Bệnh nhân N.T.P. khi mới được đưa vào phòng mổ chuẩn bị gây mê - Ảnh bệnh viện cung cấp
Sau một tuần phẫu thuật, hiện bệnh nhân đã tỉnh táo nhưng vẫn phải nằm phòng hồi sức để điều trị do tình trạng suy kiệt và bị viêm phổi.
Ngày 19-11, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến - trưởng khoa ngoại 1 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - cho biết bà P. sống vô gia cư, không có người thân, mưu sinh bằng việc bán vé số, giúp việc nhà và đêm xuống ngủ ở vỉa hè.
Theo lời kể của bà P., bà phát hiện bị bướu buồng trứng đã bốn năm nay và đã đi khám bệnh ở một số bệnh viện nhưng do không có tiền điều trị nên bà cứ để vậy và khối bướu ngày càng lớn. Đến khi không chịu đựng nổi, bà được một nhà hảo tâm ở Bình Dương quyên góp 3 triệu đồng rồi đưa đến Bệnh viện Ung bướu TP khám bệnh.
Khi nhập viện (ngày 2-11), bà P. bị suy kiệt trầm trọng, gầy yếu chỉ còn da bọc xương, mệt, khó thở, bụng rất to. Trước tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, ban giám đốc bệnh viện đã quan tâm chỉ đạo sơ cứu bệnh nhân, hội chẩn liên chuyên khoa (hô hấp, huyết học, hồi sức, tim mạch, ngoại tổng quát…) để có phương án cứu chữa bệnh nhân tốt nhất.
Sau khi khám lâm sàng, làm các xét nghiệm, siêu âm, chụp CT-Scanner… bệnh nhân được xác định bị ung thư buồng trứng. Ngày 12-11, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến và êkip phẫu thuật, êkip gây mê hồi sức đã tiến hành gây mê, phẫu thuật cho bệnh nhân trong tư thế ngồi ngửa ra sau do bệnh nhân không thể nằm được vì khó thở.
Sau khi mở đường mổ rất nhỏ để hút hết dịch trong bướu ra (tổng cộng 23 lít), các bác sĩ mới tiến hành bóc tách bướu. Do bướu quá lớn nên đã đẩy gan, thận, vòm hoành… lệch ra khỏi vị trí bình thường và bướu bám dính vào nhiều cơ quan nội tạng.
Sau gần bốn tiếng phẫu thuật, ca mổ đã thành công và khối bướu đã được lấy ra có trọng lượng 31 kg (cả dịch và bướu).
Toàn bộ chi phí điều trị, phẫu thuật cho bà P. được Bệnh viện Ung bướu TP hỗ trợ.
Theo TTO