Cẩm nang hướng dẫn chi tiết dành cho người đi du lịch Lai Châu

“Ở ven trời Tây Bắc có Lai Châu. Hoa ban nở thành người con gái Thái”. Những câu thơ về vùng đất Lai Châu như đưa ta về giữa đại ngàn nghe sông Đà ưỡn mình rung chuyển núi, nghe tiếng suối róc rách bên nương bản và đắm mình trong cảnh vật bao la chỉ để nghe chút bình yên ngập hồn.

banner ads

24910-lai-chau2.jpg

Đường đến Lai Châu

I. PHƯƠNG TIỆN DI CHUYỂN

Lai Châu cách Hà Nội 450km về phía Tây Bắc. Bạn có thể từ Hà Nội, bắt xe khách theo đường bộ để đến với Lai Châu. Một số xe khách uy tín bạn có thể chọn:

Xe Hải Vân

  • Xuất phát tại hai đầu bến cùng lúc: 18h và 19h
  • Điện thoại: Hà Nội (04) 3722.3588 - 0944.86.86.86/ Lai Châu (0231)6.277.287 - 0944.82.82.82

Xe Anh Tú

  • Giờ xuất phát: Từ Lai Châu:18h; Từ Mỹ Đình:18h45
  • Địa chỉ: Số nhà 96, tổ 1, P.Tân Phong, TX Lai Châu
  • Điện thoại: (0231) 628.6909 - 0986.392.081 - 0986.025.569 - 01699.286.488.

Xe Khánh Thủy

  • Giờ xuất phát: Từ Lai Châu: 19h30; Từ Hà Nội: 19h; Từ Giao Thủy (tỉnh Nam Định) đi: 2h
  • Điện thoại: 0988.976.321 - 0976.652.400 - 0912.131.215.

II. LƯU TRÚ TẠI LAI CHÂU

24908-khach-san.jpg

Một khách sạn ở Lai Châu

Ở Lai Châu, bạn có thể liên hệ các khách sạn uy tín như:

Khách sạn Lan Anh 2

  • Địa chỉ: Pa So Phong Thổ, Lai Châu
  • Điện thoại: 3896 337 Fax: 3852 298

Khách sạn Phương Thanh

  • Địa chỉ: Phố Phong Châu, Tx. Lai Châu, Lai Châu
  • Điện thoại: 3875 235 Fax: 3875 158

Khách sạn Tây Bắc

  • Địa chỉ: Phố Phong Châu, Tx. Lai Châu, Lai Châu
  • Điện thoại: 3875 879

Khách sạn Tam Đường

  • Địa chỉ: Phố Phong Châu, Tx. Lai Châu, Lai Châu
  • Điện thoại: 3875 288

Nhà nghỉ Huyền Trang

  • Địa chỉ: Phố Phong Châu, Tx. Lai Châu, Lai Châu
  • Điện thoại: 3875 829 Fax: 3878 195

Khách sạn Công Đoàn Điện Biên Phủ

  • Địa chỉ: Số 7A , Phố 14, phường Tân Thanh - Thị trấn Điện Biên Phủ
  • Điện thoại: (84) 1900 585806/ 13/ 14

Khách sạn Mường Thanh

  • Địa chỉ: 25 Hỉm Lam , Tp. Điện Biên Phủ
  • Điện thoại: 84.23.3826719

III. ĐỊA ĐIỂM DU LỊCH

1. Sông Đà (Thượng nguồn sông Đà nằm tại xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, Lai Châu)

24921-song-da.jpg

Con sông Đà

Đây là con sông được khởi nguồn từ núi Nguỵ Sơn (Vân Nam, Trung Quốc). Tổng chiều dài sông là 983km. Trong đó, đoạn ở Việt Nam là 543km được đánh dấu bằng mốc 17, nơi suối Nậm Náp chảy vào Sông Đà. Riêng đoạn ở Lai Châu là 232km với 170 thác và 130 ghềnh.

Sông Đà có độ dốc lớn và dòng chảy xiết được xếp vào loại hung dữ bậc nhất Đông Dương. Quanh sông Đà còn có những vách đá dựng đứng và sáng bóng như gương, các khối đá xanh với hình dáng kỳ thú và rất nhiều những dòng thác như Kẻng Mân, Kẻng Mỏ, Kẻng Cớn… Đến nơi đây, khám phá và chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của dòng sông này, bạn mới hiểu hết sự kỳ thú và sức mạnh của thiên nhiên.

Hiện nay, từ đoạn sông Đà này, đã có ba nhà máy thuỷ điện: Hoà Bình, Sơn La và Lai Châu.

2. Thác Tác Tình (xã Bình Lư, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu)

24923-thac-tac-tinh.jpg

Thác Tác Tình

Từ thị xã Lai Châu đi thêm 30km về phía Đông Nam, bạn sẽ đến được đoạn đường khúc khuỷu 2km để đặt chân đến chân thác Tác Tình. Giữa núi non hùng vĩ, Thác Tự Tình hiện lên như một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ với thác nước đổ thẳng tung bọt trắng xoá. Nơi đây gắn liền với truyền thuyết tình yêu đầy bi thương của nàng Lở Lan xinh đẹp và chàng trai bản.

3. Động Pu Sam Cap

24906-dong-pusamcap.jpg
24905-dong-pusamcap-2.jpg

Hệ thống hang động trong núi Pu Sam Cap

Hệ thống hang động trong núi Pu Sam Cap đẹp như thiên đường chốn trần gian của vùng núi Tây Bắc. Nét đẹp kỳ vỹ của Pu Sam Cap vừa tráng lệ nhưng cũng vừa thơ mộng khiến bao du khách đến đây đều có cảm giác lạc vào chốn thần tiên. Nơi đây có 3 hang động lớn được nhiều người biết đến là: Thiên Môn, Thiên Đường và Thủy Tinh. Ngoài ra, cũng chính câu chuyện tình buồn của nàng Thị Lài trong truyền thuyết gắn liền với những hang động này càng làm cho sức hút của nơi đây thêm phần mãnh liệt.

4. Động Tiên Sơn(xã Bình Lư - huyện Tam Đường)

24907-dong-tien-son.jpg

Động Tiên Sơn

Đây là chuỗi hệ thống động với cái tên “Đà Đón”, một tên gọi xưa để chỉ về vách đá màu trắng nơi cửa động. Động này tổng cộng 49 cung nối dài, thông qua hai sườn núi. Trong động có nhiều nhũ thạch kỳ thú và dòng suối trong như gương chảy uốn lượn tạo nên cảnh tưởng mơ mơ thực thực rất thú vị.

5. Đèo Ô Quy Hồ (Ô Quý Hồ)

24904-deo-o-quy-ho.jpg
24903-deo-o-quy-ho-2.jpg

Đèo Ô Quy Hồ

Là một trong những cung đường đèo hiểm trở bậc nhất tại vùng núi Tây Bắc, đèo Ô Quý Hồ là nơi nối liền hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai. Cái Ô Quý Hồ chính là câu chuyện dài đẫm nước mắt của một tình yêu bất thành biến thành tiếng kêu da diết của một loài chim ẩn mình trên núi mỗi chiều hoàng hôn.

Đây cũng là nơi du khách trải nghiệm hai nền nhiệt khác biệt khi vượt qua cái nóng ấm hơi khô của sườn Tây để đón nhận hơi gió ẩm và mát lạnh bên phía Sapa (Lào Cai).

Vào mùa đông, nơi đây còn hình thành băng đá và những bông tuyết trắng xoá giữa trời, một điểm khiến nhiều người trẻ rất thích thú.

6. Huyện Sìn Hồ

24893-sin-ho-2.jpg
24894-sin-ho.jpg

Mây lãng đãng xếp tầng tầng lớp lớp ở Sìn Hồ

Đến Sìn Hồ là đến với biển mây. Nơi đây có khí hậu tựa như Sa Pa nên cũng là vùng đất của nhiều loại rau củ, cây ăn trái ôn đới. Những năm gần đây, Sìn Hồ phát triển dịch vụ du lịch sức khoẻ với các bồn tắm thuốc, xoa bóp và bấm huyệt nên thu hút một lượng lớn khách du lịch đến đây.

7. Đá thiêng Hà Nhì (Thánh thạch - A Pó Ủ Phú)

24902-da-thieng.jpg

Đá thiêng Hà Nhì (Thánh thạch - A Pó Ủ Phú)

Đây chính là biểu tượng tín ngưỡng của người dân bản để cầu ấm no, sung túc. Lễ cúng Thánh thạch sau Tết Nguyên Đán hàng năm tại nơi đây luôn thu hút rất nhiều người Hà Nhì cũng như du khách.

8. Bia Lê Lợi (xã Lê Lợi, huyện Sìn Hồ)

24898-bia-le-loi.jpg

Bia Lê Lợi

Năm 1431, dọc sông Đà, Lê Lợi đã cầm quân dẹp âm mưu làm phản của tù trưởng Cát Hãn, chấm dứt sự ảnh hưởng của nhà Minh và thống nhất bờ cõi đất nước. Sau thắng lợi này, Lê Lợi đã khắc bút tích của mình trên một bia đá để răn đe những kẻ có ý định làm phản và khẳng định chủ quyền lãnh thổ.

9. Bản Nà Luồng(xã Nà Tăm, huyện Tam Đường, Lai Châu)

24896-ban-na-luong.jpg

Bản Nà Luồng

Nơi đây có dòng sông Nậm Mu hiền hoà chảy qua tạo nên cảnh vật thơ mộng, yên bình bên những bản làng vẫn còn nguyên nét bản sắc đậm đà từ bao đời nay. Đến đây, bạn sẽ được nhìn ngắm những ngôi nhà sàn 4 mái đặc trưng, được trò chuyện và hoà mình vào cuộc sống dân bản để biết được cảm giác của sự yên bình thực sự bên con cá suối, rau rừng và cả những điệu múa xoè, lăm vông.

10. Bản Hon(xã Bản Hon)

24895-ban-hon.jpg

Bản Hon

Đây là nơi cư trú chủ yếu của dân tộc Lự (90%) và một số ít người Mông. Điều làm nên vẻ đặc biệt khiến Bản Hon trở thành điểm đến của hàng nghìn du khách nằm bởi sự nguyên sơ trong bản sắc văn hóa đặc sắc được thể hiện trong những kiến trúc nhà ở, nghề thủ công, trang phục và cả ẩm thực.

11. Bản Vàng Pheo (xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu)

24897-ban-vang-pheo.jpg

Bản Vàng Pheo

Đây là nơi sinh sống từ bao đời của đồng bào Thái trắng. Với vị trí địa lý đẹp, nằm bên núi “mỹ nhân” Phu Nhọ Khọ, Vàng Pheo hiện lên từ xa như một bức tranh tuyệt mỹ giữa bao la trời mây, non nước. Trong bản còn rất nhiều ngôi nhà sàn cổ vốn là nét đẹp đặc trưng của vùng đất này. Người dân nơi đây hiếu khách và hiền hoà. Họ sẵn sàng mời bạn những đặc sản chỉ có riêng ở vùng núi đại ngàn này. Mùa lễ hội ở Vàng Pheo cũng là một “đặc sản” du lịch mà rất nhiều du khách yêu thích như lễ hội: Nàng Han (rằm tháng 2 âm lịch), Then Kin Pang (mùng 10/3 âm lịch), Kin Lẩu Khẩu Mẩu (rằm tháng 9 âm lịch) Lễ hội bản Vàng Pheo. Đến đây vào đúng dịp lễ hội, bạn có cơ hội được thử sức với các trò chơi dân gian lý thú như: ném còn, đẩy gậy, tù lu để cảm thấy say mê hơn cái hồn của vùng đất này.

12. Bản Pú Đao (huyện Sìn Hồ, Lai Châu)

Pú Đao hoang sơ, hiểm trở và tinh khiết như sương mai rất thích hợp cho những ai ưa khám phá. Muốn đến đây, bạn phải vượt qua cầu Lai Hà, một chiếc cầu bắc ngang phụ lưu của sông Đà. Trên đường đến bản, bạn sẽ bắt gặp dinh thự vua Thái Đèo Văn Long, một phế tích lịch sử xa hoa vốn đã chìm sâu dưới lòng hồ thuỷ điện Sơn La. Khi đến nơi cũng là lúc bạn đứng trên điểm cao nhất của Lai Châu để thu vào tầm mắt muôn cảnh trời mây non nước tựa như tranh của vùng đất Tây Bắc hùng vĩ.

13. Suối nước nóng Vàng Bó

24922-suoi-nuoc-nong-lai-chau.jpg

Suối nước nóng Vàng Bó

Khu du lịch suối nước nóng Vàng Bó gắn với cụm điểm du lịch Mường So và khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng với diện tích trên 100ha. Một điểm khiến Suối nóng Vàng Bó được nhiều người đặt chân đến là nó nằm trong nhiều tour du lịch của thành phố và các tỉnh lân cận.

14. Di tích vua Thái – Đèo Văn Long (xã Lê Lợi, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu)

Tại ngã tư nơi sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay gặp nhau là nơi toạ lạc của Dinh thự Đèo Văn Long, vua Thái, người cai quản mười hai xứ Thái (Sipsong Chuthai) nhưng sau chịu sự điều khiển của quân đội Pháp ra sức vơ vét của cải của nhân dân đến độ phải bỏ chạy cùng cả nhà sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây là tàn tích lịch sử cho thấy lối kiến trúc kết hợp của người Thái và Pháp. Hiện nay toàn bộ dinh thự đã ngập trong lòng hồ thuỷ điện Sơn La.

15. Cánh đồng Mường Than

24914-muong-than.jpg

Cánh đồng Mường Than

Đây là vựa lúa thứ 3 của Tây Bắc với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp lên tới 2000 ha.

16. Pu Ta Leng

24916-putaleng.jpg

Pu Ta Leng chỉ đứng sau đỉnh Fansipan

Với chiều cao 3.049m, Pu Ta Leng chỉ đứng sau đỉnh Fansipan (3.413m) nên được mệnh danh là nóc nhà thứ hai của Đông Dương. Đây cũng chính là điểm săn mây đầy lý tưởng của nhiều dân phượt.

IV. ẨM THỰC LAI CHÂU

1. Lợn cắp nách

24911-lon-cap-nach-2.jpg
24912-lon-cap-nach.jpg

Lợn cắp nách

Lợn cắp nách chỉ nặng khoảng10-15kg. Có thể vác lợn lên vai về nhà sau khi mua về vì chiều dài lợn chưa bằng vai người. Người ta ví von, thịt lợn cắp nách là loại “thịt rừng hợp pháp”. Thực chất, đây là lợn được nuôi thả rông theo truyền thống của dân bản. Vì lợn này con đực và con cái luôn quấn lấy nhau nên người ta chỉ việc mua một đôi về, thả rông gần nhà và chúng sẽ tự làm tổ, sinh sản. Khi muốn bắt lợn về, chỉ việc ra những tiếng kêu đặc trưng. Vì để lợn sống tự nhiên và ăn mỗi cây rừng nên lợn chậm lớn và thịt rất thơm lại không hề có mỡ.

2. Cá bống vùi tro

24900-ca-bong.jpg
24899-ca-bong-2.jpg

Cá bống vùi tro

Cá bống tìm bắt nơi những con suối thường nhỏ hơn ngón tay trỏ. Nghe tên gọi cá bống vùi tro tưởng đơn giản nhưng để hoàn thành món ăn này cần rất nhiều công đoạn tỉ mỉ. Từ việc chọn lá dong bánh tẻ đến việc sơ chế gia vị, sả, ớt, mắc khén, tiêu, húng, hom… Sau khi rửa sạch, cá sẽ được tẩm ướp với các gia vị này và gói vào lá dong vùi vào tro nóng trong khoảng nửa tiếng lại lật lại. Cứ lặp lại như vậy đến khi cá chín thì đem ra dùng. Cá sau khi vùi tro có mùi thơm và vị ngon đến hoàn hảo khiến ai cũng gật gù khen ngon.

3. Xôi tím

24925-xoi-tim-2.jpg
24926-xoi-tim.jpg

Xôi tím

Để có được nồi xôi tím, người phụ nữ Thái cần chọn loại nếp nương dẻo thơm, không lẫn gạo tẻ cùng loại lá rừng có tên là Khẩu cắm. Khẩu cắm sau khi mang về từ rừng sẽ được luộc đến khi sánh và dùng để ngâm với phần nếp đã ngâm nước suối trong khoảng 8 tiếng. Khâu ngâm nếp với nước lá này mất khoảng 2 tiếng trước khi đem đồ trong một cái chõ đặc biệt của người Thái được làm bằng gỗ sung. Xôi chín mềm, dẻo nhưng khi nắm lại không hề dính tay là một điều rất đặc trưng cho loại xôi này. Được ngồi bên bếp nhà sàn, nghe mùi nếp nương toả khắp và thưởng lấy nắm xôi dẻo thơm đến từng hạt này thật không gì sánh bằng.

4. Thịt lợn hun khói

24924-thit-lon-hun-khoi.jpg

Thịt lợn hun khói

Thịt lợn hun khói cần được làm đúng mùa để thịt không bị ôi. Người dân bản thường chọn mùa đông để làm loại thịt này. Người ta sẽ mổ lợn, lọc lấy toàn bộ thịt dọc xương sườn và đem ướp thịt ngay khi còn nóng với muối hột rang, ớt khô, tiêu rừng, mắc khén, thảo quả khô…. Trong điều kiện thịt lợn không bị dính nước. Sau 5-7 ngày ướp thịt, người ta sẽ mang ra và treo trên gác bếp sấy đến khi mỡ chảy và thịt khô.

5. Măng nộm hoa ban

24913-mang-nom.jpg

Măng nộm hoa ban

Người Thái chọn măng đắng hoặc măng nứa đem về cắt nhỏ và ngâm muối trước khi luộc. Sau đó, họ để thật ráo và tước sợi. Về phần hoa ban tươi, họ chọn lấy cánh dày. Cần thiết phải có thêm cả một con cá suối nhiều thịt để đem nướng và gỡ lấy thịt. Để trộn tất cả nguyên liệu lại với nhau, họ cần có ít tỏi, ớt, rau húng và rau mùi cùng ít nước mắm. Vị chua, cay, ngọt, đắng tự nhiên của các nguyên liệu rừng đã làm nên vị ngon ngầy ngậy đặc trưng của món măng nộm hoa ban này.

6. Nộm rau dớn

24915-nom-rau-don.jpg

Nộm rau dớn

Người dân Tây Bắc thường hái rau dớn mọc nơi khe suối để về chế biến các món ăn ngon. Người Thái ở Lai Châu dùng rau dớn để làm nộm. Họ chọn những lá bánh tẻ, đem phơi một nắng và đồ như đồ xôi khoảng 20 phút. Sau đó lấy ra và trộn với rau thơm, muối, gừng, tỏi, ớt, nước chanh cùng ít lạc rang. Tuy đơn giản là vậy nhưng món nộm này lại vô cùng thú vị.

7. Món ăn từ rêu đá

24917-reu-da.jpg

Rêu đá

Rêu đá là món ăn rất quen thuộc với người Thái. Rêu này được lấy từ suối về, giặt sạch và đập qua nhiều lần để loại bỏ cát. Từ loại rêu đã được sơ chế này, người phụ nữ Thái sẽ chế biến ra nhiều món ăn ngon như rêu nướng, rêu vùi tro, canh rêu, rêu xào tỏi…

Rêu có vị nồng nồng tựa như rong biển kết hợp cùng các gia vị đặc trưng của người Thái sẽ làm nên những hương vị tuyệt hảo cho từng món ăn. Ngoài vị ngon, rêu còn được dùng như một bài thuốc trị huyết áp và nhiều chứng bệnh khác.

8. Canh tiết lá đắng

24901-canh-tiet.jpg

Canh tiết lá đắng

Canh tiết lá đắng là đặc sản của Lai Châu. Muốn có món ăn này không phải dễ bởi lá đắng mọc ven rừng, khe suối rất khó kiếm. Để làm món ăn này, người ta cần ít phổi lợn, một miếng tiết lợn, vài loại rau thơm cùng mớ lá đắng. Tất cả đem băm nát và nấu với nước sôi sẽ tạo nên món canh có vị tê chát nơi đầu lưỡi nhưng cũng đầy hương thơm và hài hoà độ béo, ngọt, bùi.

9. Rượu ngô Sùng Phài (Rượu Mông kê)

24918-ruou-ngo-2.jpg

Nấu rượu Mông Kê

Rượu Mông kê được làm từ 100% hạt ngô nếp tuyển chọn, cho lên men bằng lá và hạt kê thuốc. Công thức là vậy, song bí quyết của loại rượu đặc sản này nằm ở nước nguồn Sùng Phài. Nguyên tắc ủ rượu cũng phải qua cả một quá trình kỹ lưỡng mà chỉ có người làm nghề mới nắm giữ bí quyết. Sau thời gian chưng cất, rượu sẽ được lọc tạp chất và hạ thổ từ 2 năm trở lên. Điều đặc biệt là rượu này khi uống say không bị đau đầu mà chỉ có cảm giác như chìm vào giấc ngủ say.

Ngoài những món ăn được coi là đặc sản ở trên ra, đến Lai Châu và thăm các bản người Thái, bạn còn có cơ hội được thưởng nếm các món ngon khác như:

  • Pẹ oảng: tiết canh hạt dổi
  • Tùng han xáo xung: gan lợn xào gừng
  • Tùng càng nhảng: lòng lợn nhồi gạo nếp
  • Xéo xáo: thịt lợn xào gừng
  • Ò búng: băm nhỏ xương sống lợn và xào chín
  • Ò nồm: xương đầu lợn và chân giò hầm
  • Tì pẩu nhảng: đậu phụ nhồi.

Ngày tết, bạn còn thấy người ta dọn các món bánh đặc trưng như:

  • Rùa chía: bánh chưng đen
  • Rùa trông: bánh dày
  • Thiền pan: bánh
  • Mí hoa: bánh bỏng

V. NHÀ HÀNG - QUÁN ĂN

Hệ thống nhà hàng thị xã Lai Châu:

  • Nhà hàng Hải Liên - Đ/c: Phường Đoàn Kết – Thị xã Lai Châu – Tỉnh Lai Châu
  • Nhà hàng Biên Thuỳ - Đ/c: Phường Đoàn Kết – Thị xã Lai Châu – Tỉnh Lai Châu
  • Nhà hàng Phương Đông - Đ/c: Phường Đoàn Kết – Thị xã Lai Châu – Tỉnh Lai Châu
  • Nhà hàng Tình Ca Tây Bắc - Đ/c: Phường Đoàn Kết – Thị xã Lai Châu – Tỉnh Lai Châu
  • Nhà hàng Viên Thinh - Đ/c: Phường Đoàn Kết – Thị xã Lai Châu – Tỉnh Lai Châu
  • Nhà hàng Hoa Cương - Đ/c: Phường Tân Phong – Thị xã Lai Châu – Tỉnh Lai Châu
  • Nhà hàng Thành Cú - Đ/c: Phường Tân Phong – Thị xã Lai Châu – Tỉnh Lai Châu
  • Nhà hàng Hùng Thịnh - Đ/c: Phường Tân Phong – Thị xã Lai Châu – Tỉnh Lai Châu
  • Nhà hàng Phương Thuỳ - Đ/c: Phường Quyết Thắng - Thị xã Lai Châu – Tỉnh Lai Châu
  • Nhà hàng Thành Tâm - Đ/c: Phường Quyết Thắng - Thị xã Lai Châu – Tỉnh Lai Châu

Yeutre.vn (Tổng hợp)

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI