Aquafina được làm từ nước máy, người dùng có nhầm?

PepsiCo thừa nhận Aquafina làm từ nước máy, sắp tới nhãn hiệu Aquafina sẽ phải bổ sung thêm thông tin là nguồn nước công cộng. Chuyên gia và người dùng nói gì?

banner ads

37039-bottled-water-aquafina--26494172-1446093295-1446204229.jpg

Aquafina sẽ sớm đổi nhãn chai để nói rõ hơn với khách hàng về nguồn nước khai thác - Ảnh: AFP

Aquafina sẽ sớm đổi nhãn chai để nói rõ hơn với khách hàng về nguồn nước khai thác - Ảnh: AFP

Tập đoàn PepsiCo vừa chính thức thừa nhận nguồn nước được sử dụng cho nhãn hiệu nước đóng chai Aquafina của họ là nước máy thông thường nhưng đã qua xử lý.

Theo Russia Today, dưới áp lực của dư luận phàn nàn về việc tiếp thị gây hiểu lầm, sắp tới đây, nhãn hiệu Aquafina sẽ phải bổ sung thêm thông tin P. W. S, tức “pulic water source” (nguồn nước công cộng) để thừa nhận về nguồn gốc nước sử dụng trong các sản phẩm này.

banner ads

Nhiều bạn đọc tỏ ra không hề bất ngờ trước thông tin PepsiCo thừa nhận Aquafina làm từ nước máy.

Tuy vậy nhiều người vẫn yêu cầu phải ghi rõ trên bao bì nguồn nước được sử dụng để lọc thành sản phẩm.

Nước tinh khiết làm từ nước máy, người tiêu dùng có hiểu nhầm?

Theo Thông tư 34/2010 của Bộ Y tế ban hành về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai, thuật ngữ “nước uống đóng chai” được sử dụng để chỉ các sản phẩm nước đóng chai có thể uống trực tiếp nhưng không phải là nước khoáng thiên nhiên.

Còn “nước khoáng thiên nhiên đóng chai” là sản phẩm được phân biệt rõ ràng với các loại nước uống thông thường khác do được khai thác trực tiếp từ nguồn thiên nhiên và có hàm lượng một số muối khoáng nhất định.

Trong thông tư này cũng không đề cập đến quy chuẩn của “nước tinh khiết”.

Việc ghi nhãn nước khoáng thiên nhiên đóng chai phải tuân theo các quy định như phải có dòng chữ “Nước khoáng thiên nhiên”, phải ghi rõ nước khoáng thiên nhiên có ga tự nhiên, không ga, ít ga tự nhiên hay bổ sung ga từ nguồn.

Ngoài ra, tên nguồn nước khoáng, khu vực có nguồn nước khoáng và thành phần hóa học của sản phẩm cũng phải được ghi rõ trên nhãn của sản phẩm.

Bên cạnh đó còn quy định rõ việc nghiêm cấm ghi nhãn về tác dụng chữa bệnh của sản phẩm cũng như nghiêm cấm quảng cáo gây sự hiểu nhầm về bản chất, xuất xứ, thành phần và tính chất của nước khoáng thiên nhiên đóng chai khi lưu hành trên thị trường.

Nhầm lẫn khái niệm nước tinh khiết

Nước tinh khiết được dùng trong phòng thí nghiệm và y tế.

PGS.TS.BS Nguyễn Duy Phong ( giảng viên khoa bác sĩ gia đình Trường ĐH Y dược TP.HCM) cho rằng các nước có sự phân biệt rất kỹ giữa các định nghĩa nước suối, nước khoáng và nước tinh khiết. Tuy nhiên ở VN còn có sự nhầm lẫn giữa các khái niệm này.

“Trước đây chỉ có nước khoáng hay nước suối mới đóng chai, còn nước dùng để uống thì thường dùng nước đun sôi để nguội. Đời sống phát triển, nước uống bình thường cũng được khử khuẩn, đóng chai rồi gọi là nước tinh khiết. Bởi vậy mới có sự nhầm lẫn, cho rằng nước đóng chai phải là nước suối hay nước khoáng”, BS Nguyễn Duy Phong lý giải.

BS Trần Ngọc Lưu Phương (giảng viên ĐH Y Phạm Ngọc Thạch) thì cho rằng nước tinh khiết chỉ là H2O đơn thuần và thường được dùng trong phòng thí nghiệm hoặc trong y tế.

Còn loại nước uống đóng chai mà nhiều người gọi là nước tinh khiết thật ra là nước được lọc sạch và không có các chất hòa tan, không chứa hoặc chứa các vi sinh vật (bao gồm vi trùng và vi nấm) dưới ngưỡng cho phép và không phải là nước nặng.

PGS.TS Trần Hồng Côn (khoa Hóa học, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng cho rằng nước tinh khiết được sử dụng chủ yếu trong kỹ thuật và trong phòng thí nghiệm. Nếu được dùng để uống thì chỉ có nhiệm vụ cung cấp nước cho cơ thể.

“Nhưng cơ thể con người cũng cần các loại vi chất, muối khoáng và các chất cần thiết khác ở trong nước. Tuy vậy việc dùng nhiều nước khoáng quá cũng không nên vì có thể có hại cho ruột hoặc gan”, ông Côn giải thích.

Nước nào cũng không nên quá lạm dụng?

BS Lê Quang Hào - Viện Dinh dưỡng quốc gia còn cho biết nước khoáng có chứa các chất ion, canxi, maggie, sắt, kẽm,… rất tốt cho người sử dụng, đặc biệt là trẻ em.

“Tuy vậy, việc bổ sung dưỡng chất cho cơ thể là chủ yếu thông qua lương thực thực phẩm, sử dụng các loại nước khoáng để tăng cường các chất thật ra cũng không quan trọng lắm”, BS Hào cho biết thêm.

Theo BS Nguyễn Duy Phong, riêng người bị sỏi thận không nên uống nhiều nước khoáng vì khoáng chất có trong nước có thể làm tăng kích thước sỏi.

“Trường hợp người bị viêm bao tử, loét dạ dày cũng không nên uống nước khoáng vì một vài vi chất trong nước khoáng có thể gây kích thích dạ dày”, ông Phong cho biết.

Ông Côn cho rằng nước đun sôi để nguội có thể còn chứa một vài chất độc, kim loại nặng không thể khử được vì đun sôi chỉ diệt vi khuẩn. “Người sử dụng có thể dùng các loại máy lọc nước giữ nguyên khoáng”, ông Côn đề xuất.

Về băn khoăn của các bà mẹ là nên pha sữa cho con bằng nước nào là tốt nhất, BS Lê Quang Hào cho biết chỉ cần đun sôi các loại nước máy hoặc nước uống đóng chai, sau đó để nguội đến dưới 70 độ là có thể pha sữa cho trẻ.

TS Trần Hồng Côn cũng cho rằng không nên dùng nước khoáng pha sữa cho con vì điều đó có thể làm thay đổi các thành phần hóa học có trong sữa.

“Các loại sữa đã được bổ sung đầy đủ khoáng chất cho trẻ em, nếu được pha bằng nước khoáng nữa thì có thể khiến trẻ bị cường khoáng, rất có hại cho sức khỏe của trẻ”, ông Côn lý giải.

Không bất ngờ nhưng cần rõ ràng

Qua sự kiện PepsiCo thừa nhận Aquafina làm từ nước máy anh Thanh Phong (Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho rằng các hãng sản xuất nước đóng chai nên chú thích rõ nguồn nước, quy trình lọc và các chỉ số chất lượng trên bao bì để người tiêu dùng hiểu rõ hơn về sản phẩm và an tâm sử dụng.

Cùng suy nghĩ này, chị Xuân Quỳnh (Q.Bình Tân, TP.HCM) cho biết dù biết rõ “nước tinh khiết” chỉ là nước uống được đóng chai nhưng vẫn cần các nhà sản xuất in nguồn nước lên bao bì vì “đó là đạo đức kinh doanh và không lập lờ với người tiêu dùng”, chị Quỳnh nói.

Một số bạn đọc cho rằng định nghĩa nước suối, nước tinh khiết và nước khoáng là hoàn toàn khác nhau nên người tiêu dùng phải tìm hiểu kỹ thông tin được in trên sản phẩm trước khi mua về để tránh trường hợp bị hiểu lầm.

Không nên lọc bằng màng RO

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn , hiện nay hầu hết các nhà máy sản xuất nước đóng chai đều sử dụng kỹ thuật lọc bằng màng RO.

Kỹ thuật này cho ra sản phẩm nước gần tinh khiết, sau đó các nhà sản xuất có thể bổ sung thêm chất khoáng.

“Kỹ thuật bổ sung khoáng của một vài công ty nước đóng chai là khá tốt, cho ra nhiều sản phẩm có lượng khoáng phong phú. Tuy vậy, người sử dụng cũng không nên lạm dụng nước lọc bằng màng RO vì có thể bị thiếu khoáng, thiếu vi chất dẫn đến sinh bệnh.

Các nước Đức, Anh, Úc đều đã chứng minh được nước lọc bằng màng RO không tốt cho sức khỏe nên cấm đã cấm sử dụng phương pháp này. Tuy nhiên tại VN thì chưa có luật cấm”, ông Côn cho biết thêm.

Theo TTO

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI