyễn. Trong tiết trời mát mẻ buổi sáng được thưởng thức món bánh căn đậm đà sẽ làm tan chảy vị giác của bạn.

8. Cháo tôm hùm Đảo Bình Ba

Ngư trường Bình Ba tạo ra những giống tôm hùm xanh có hương vị rất riêng, đặc biệt. Thịt tôm hùm có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn ngon tuyệt. Nhưng có lẽ ngon nhất vẫn là tôm hùm nấu cháo.

22253-chao-tom-hum.jpg

Cháo tôm hùm đảo Bình Ba

Muốn có tô cháo ngon người ta phải dùng loại gạo dẻo, gạo nàng thơm ở chợ Đào - Long An để nấu. Cách nấu cháo tôm hùm khá đơn giản, cháo được ninh nhừ; tôm hùm lóc thịt để riêng, vỏ giữ lại luộc chín để trang trí. Sau đó phi thơm hành mỡ cho thịt tôm vào xào cho tôm có màu đỏ đẹp là được. Khi cháo gần chín trút thịt tôm vào, nêm nếm gia vị vừa miệng, bắc xuống múc ra tô cho thêm hành lá cắt nhỏ, ngò, tiêu xay, ăn nóng là ngon nhất.

9. Bánh xèo tôm mực

22249-banh-xeo-muc.jpg

Bánh xèo mực Nha Trang

Bánh xèo mực Nha Trang cũng giống bánh xèo miền Trung. Tuy nhiên nó được làm từ mực tươi và tôm tươi chứ không phải là thịt như các loại bánh xèo khác. Điều khác biệt là những con mực tươi được giữ nguyên sau khi rửa sạch đem chế biến thành món ăn nên khi ăn những con mực sẽ vỡ ra quyện vào nước chấm vàng óng tạo ra một hương vị rất đặc trưng.

10. Chả cá Nha Trang

Chả cá Nha Trang được làm từ cá mối, cá thu, cá thởn, cá rựa, cá nhồng, cá chuồn, cá cờ nhưng ngon hơn cả là chả cá nhồng, tuy nhiên bây giờ rất hiếm. Chả cá có hai loại hấp và chiên. Dù hấp hay chiên chả cá Nha Trang luôn dai, mềm, vị ngọt của cá ăn cùng nước mắm tỏi ớt thì khỏi chê.

22256-cha-ca.jpg

Chả cá Nha Trang vàng ruộm

Các công đoạn làm chả cá cũng khá đơn giản. Cá sau khi được đem về người ta cạo sạch vảy, lóc lấy thịt rồi giã nhuyễn với hành, tỏi, tiêu, gia vị khác. Nếu chả cá hấp thì cho thêm mỡ khổ thái hạt lựu, ít nấm mèo thái nhuyễn, đập thêm một quả trứng để tạo màu rồi đem hấp chín.

11. Bánh tráng xoài

Bánh xoài được làm từ xoài chín, rửa sạch, gọt vỏ, sau đó dùng nạo có lỗ to chà xát mạnh đặt dưới một chiếc chậu nhỏ để hứng nước xoài. Nạo cho đến phần hạt. Tiếp đến người ta cho nước xoài vào nồi, chảo đặt lên bếp cho thêm chút đường sau đó khuấy đều tay để xoài không cháy. Nấu cho đến khi hỗn hợp sền sệt là được.

22250-banh-xoai.jpg

Bánh tráng xoài đặc sản Nha Trang

Tiếp đến hỗn hợp sẽ được đổ ra miếng nhựa trải trên chiếc sàng, rồi láng mỏng đều mặt. Sau đó đem ra phơi nắng cho tới khi bánh không còn dính tay, trở mặt lên. Phơi trong 2 ngày là có thể ăn được. Sau khi phơi khô người ta cắt bánh thành hình chữ nhật rồi bảo quản trong túi nilon.

Yeutre.vn (Tổng hợp)

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI