1. Ông Phàn Nàn
Hãy thôi làm "ông Phàn Nàn" và tiết kiệm từ “không” cho những tình huống khẩn cấp hơn.
Bạn đã nghiệm ra rằng dường như mình lúc nào cũng luôn miệng phàn nàn con: “Đừng đánh em”, “Đừng ăn uống vây bẩn cả quần áo”, “Không được phá cái laptop của ba”… Vậy đã bao giờ bạn chỉ xem con nên việc những gì việc gì và làm những việc ấy cùng các bé hay chưa? Bạn cứ nói "không" mãi lâu dần với trẻ từ đó sẽ chẳng còn tác dụng như ban đầu nếu bạn chưa tìm ra giải pháp nào thay thế thỏa đáng hơn. Vì thế, hãy thôi làm "ông Phàn Nàn" và tiết kiệm từ “không” cho những tình huống khẩn cấp hơn. Như khi bé cho tay vào ổ điện nghịch phá chẳng hạn.
2. Ông Đòn Roi
Bạn nghĩ những đòn roi có giúp trẻ thay đổi được không? Hay trẻ sẽ nghĩ rằng một lúc nào đó tôi cũng sẽ dùng bạo lực để giải quyết những vấn đề của bản thân? Hãy nhớ rằng ngôi nhà là nơi trẻ nhận được tình yêu thương và một sự kỷ luật đúng mực chứ không phải là nơi của những sự trừng phạt.
Nếu bạn càng cố quát tháo con, một ngày nào đó khi trẻ lớn hơn nó có thể quay ngược trở lại quát tháo và đỡ lại chiếc roi của bạn. Điều này sẽ khiến bạn đau đớn hơn lúc nào hết. Nhưng một khi bạn đã tức giận, hẳn không thể tránh được điều này. Nếu bạn lỡ thành "ông Đòn Roi" mất rồi, nên mở lời xin lỗi bé và sửa chữa về sau. Cha mẹ thỉnh thoảng nói lời xin lỗi với con cũng là một cách giáo dục rất hiệu quả đấy.
3. Bà Mâu Thuẫn
Bạn nên đặt ra cho mình những nguyên tắc ứng xử với trẻ.
Trong cùng một hành vi, thái độ, nếu bạn lúc thế này, lúc lại thế khác, đứa con sẽ cảm thấy mất phương hướng. Nó không thể biết đâu là điều nên làm và đâu là điều không nên. Vì thế, bạn không thể trách sao con trở nên bất "phục tùng".
Tốt nhất, bạn nên đặt ra cho mình những nguyên tắc ứng xử và cố gắng tuân thủ. Sự thống nhất này sẽ khiến trẻ biết được điều sai trái nó đã làm và với sự giúp đỡ của bạn, nó sẽ cố gắng thay đổi. Chớ thành "người Mâu Thuẫn" trước mặt các con của mình để biến chúng thành những đứa trẻ không biết vâng lời.
4. Ngài Phạt Vô Tội Vạ
Khi con sơ ý làm đổ chồng chén đĩa bạn vừa mới rửa xong, ngay lập tức bạn lao đến quát mắng và đánh đòn con. Đứa trẻ sẽ tấm tức và nghĩ rằng "Ôi thôi, mình chẳng đáng giá bằng chồng chén đĩa kia". Tương tự, khi con gặp chuyện buồn bực, trở về phòng trút giận bằng cách ném đi một món đồ chơi nào đó. Bạn bắt gặp và thay vì hỏi han con, bạn lại cứ thế mắng nhiếc trẻ. Những tổn thương này dần dà sẽ dẫn trẻ vào sâu trong thế giới của riêng mình. Chúng có thể trở nên ít nói và những hệ lụy xấu hơn có thể xảy đến. Vì thế, hãy thôi thành "ngài Phạt Vô Tội Vạ" và lắng nghe điều con muốn nói nhiều hơn. Bạn có thể phạt cho hành động hậu đậu của trẻ bằng cách tiết kiệm tiền quà vặt để mua lấy những đồ dùng mới.
5. Bà “Chụp Mũ”
Đừng có lúc nào cũng trở nên "kẻ Chụp Mũ” cho con kiểu: “Con luôn là đứa vội vàng ẩu thả”, “Con thật đãng trí”, “Con thật vụng về”… Hãy kiên nhẫn quan sát và giúp con thay đổi những tật xấu bằng sự hiểu biết và tình yêu thương của mình.
6. Bà So Sánh
Những người mẹ thường trở thành "người So Sánh" con mình với con người khác “Cũng học một thầy như nhau, điều kiện con thậm chí còn hơn bạn mà sao con không tiến bộ được”, “Chị con đạt hết giải này đến giải khác sao con mãi cứ lẹt đẹt vị trí cuối lớp”…
Những kiểu so sánh khiêu khích như vậy suy cho cùng cũng xuất phát từ sự ích kỷ của người lớn mà ra. Bạn không thể chịu đựng được cảm giác con mình thua kém con người khác. Bạn muốn con cái là vật thế thân để thực hiện những gì bạn mong muốn mà không thể làm được. Trong khi đó con bạn thực sự mệt mỏi với cuộc chạy đua mà vốn dĩ chỉ của riêng bạn. Hãy thử suy nghĩ xem khi so sánh con bạn với ai đó, bạn nghĩ đến ai trước hết nhé.
7. Ngài Vô Tâm
Đừng trở thành "người Vô Tâm" với chính con ruột của mình.
Trường học là nơi con lui đến và dành nhiều thời gian nhất ngoài gia đình ra. Đó cũng là môi trường phát triển tâm lý, nhân cách và kiến thức của con. Vì vậy, sẽ thật thiếu sót nếu như bạn bỏ mặc con sau mỗi lần đưa chúng đến trường.
Rất vô tình, bạn trở thành "người Vô Tâm" với chính con ruột của mình. Thường xuyên liên lạc với giáo viên là cách gián tiếp bạn thể hiện sự quan tâm và tình yêu bạn dành cho con. Nếu không có đủ thời gian bạn chỉ cần hỏi con một đôi câu ân cần. Hãy dùng linh cảm của người mẹ để nhận ra cảm xúc thay đổi nơi con mà có những chia sẻ kịp lúc. Con bạn sẽ yêu và hiểu bạn hơn là đòi hỏi bạn dành thật nhiều thời gian với chúng.
8. Bà Nói Không Làm
Một khi đã đặt ra những nguyên tắc trong gia đình, bạn hãy cố gắng để trẻ tuân thủ theo. Đừng trở thành người nói mà không làm trước mặt con trẻ. Nếu bạn dễ dãi bỏ qua cho trẻ lần một, lần hai, chúng sẽ lờn đi với những nguyên tắc chung giữa bố mẹ và con cái. Điều đó khiến chúng trở thành những đứa trẻ ù lì và không vâng lời.
9. Ông/ Bà Cáu Giận
Bạn không thể tránh những lúc phát bực trong quá trình dạy dỗ và chăm sóc con cái. Nhưng hãy tự chủ và gạt đi những lời mắng mỏ nặng lời, gây tổn thương đến trẻ hoặc những cái bạt tai mạnh tay. Bất cứ những lời nói hoặc hành động nào trong lúc giận dữ đều thiếu khôn ngoan và dễ khiến bạn ân hận về sau.
10. Ông bà Xấu Tính
Cách vợ chồng bạn cư xử với nhau sẽ tác động rất lớn đến nhân cách của trẻ.
Cách vợ chồng bạn cư xử với nhau sẽ tác động rất lớn đến nhân cách của trẻ. Nó sẽ ảnh hưởng đến cách con bạn đối xử với những người khác trong mối quan hệ giao tiếp bên ngoài. Nếu cứ tiếp tục, vợ chồng bạn chẳng khác nào đang hủy hoại một nhân cách đang hình thành. Ngược lại, khi bạn biết yêu thương và cư xử tử tế với chồng/ vợ, tình yêu thương sẽ tràn ngập trong tâm hồn trẻ. Và đó là nền tảng cho mọi hành động cũng như lời nói tốt đẹp của đứa trẻ sau này.
Những cái tên bạn vừa nghe thật buồn cười phải không? Vậy mà đã có lúc bạn như thế đó. Hãy cố gắng thay đổi nếu bạn thường xuyên đối xử với con theo những cách tiêu cực như trên nhé (đòi hỏi nhiều kiên nhẫn đấy)!
Yeutre.vn (Tổng hợp)