Bé sơ sinh ở Bến tre tử vong sau tiêm vắc-xin viêm gan B

Sau tiêm văcxin viêm gan B, cháu bé 2 ngày tuổi ở Bến Tre có biểu hiện bất thường và qua đời một ngày sau.

banner ads

Chiều 16/6, Bộ Y tế kết luận, bé bị nhiễm trùng huyết giai đoạn chu sinh, không liên quan đến tiêm chủng. Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bến Tre, bé được tiêm văcxin viêm gan B lúc 10h ngày 13/6 tại Bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiểu. Cán bộ tiêm chủng đã thực hiện đúng các quy định về tổ chức tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế. Trẻ được tiêm theo đúng quy trình tiêm chủng, theo dõi 30 phút sau tiêm, tư vấn chăm sóc trong vòng 24 giờ sau tiêm chủng.

Theo gia đình, sau tiêm bé có biểu hiện bình thường, khoảng 2 giờ sau thì có biểu hiện quấy khóc, bú ít nhưng người nhà không thông báo cho cán bộ y tế. Tối cùng ngày, trẻ có dấu hiệu tím tái nhẹ, khó thở và được chuyển tới phòng hồi sức cấp cứu khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiểu. Bác sĩ xác định bé trong tình trạng sốc nhiễm trùng, theo dõi nhiễm trùng huyết và cấp cứu hồi sức tích cực tuy nhiên không đáp ứng. Trẻ tử vong ngày 14/6. Có 16 em bé khác cũng được tiêm cùng lô văcxin viêm gan B trên, nhưng không có gì bất thường.

21603-tiemviemganb1-6491-1434452163-4553-1434503584.jpg

Hình mang tính chất minh họa.

Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng văcxin, sinh phẩm y tế tỉnh Bến Tre đã điều tra và tổ chức họp ngày 16/6 với sự tham gia của các thành viên trong Hội đồng, chuyên gia Viện Pasteur TP HCM, Bệnh viện Nhi đồng 1 để đánh giá toàn bộ quy trình tiêm chủng, nguyên nhân tử vong của trẻ. Sau khi tổng hợp, phân tích, đánh giá, Hội đồng đã thống nhất kết luận: Trẻ tử vong do sốc nhiễm trùng - nhiễm trùng huyết giai đoạn chu sinh, không liên quan tới tiêm chủng.

Năm 2014, chưa đến một triệu trẻ được mũi văcxin viêm gan B trong 24h đầu ngay sau sinh trong số hơn 1,7 triệu trẻ chào đời; chiếm 55,4%. Sau một loạt sự cố liên quan đến tiêm chủng, tỷ lệ này liên tục sụt giảm. Bộ Y tế yêu cầu không chỉ các phòng tiêm mà cả các bệnh viện cũng phải khám sàng lọc kỹ cho trẻ trước khi tiêm.

Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng lo ngại nguy cơ bệnh viêm gan virus ở Việt Nam rất nặng nề trong khi tỷ lệ trẻ được tiêm văcxin phòng viêm gan B ngay sau sinh liên tục giảm thời gian qua. Trước kia tỷ lệ này tương đối cao, đến 80-90%.

Theo thống kê, tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B ở phụ nữ mang thai và nhóm người khỏe mạnh là 10-20%. Đây là yếu tố quan trọng gây nhiễm virus viêm gan B ở trẻ qua lây truyền mẹ con trong quá trình chuyển dạ và là nguyên nhân chính gây viêm gan mạn ở trẻ.

Theo VNE

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI