1. Cần cho con tin rằng con sẽ không sao
Bị xâm hại có thể được coi là điều tồi tệ nhất đối với một đứa trẻ và ảnh hưởng lớn tới tinh thần, tương lai của đứa trẻ đó sau này. Điều này không chỉ là nỗi ám ảnh của con mà còn là nỗi ám ảnh của cha mẹ. Tuy nhiên, dù bạn đang cảm thấy điều này kinh khủng thế nào, bạn cũng cần phải cho con trẻ tin rằng, con sẽ ổn thôi, con sẽ không sao cả, con không phải là "đồ bỏ đi".
Nếu cha mẹ không vững vàng trấn tĩnh con thì con sẽ có nguy cơ bị sụp đổ hoàn toàn, đau đớn và ám ảnh cả đời. Thậm chí một số đứa trẻ không thể vượt qua và có thể làm những điều túng quẫn.
2. Lắng nghe và tin điều con nói
Với những trẻ ở lứa tuổi teen, các con vô cùng nhạy cảm và khó có thể tâm sự với cha mẹ nếu cha mẹ tỏ ra hờ hững và không tin lời con nói. Với những trẻ nhỏ hơn thì lại chưa thể biểu hiện hết những suy nghĩ của mình và thường sợ hãi, ám ảnh. Do đó, cha mẹ cần phải lắng nghe con nói và phải tin những điều con nói để con cảm thấy mình còn có chỗ dựa về tinh thần, không bị bỏ rơi, lạc lõng.
3. Cho con biết kẻ xấu sẽ bị trừng trị
Hãy giúp con hiểu rằng kẻ xâm hại con là sai và cần phải đưa ra ánh sáng để ngăn chặn hành vi làm hại người khác. Việc con bị xâm hại sẽ giảm đi lòng tin của con đối với mọi người xung quanh và xã hội. Điều này sẽ khiến con sống mặc cảm, ám ảnh tự ti và có nguy cơ trầm cảm. Khi con biết được rằng, kẻ xâm hại đó sẽ bị trừng trị thì con sẽ cảm thấy tin tưởng vào cuộc đời hơn và đáng sống hơn.
4. Bảo vệ sự riêng tư của con
Khi con bị xâm hại, con sẽ rất sợ hãi thế giới bên ngoài và đôi khi có những yêu cầu kỳ quặc như đòi mặc 2 quần đi ngủ chẳng hạn. Điều này sẽ khiến cha mẹ bối rối không biết nên làm gì để trấn an con. Thực ra, lúc này, cha mẹ hãy tôn trọng sự riêng tư của con và để con làm điều con cảm thấy an toàn với chính mình nhất. Bất kỳ đứa trẻ nào khi bị xâm hại cũng sẽ bất ổn tâm lý trong thời gian đầu và cần được cha mẹ bảo vệ, tôn trọng.
5. Không để con tự trách mình
Khi trẻ bị xâm hại, con sẽ nghĩ lỗi do con bất cẩn, tại con nên con mới bị xâm hại. Cha mẹ hãy nói với con rằng, đây không phải lỗi của con, cho dù con có cho phép người khác chơi trò động chạm thì người lớn cũng không có quyền xâm hại con và họ phải luôn nói "không". Người lớn phải luôn có "giới hạn" của mình trong mọi tình huống. Vì vậy đừng bao giờ dồn trách nhiệm và đổ lỗi cho trẻ.
6. Hạn chế tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân
Sẽ rất nhiều cha mẹ ngạc nhiên về điều này, nhưng đó là sự thật. Người thân không phải ai cũng có đủ kinh nghiệm để xử lý chuyện nhạy cảm này và đôi khi có thể gây tổn thương cho gia đình bạn. Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia tâm lý, cảnh sát, luật sư. Họ sẽ giúp bạn có những cách xử lý tình huống tốt hơn.
Yeutre.vn (Tổng hợp)