Zika không phải nguyên nhân duy nhất gây dị tật đầu teo

Ngoài virus Zika, tật đầu teo ở trẻ sơ sinh còn có thể do hội chứng Down, rối loạn chuyển hóa, nhiễm virus hoặc nhiễm ký sinh trùng.

banner ads

Lo lắng thai nhi bị chứng đầu teo khi Việt Nam phát hiện có người nhiễm virus Zika, tại TP HCM mấy ngày qua đã có không ít bà mẹ mang thai đi thử máu khi bị sốt, tuy nhiên không có trường hợp nào bị phát hiện mắc bệnh. Để giúp thai phụ hiểu rõ hơn về dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh nhằm tránh hoang mang, Ngoisao.net đã trao đổi với Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Thanh Tâm, Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 về vấn đề này.

48483-zika-2213-1460362832.jpg

Zika chỉ là một trong những nguyên nhân gây đầu teo và không phải thai phụ nào mắc bệnh thì trẻ cũng bị dị tật. Ảnh: AP

Dị tật đầu nhỏ là từ được nhiều người nhắc đến trong thời gian gần đây. Bác sĩ có thể giải thích hiện tượng này là gì?

banner ads

Đây là một rối loạn hiếm gặp của hệ thần kinh trung ương làm cho não ngừng phát triển. Hậu quả là trẻ có kích thước vòng đầu nhỏ hơn giới hạn chuẩn theo tuổi và giới tính. Tật đầu nhỏ có thể xảy ra khi còn trong bụng mẹ hoặc trong những năm tháng đầu đời, gây các biến chứng thần kinh.

Zika là nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ mang dị tật đầu nhỏ. Bác sĩ thấy quan niệm này của nhiều người như thế nào?

Zika chỉ là một trong nhưng nhiều nguyên nhân. Dị tật có thể gây ra bởi các bất thường do gene, hội chứng Down, rối loạn chuyển hoá. Hoặc cũng có thể do tiếp xúc từ trong bụng mẹ với các loại gây hại cho sự phát triển của não hoặc do các yếu tố mắc phải sau sinh.

Trẻ có thể bị dị tật đầu nhỏ nếu mẹ nhiễm virus Rubella, thuỷ đậu, Zika (lan truyền qua muỗi vằn). Thai phụ nhiễm ký sinh trùng: toxoplasmosis (từ mèo) hoặc cytomegalovirus cũng có thể khiến trẻ bị di chứng. Một số nguyên nhân khác gồm nhiễm chì, suy dinh dưỡng, thiếu vi chất, xuất huyết não ở trẻ sơ sinh, tổn thương não sau sanh, khiếm khuyết não và tuỷ sống.

Trẻ bị dị tật đầu nhỏ sẽ có các biểu hiện gì ngoài vòng đầu nhỏ hơn bình thường?

Một số trẻ vẫn có trí thông minh và phát triển bình thường mặc dù kích thước đầu luôn nhỏ hơn trẻ cùng tuổi và cùng giới. Các biểu hiện và biến chứng tuỳ thuộc mức độ nặng của não ngừng phát triển, gồm: Chậm phát triển tâm thần vận động chậm nói, chậm cử động, chậm ngồi, chậm đứng, chậm đi, khó nhai, khó nuốt, khó phối hợp động tác và giữ thăng bằng, trẻ bị thấp lùn, tăng động, biến dạng gương mặt, mất thính lực, mất thị lực.

48482-dsc07494-5122-1460362832.jpg

Thạc sĩ - bác sĩ Phạm Thị Thanh Tâm, trưởng khoa Hồi sức sơ sinh Bệnh viện Nhi Đồng 1. Ảnh: T.C

Làm thế nào để phát hiện sớm dị tật đầu nhỏ và các nguyên nhân?

Bác sĩ có thể phát hiện sớm dị tật đầu nhỏ từ trong bào thai hoặc ngay sau khi sinh.

Qua siêu âm thai, các bác sĩ sẽ tính đường kính lưỡng đỉnh của thai nhi ở 3 tháng giữa hoặc đầu 3 tháng cuối thai kỳ nhỏ hơn kích thước mong đợi. Bác sĩ cũng có thể đo vòng đầu trẻ sơ sinh sau sinh và trong những lần khám sức khoẻ định kỳ cho đến 2 - 3 tuổi. Kích thước vòng đầu sẽ nhỏ hơn vòng đầu chuẩn theo tuổi và giới tính. Có thể cần đo vòng đầu của cha và mẹ trẻ trong trường hợp gia đình có vòng đầu nhỏ hơn bình thường.

Ngoài ra, một số biện pháp cận lâm sàng như siêu âm não, chụp não cắt lớp, cộng hưởng từ não, các xét nghiệm máu tầm soát rối loạn chuyển hoá bẩm sinh và di truyền học, cũng giúp phát hiện bệnh.

Điều trị dị tật đầu nhỏ như thế nào?

Không có biện pháp điều trị đặc hiệu. Các can thiệp điều trị hỗ trợ có thể giúp trẻ phát triển và nâng cao chất lượng cuộc sống như: ngôn ngữ trị liệu, vật lý trị liệu vận động... Có thể dùng thuốc trong trường hợp trẻ bị co giật hay tăng động.

Về lâu dài, trẻ phát triển thế nào tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây cho não ngừng phát triển. Trẻ có rối loạn dạng nhẹ có thể phát triển như bình thường đến khi dậy thì và vẫn bắt kịp tốc độ phát triển phù hợp theo tuổi. Các trẻ có rối loạn dạng nặng có thể chậm phát triển vận động và học tập, bại não và co giật.

Cách phòng ngừa dị tật đầu nhỏ như thế nào?

Trước khi mang thai, người phụ nữ cần chích ngừa Rubella, tầm soát và điều trị nhiễm sán dãi mèo. Khi đang mang thai, thai phụ nên thực hiện các biện pháp sau để ngăn ngừa mắc phải dị tật đầu nhỏ cho con mình như chế độ ăn đủ chất và uống vitamin, không nên uống rượu, dùng thuốc phải theo chỉ định của bác sĩ và tránh xa các hoá chất.

Ngoài ra, thai phụ nên rửa tay thường xuyên, điều trị ngay khi mắc bệnh, không nên tiếp xúc với phân mèo đặc biệt là phân mèo có thể lan truyền ký sinh trùng gây bệnh Toxoplasmosis. Dùng thuốc xua đuổi côn trùng khi ở trong vùng có nhiều muỗi. Trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh cho rằng thuốc xua đuổi côn trùng an toàn cho thai phụ.

Theo ngoisao

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI