Khác hoàn toàn với việc tăng cân, nếu tăng cân là mẹ chỉ cần nhồi nhét cho con ăn thật nhiều thì con sẽ dư thừa và tăng cân. Tuy nhiên, chiều cao thì không như vậy. Để phát triển chiều cao cần hội đủ các yếu tố như nhân tố di truyền, nhân tố kích thích hooc-môn và dinh dưỡng.
Như vậy, yếu tố di truyền và hooc-môn là điều cha mẹ không thể tác động được, chỉ duy nhất dinh dưỡng là cha mẹ có thể thay đổi, cải thiện giúp trẻ cao lên. Cùng với dinh dưỡng và thời điểm vàng thích hợp, cha mẹ sẽ giúp trẻ phát triển được chiều cao tốt nhất.
1. Thời điểm vàng từ 3 tháng - 2 tuổi
Giai đoạn này chiều cao của trẻ sẽ tăng rất nhanh. Nếu mẹ bỏ qua yếu tố dinh dưỡng thì sẽ khiến trẻ bị trì hoãn thêm 6 tháng phát triển chiều cao (tính từ lúc sau 2 tuổi). Sau 2 tuổi, chiều cao phát triển khá chậm và nếu mẹ vẫn không thay đổi chế độ dinh dưỡng thì sẽ làm trẻ mất cơ hội đạt được chiều cao tối ưu trong giai đoạn sau.
Theo đó, từ 3 - 6 tháng, trẻ vẫn bú mẹ, dinh dưỡng chủ yếu nhận từ sữa mẹ nên mẹ tích cực ăn uống đầy đủ, tắm nắng để cung ứng đủ vitamin D, canxi trong sữa. Nhờ vậy trẻ luôn nhận đủ canxi để phát triển tốt về xương. Các chuyên gia cũng cho biết, với trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài tới 2 năm thì rất ít khi bị thiếu canxi.
Với trẻ từ 6 tháng - 2 tuổi, trẻ bước vào độ tuổi ăn dặm nên mẹ cần linh hoạt thực đơn hàng ngày cho trẻ. Cho trẻ ăn đa dạng thực phẩm tươi chín để con có cơ hội hấp thu nhiều dưỡng chất.
2. Thời điểm vàng từ 4 - 6 tuổi
Từ 2 - 3 tuổi, chiều cao của trẻ phát triển rất chậm và sẽ dậm chân tại chỗ nếu mẹ bỏ qua dinh dưỡng. Đến 4 tuổi, đây lại chính là thời điểm vàng lý tưởng, đặc biệt với bé gái, thời điểm này chiều cao tăng rất nhanh. Nếu bé ăn uống tốt thì chiều cao phát triển tốt. Ngoài ra, nếu trước 4 tuổi, bé biếng ăn, dinh dưỡng không đủ thì sẽ bù vào giai đoạn này. Trung bình 1 năm, bé sẽ tăng được 5 - 6 cm, nếu dinh dưỡng tốt, bé có thể tăng 10 - 12 cm.
Riêng với bé trai, thời điểm này tăng chiều cao bình thường. Tuy nhiên, mẹ vẫn phải ưu tiên dinh dưỡng cho bé trong giai đoạn này.
3. Thời điểm dậy thì
- Bé gái từ 11 - 15 tuổi: Đây là giai đoạn dậy thì và phát triển chiều cao tối ưu của trẻ. Nhiều cha mẹ bỏ qua và chờ tới lúc trẻ ngoài 15 thì đã trễ và nếu muốn trẻ cao thì phải nỗ lực rất nhiều. Trong giai đoạn này, tốc độ tăng chiều cao là cao nhất so với mọi thời điểm vàng trước đó. Thời điểm này các bé cũng dễ tăng cân, do đó, về dinh dưỡng mẹ luôn ưu tiên thực phẩm giàu chất xơ, canxi, vitamin D cho trẻ để trẻ tăng chiều cao và cân đối về cân nặng. Nếu để bé béo phì trong giai đoạn này thì chiều cao sẽ tăng chậm nhiều.
- Bé trai từ 13 - 17 tuổi: Bé trai sẽ dậy thì muộn hơn và tăng chiêu cao sau bé gái vì vậy, chúng ta sẽ thường thấy khi bước vào bậc trung học cơ sở, rất nhiều bé gái cao hơn bé trai nhưng đến trung học phổ thông, thì các bé gái phát triển chiều cao rất chậm, các bé trai bắt đầu tăng mạnh. Vì vậy, cha mẹ cần ưu tiên phát triển chiều cao trong độ tuổi này bằng cách cân bằng dinh dưỡng, tập thể dục các môn như bơi lội, hít xà chẳng hạn.
Yeutre.vn (Tổng hợp)