1. Cách làm mứt dừa cà phê sữa
Có rất nhiều cách để tạo màu cho món mứt dừa thêm phần đặc sắc. Mứt dừa cà phê sau đây cũng vậy. Cùng theo dõi nhé.
1.1. Chuẩn bị nguyên liệu
- 400 gram cùi dừa non
- 170 gram đường cát trắng
- 1 gói cà phê đen hòa tan 15 gram
- 30 ml sữa đặc Ông Thọ
1.2. Cách làm mứt dừa cà phê dạng sợi truyền thống
Bước 1: Cách sơ chế dừa làm mứt
- Tách vỏ lấy phần cùi dừa , cạo sạch lớp vỏ màu nâu bên ngoài ta được phần thịt dừa trắng tinh.
- Cắt đôi cùi dừa, dùng dao bào bào thành từng sợi dừa dài giúp chon mứt dừa khi sên không bị nát, vụn.
- Sao khi nạo sợi xong, các bạn cho dừa ngâm và rửa sạch bằng nước lạnh cho đến khi nước rửa trong và tay bạn không còn thấy nhớt bám cơm dừa nữa là được. Để tránh mất thời gian, bạn có thể mua dừa đã sơ chế sẵn cho nhanh.
- Sau khi rửa sạch dầu dừa, vớt cơm dừa ra rổ để ráo nước. Lưu ý, phải chắn chắn loại bỏ được hoàn toàn dầu dừa nếu không khi sên mứt sẽ khó khô và quá trình bảo quản mứt dễ bị chảy nước, không để được lâu.
Bước 2: Ướp dừa với cà phê, đường và sữa đặc
Khi dừa đã ráo nước, cho dừa vào một cái thau sạch. Thêm cà phê, đường vào cùng. Trộn thật đều lên sao cho dừa có thể ngấm đủ các nguyên liệu còn lại. Ủ dừa khoảng 4-6 tiếng hoặc qua đêm để đường tan hoàn toàn. Thêm phần sữa đặc vào trộn cùng sẽ giúp cho món mứt dừa cà phê thơm ngon béo hơn.
Bước 3: Tiến hành sên mứt dừa cà phê
- Bắc lên bếp một cái chảo lòng rộng. Cho phần dừa đã ướp nguyên liệu đun với lửa vừa. Dùng đũa đảo nhẹ để tránh làm gãy mứt dừa. Khi nước đường sôi, các bạn hạ lửa nhỏ và đảo liên tục để không bị cháy.
- Khi thấy đường đã khô và kết tinh, sợi dừa không còn nặng tay, từng sợi dưa không dính vào nhau là gần được.
Tiếp tục sên mứt đến khi mứt khô giòn thì tắt bếp.
Mứt dừa sên cà phê sẽ có màu nâu của cà phê vô cùng đẹp mắt. Để mứt dừa cà phê sữa nguội thì bạn có thể cho vào hũ kín sạch có nắp đậy để bảo quản sử dụng dần.
2. Cách làm mứt dừa cà phê dạng viên
Ngoài cách làm mứt dừa cực đơn giản theo cách truyền thống với dạng sợi, bạn cũng có thể làm mứt dừa cà phê dạng viên kẹo ngộ nghĩnh sau đây nhé!
2.1. Chuẩn bị nguyên liệu
- 500 gram cùi dừa
- 200 gram bột cà phê
- 170 gram đường
- 30 gram sữa đặc Ông thọ
2.2. Cách làm mứt dừa non dạng viên vị cà phê thơm ngon tại nhà
Bước 1: Sơ chế dừa làm mứt dạng viên
Cách sơ chế dừa bạn cũng làm tương tự như cách trên. Tuy nhiên, bạn không nạo sợi mà thái dừa thành những viên hình vuông nhỏ khoảng 1 cm .
Bước 2: Ngâm và ủ viên mứt dừa
- Rửa dừa cho thật sạch dầu dừa và để ráo nước, bạn trộn cùi dừa viên với bột cà phê, đường cát và sữa đặc với nhau thật đều.
- Ướp cùi dừa với nguyên liệu khoảng 3 – 4 giờ. Khi này, phần đường ướp sẽ tan chảy thành nước, hòa quyện với bột cà phê tạo nên nước đường có màu nâu.
Bước 3: Tiến hành sên mứt dừa cà phê dạng viên
- Cho hỗn hợp viên dừa đã ngâm vào nồi, bắc lên bếp đun với lửa vừa cho nước đường sôi lên. Hạ lửa nhỏ và sên viên dừa cho đến khi nước đường khô cạn, kết tinh. Tiếp tục đảo mứt cho đến khi mứt khô hoàn toàn thì tắt bếp.
- Mứt dừa cà phê dạng viên sau khi sên xong có thể dàn mỏng ra mâm sạch cho nguội hẳn rồi cất hũ, bảo quản nơi thoáng mát.
- Muốn mứt lên màu cà phê chuẩn nhất, bạn có thể dùng cà phê đen để ướp dừa làm mứt.
- Thời gian ướp cùi dừa với bột cà phê tối thiểu 3 tiếng để đảm bảo nguyên liệu thấm màu.
3. Cách bảo quản mứt dừa tự làm tại nhà
3.1. Bảo quản ở nhiệt độ thường
- Sau khi sên xong mứt, để nguội hoàn toàn. Phần đường sên mứt bạn hãy giữ lại. Tiếp đó bạn sử dụng hũ thủy tinh, hũ nhựa có nắp đậy kín hoặc túi ni lông đựng mứt. Sau khi cho mứt dừa cà phê vào bạn rắc một lớp đường hạt vào trong hũ/ túi mứt. Đường có tác dụng hút ẩm cho mứt tránh được tình trạng mứt bị chảy nước, mất hương vị. Đậy nắp hoặc cột kín tránh gió lọt vào.
- Đặt hũ mứt/ túi mứt ở nơi khô ráo, tránh ánh nắng trực tiếp nhé. Khi ăn chỉ nên lấy một lượng vừa đủ.
3.2. Cách bảo quản mứt dừa trong tủ lạnh
Cũng như cách trên vẫn để mứt nguội hẳn mới tiến hành bảo quản. Cho vào ngăn mát tủ lạnh và bảo quản thôi. Đây có lẽ là cách bảo quản hiệu quả nhất. Khi ăn bạn không mang cả túi ra ngoài mà chỉ lấy lượng đủ dùng.
Trong trường hợp mứt có dấu hiệu chảy nước, bạn có thể bỏ mứt cùng đường sên đã giữ lại để sên lại mứt hoặc phơi khô. Cách này cũng giúp làm khô mứt trở lại.
Cách làm mứt dừa cà phê có sự kết hợp nguyên liệu hài hòa giúp mứt dừa đảm bảo lên màu nâu đẹp mắt, vị không gắt. Tuy nhiên, nếu bạn thích vị đắng có thể dùng cà phê nước cà phê nguyên chất và không dùng sữa đặc. Ngoài công thức dừa sên với cà phê các bạn có thể tham khảo thêm một số cách làm mứt dừa nhiều màu sắc của Chuyên mục Món ngon của Yeutre.vn để làm phong phú thêm vị mứt dừa hấp dẫn nhé.
Khánh Kim