Cảm hứng sống từ "Người phụ nữ xấu nhất thế giới"

Velasquez Lizzie thân hình gầy gò chỉ còn da bọc xương, bị gọi là "Người phụ nữ xấu nhất thế giới".

banner ads

15117-1.jpg

Lizzie bị hai chứng bệnh hiếm gặp khiến cô gầy gò chỉ còn da bọc xương. Ảnh:BBC.

Cô đã có một cuộc lột xác ngoạn mục, trở thành nhân vật gây chú ý trên mạng với bài diễn văn truyền cảm hứng cho hàng triệu người khắp thế giới.

Câu chuyện bắt đầu khi cô gái 17 tuổi lướt web nghe nhạc trong lúc làm bài tập về nhà thì thấy một clip dài 8 giây trên You Tube với 4 triệu lượt xem có tựa đề “Người phụ nữ xấu nhất thế giới”. “Tôi đã bị sốc”, Velasquez Lizzie nhớ lại thời khắc cô nhận ra chính mình là người trong clip ấy. “Nhưng như vậy vẫn chưa là gì ghê gớm cho đến khi thấy những bình luận bên dưới, tôi hoàn toàn suy sụp”.

“Thiêu chết nó đi”, “Tại sao họ vẫn giữ clip kinh tởm này trên mạng?”, những bình luận ác ý cứ xuất hiện dày thêm mỗi ngày. Một số người còn “khuyên” Lizzie nên tự tử, có kẻ lại châm chọc "Người ta sẽ bị mù nếu trông thấy cô xuất hiện trên đường". Lizzie đã đọc hàng nghìn bình luận tiêu cực như thế về cô.

“Tôi đã khóc nhiều đêm liền, ở tuổi thiếu niên tôi nghĩ cuộc đời thế là hết. Tôi không thể nói chuyện với ai về điều đó, kể cả bạn bè. Tôi quá sốc vì việc đã xảy ra”, Lizzie nói trên BBC.

Từ lúc sinh ra đã mắc hai chứng bệnh hiếm gặp là rối loạn di truyền và rối loạn chuyển hóa mỡ, cô không thể tăng cân dù ăn thật nhiều. Học mẫu giáo, Velasquez nhớ như in những đứa bạn cùng lớp đã giật mình và sợ hãi như thế nào khi nhìn thấy cô. Ngày nào Lizzie cũng bị trêu ghẹo và bắt nạt vì vẻ ngoài quái dị của mình.

15118-2.jpg

Cô bé Lizzie trong vòng tay của cha mẹ. Ảnh: BBC.

Lizzie giờ đây đã là cô gái 26 tuổi nhưng chỉ nặng 27 kg. Mắt phải bị mù hoàn toàn trong khi bên trái đã giảm dần thị lực. Cô phải ra vào bệnh viện nhiều lần để thực hiện các cuộc phẫu thuật ở mắt, tai, chân cũng như các lần kiểm tra máu, mật độ xương để xác định chính xác căn bệnh của mình. Cô thường xuyên bị thiếu năng lượng và phải mất thời gian dài để chống lại các căn bệnh nhiễm trùng, điển hình như viêm phế quản.

Tháng 11 vừa qua, Lizzie phải vào viện để theo dõi vì không thể nuốt thức ăn do vấn đề với thực quản. Chân phải cô thường bị gãy do thiếu chất béo ở bàn chân, song ý chí sắt đá không cho phép cô gục ngã.

“Khi còn đi học, mỗi lần nhìn vào gương là mỗi lần tôi ao ước căn bệnh này sẽ biến mất. Tôi ghét nó, căn bệnh đã gây ra nhiều đau khổ trong cuộc sống của tôi. Những nỗi đau liên tục, cả thể chất và tinh thần mà một cô bé 13 tuổi không thể chịu đựng nổi”, cô bộc bạch.

Lúc sinh ra Lizzie chỉ nặng 1,2 kg. Các bác sĩ đã nói với bố mẹ cô về mọi khó khăn họ sẽ gặp phải khi chăm sóc con suốt đời và không chắc cô bé sẽ sống được lâu. Vì yêu thương đứa con của mình, bố mẹ cô là bà Rita và ông Lupe không bao giờ hỏi “Tại sao chuyện này lại xảy đến với mình” mà chỉ muốn đưa con về nhà và bắt đầu cuộc sống với đứa con bé bỏng.

Chính thái độ đó của ba mẹ đã giúp Lizzie luôn lạc quan dù bị bắt nạt ở trường, bị nhìn chằm chằm như quái vật hay bị chế giễu khi đi trên đường. Ngay khi còn nhỏ, cô đã được bố mẹ dặn rằng đi học phải luôn ngẩng cao đầu, luôn tươi cười và tốt bụng với mọi người dù họ đối xử với con thế nào chăng nữa. Cô thậm chí còn vui vẻ tha thứ cho người đã đăng clip ấy lên Youtube cách đây 9 năm.

15119-3.jpg

Câu chuyện cuộc đời và nghị lực sống của Lizzie đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người. Ảnh: BBC.

Lizzie đã quyết định tạo ra một sự thay đổi ngoạn mục hơn. Mới đây, cô lập một tài khoản trên Youtube, sử dụng tên của mình để bày tỏ cho mọi người thấy “Người phụ nữ xấu nhất thế giới” thực sự là người như thế nào.

Bài diễn văn của Lizzie đã truyền đi một thông điệp mạnh mẽ cho những người khác biết rằng họ có thể tự tin với vẻ ngoài của chính mình. Hiện trang cá nhân cô gái có 314.000 thành viên theo dõi, riêng bài thuyết trình trên với chủ đề “How do you define yourself?” (Bạn xác định bản thân như thế nào?) thu hút hơn 7,5 triệu lượt xem trên You Tube.

Giờ đây Lizzie nói rằng cộng đồng mạng xung quanh cô thật tuyệt vời. Một số người từng bị bắt nạt bình luận rằng bài diễn văn của cô đã khiến họ cảm thấy mạnh mẽ hơn, tự tin hơn, thậm chí dám đứng lên chống lại những kẻ bắt nạt.

Không những thế Lizzie còn hợp tác với Tina Meier, người mẹ có con gái đã tự sát vì những lời bình luận tiêu cực nhắm vào mình trên Internet. Lần đầu tiên, cả hai cùng nhau vận động dân biểu Quốc hội Mỹ bỏ phiếu cho dự luật chống lại hành động bắt nạt, kể cả trên mạng. Điều này có nghĩa là các trường học sẽ phải lưu tâm can thiệp đến tất cả trường hợp học sinh bị bắt nạt và sẽ được cấp kinh phí để đẩy lùi tình trạng này.

Câu chuyện cuộc đời của Velasquez và những nỗ lực chống lại hành động bắt nạt của cô đã được dựng thành phim tài liệu do Sara Hirsh Bordo làm đạo diễn. Bộ phim “A Brave Heart: The Lizzie Velasquez Story” (Tạm dịch là Một trái tim dũng cảm: Câu chuyện về Lizzie Velasquez) đã cho ra mắt đoạn trailer trong liên hoan phim Southwest năm nay. “Đây không chỉ là bộ phim về Velasquez mà còn là một câu chuyện toàn cầu, dành cho những người từng bị bắt nạt”, đạo diễn cho biết.

Video "A Brave Heart: The Lizzie Velasquez Story"

Theo VNE

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI