Trong khoảng 1/3 số ca mang thai sẽ có đốm máu xuất hiện trong thai kỳ
Trong khoảng 1/3 số ca mang thai sẽ có đốm máu xuất hiện trong thai kỳ. Tuy nhiên, hiện tượng này thường không đe dọa đến tính mạng của người mẹ và thai nhi. Thông thường, nó phổ biến nhất ở các mẹ bầu sau giao hợp và những trường hợp nhiễm trùng âm đạo. Mặc dù vậy, trong một số trường hợp, dù máu chảy ít vẫn có thể là dấu hiệu của các biến chứng nguy hiểm như nhau tiền đạo hoặc sẩy thai và thai ngoài tử cung. Chính vì vậy, đừng bao giờ chủ quan khi thấy đốm máu xuất hiện trong thời gian mang thai! Dưới đây là những lý do để bạn tìm đến các bác sĩ Sản – Phụ khoa khi thấy máu trong thai kỳ.
Trong 20 tuần đầu thai kỳ
Có khoảng 25 – 40% thai phụ bị chảy máu âm đạo trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ
Theo ước tính, có khoảng 25 – 40% thai phụ bị chảy máu âm đạo trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ. Trong số này, phần lớn đều có một thai kỳ khỏe mạnh bình thường cho đến lúc lâm bồn. Theo Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ, nguyên nhân xuất hiện các đốm máu trong giai đoạn này bao gồm:
- Máu báo: Xảy ra khoảng 4 tuần đầu tiên của thai kỳ, khi trứng thụ tinh cấy vào thành tử cung để làm tổ.
- Thay đổi nội tiết
- Quan hệ tình dục
- Nhiễm trùng
- Bác sĩ sản khoa thăm khám bên trong âm đạo
Tuy nhiên, đôi khi, chảy máu trong khoảng nửa đầu thai kỳ có thể là dấu hiệu của nhiều tình trạng nguy hiểm:
- Tụ máu dưới màng đệm: Đây là tình trạng chảy máu quanh nhau thai. Mặc dù biến chứng này không ảnh hưởng đến việc duy trì thai kỳ nhưng việc chẩn đoán và điều trị kịp thời rất quan trọng. Bằng không, nó có thể làm tăng nguy cơ các biến chứng khác, chẳng hạn như sinh non.
- Mang thai hóa học: Xảy ra khi một quả trứng được thụ tinh nhưng không bao giờ được cấy hoặc bám hoàn toàn vào tử cung.
- Sẩy thai (hoặc dọa sẩy): Thai nhi mất đi dấu hiệu sự sống trong vòng 20 tuần đầu tiên. Thông thường, chảy máu hoặc xuất hiện đốm máu có liên quan đến sẩy thai sẽ kèm theo các triệu chứng khác như chuột rút hoặc đau bụng.
- Thai ngoài tử cung: Khi một trứng thụ tinh không vào đến tử cung mà chọn một nơi khác ngoài tử cung để làm tổ được gọi là thai ngoài tử cung. Thai ngoài tử cung không thể phát triển bình thường và có thể đe dọa tính mạng cho người mẹ nếu không được chẩn đoán.
- Thai trứng: Dấu hiệu đặc trưng nhất của thai trứng là sự tăng trưởng bất thường về nhau thai hoặc thai nhi.
Tóm lại: Trong giai đoạn đầu thai kỳ, chảy máu âm đạo rất có thể là một dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn. Do đó, bạn nên gọi ngay cho bác sĩ khi rơi vào trường hợp này. Thông tin tối thiểu bạn cần cung cấp cho bác sĩ trong lúc này chính là tuổi thai và cần nhấn mạnh thêm nếu cơ thể cảm thấy mệt mỏi hoặc phải dùng đến băng vệ sinh trong nhiều ngày.
Sau 20 tuần thai
Chảy máu khi mang thai cũng cần được xem xét một cách nghiêm túc trong nửa sau của thai kỳ
Mặc dù nguy cơ sẩy thai và thai ngoài tử cung đã giảm đáng kể sau khi 3 tháng đầu tiên của thai kỳ nhưng chảy máu khi mang thai cũng cần được xem xét một cách nghiêm túc trong nửa sau của thai kỳ. Nguyên nhân gây chảy máu trong giai đoạn này bao gồm:
- Quan hệ tình dục
- Sau các thủ thuật thăm dò tử cung của bác sĩ, đặc biệt là trong 3 tháng cuối thai kỳ
- Nhau tiền đạo, tức một phần hoặc tất cả bánh nhau nằm vắt ngang qua cổ tử cung thay vì bám cao hơn trên thành tử cung của người mẹ
- Nhau bong non, tức nhau thai tách khỏi thành tử cung trước thời điểm sinh.
- Trong tất cả nguyên nhân kể trên, nhau bong non nguyên nhân phổ biến nhất gây chảy máu nghiêm trọng trong giai đoạn cuối thai kỳ.
- Ngoài ra, trong các trường hợp sinh non, có thể gây máu âm đạo nhưng có kèm theo chuột rút hoặc co thắt tử cung, tiêu chảy, gây áp lực lên vùng chậu hoặc khiến bạn bị đau lưng dữ dội trước 37 tuần. Nếu trường hợp này không được xử lý kịp thời, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của thai nhi. Sau 37 tuần, các triệu chứng này có thể là dấu hiệu cho biết bạn sắp đến kỳ chuyển dạ.
Tóm lại: Sẽ không có bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào xảy ra nếu bạn gọi cho bác sĩ hoặc đến bệnh viện ngay nếu thấy dấu hiệu bất thường. Điều quan trọng nhất là luôn quan sát kỹ màu và lượng máu để trả lời ngay cho bác sĩ trong lúc khẩn cấp.
Yeutre.vn
Nguồn: FP